(ĐSPL) - "Em bé bị bạo hành như vậy có thể gặp những sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Các em sẽ bị ám ảnh, thậm chí khi ngủ sẽ gặp những cơn ác mộng".
Như báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, vừa qua, tại Nghệ An xảy ra câu chuyện về một bé trái bị bố xích cổ và đã bỏ trốn đi lang thang ngoài đường.
Trả lời báo Đời sống & Pháp luật, Thạc sĩ Đào Lê Hòa An - Uỷ viên BCH TƯ Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết: Việc bạo hành có thể khiến em bé bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Các em sẽ bị ám ảnh, khi ngủ thì mơ thấy những cơn ác mộng như mình bị trói, bị bắt, bị đánh. Từ những hoạt động trong cuộc sống luôn khơi gợi lại những hình ảnh bị bạo lực, đó là những hình ảnh có thể ám ảnh suốt đời.
Các em sẽ tự ti trong cuộc sống, sống khép mình, đóng cửa tâm hồn, không bộc lộ những cảm xúc với người khác, không tự tin với bản thân mình. Em Sỹ có thể có những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn trong tương lai.
"Có nghĩa là khi bị tiếp xúc với hành vi bạo lực như thế này thì trong tương lai các em cũng có thể xuất hiện hành vi bạo lực tương tự như vậy cho những người khác". - Nhà nghiên cứu tâm lý nhấn mạnh.
Bé trai bị bố xích cổ đã phá được xích, chạy đi lang thang. |
Bên cạnh đó Thạc sỹ Đào Lê Hòa An đánh giá: Nhiều người có suy nghĩ rằng mình sinh con ra nên có toàn quyền quyết định về số phận cuộc đời của con. Tuy nhiên phụ huynh không biết rằng những hành động sử dụng bạo lực như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và cả tinh thần của con. Đôi khi chỉ là vô tình nóng giận mà trút những hành vi bạo lực lên con thì sẽ để lại di chứng, những vết thương khó có thể phai mờ trong tâm trí của trẻ.
Theo ông An, đã đến lúc cần phải có những lớp học làm cha mẹ đích thực và đúng nghĩa chứ không thể nào giáo dục con theo bản năng của mình nữa. "Cần truyền thông rộng vấn đề này để có tác động sâu sắc trong xã hội. Với tâm lí độ tuổi nhất định thì có những cánh giáo dục con hợp lí”. - Thạc sỹ An nói.
Tiến sỹ Diêu Lan Phương- giảng viên trường ĐH KHXH & NV cũng cho rằng, đứa trẻ bị bạo hành không chỉ bị ảnh hưởng trầm trọng đến tâm sinh lý mà còn nguy hiểm cho sự hình thành nhân cách.
"Trẻ em bị bạo hành dễ có phản ứng tiêu cực và xu hướng bạo lực hơn những đứa trẻ khác; chúng dễ xem việc bạo hành là bình thường và hành xử theo suy nghĩ ấy.” - TS Phương kết luận.
Trước đó, ông Phạm Văn Hải (Trưởng công an xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) và một số người dân bắt gặp bé trai mặt lấm lem, quần áo xộc xệch, cổ đeo sợi dây xích bằng sắt có khoá to đi trên đường, bộ dạng hoảng sợ.
Công an đã cắt xích cho cháu. Khi được hỏi cháu chỉ nhớ tên là Sỹ, có bố tên là Đại. Hai ngày trước cháu bị bố xích tại nhà, sáng 14/8 phá được xích cháu chạy đi lang thang. Về phía người bố của em Sỹ, người này cho rằng do con trai quá ngỗ nghịch nên ông đã xích cổ cháu lại. Em bé bị bố xích cổ trói ở gốc cây.
Lời khuyên của một số chuyên gia về việc giáo dục những đứa trẻ có biểu hiện tâm lý khác thường: - Quan tâm và làm bạn đồng hành với trẻ, lắng nghe ý kiến của trẻ. - Khen thưởng, động viên trẻ khi trẻ có hành vi tốt. - Giới hạn cách cư xử của trẻ, định hướng cho con tuân theo khuôn khổ pháp luật và đạo đức. - Không sử dụng roi vọt để dạy trẻ bởi chỉ khiến cho trẻ trở nên lỳ lợm, ngang bướng và bất chấp hơn. - Làm gương cho trẻ là biện pháp tối ưu để cho trẻ noi theo. |
NINH LAN