(ĐSPL) – Ebola được Tổ chức Y tế thế giới coi là “một trong những bệnh dễ gây chết người nhất từng được biết đến”. Vì sao Ebola lại nguy hiểm đến thế, và bệnh có thể lây nhiễm vào Việt Nam qua những con đường nào?
Trao đổi với phóng viên báo Đời sống và Pháp luật, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa Cấp Cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, nguy cơ virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam chủ yếu đến từ con đường nhập cảnh, trên những người mang bệnh từ vùng dịch.
Vì sao Ebola nguy hiểm đến thế?
Virus Ebola là một trong những virus gây ra tỷ lệ tử vong cao nhất từng được phát hiện. Những người mắc bệnh này nguy cơ tử vong có thể tới 50 - 90\%. Virus Ebola chủ yếu gây bệnh cho con người và các loài linh trưởng (như khỉ, khỉ đột và tinh tinh).
Virus Ebola thường lây lan dễ dàng thông qua tiếp xúc trực tiếp với máu và các chất dịch cơ thể chứa virus. Nhân viên y tế và những người thân chăm sóc bệnh nhân là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm rất cao nếu không sử dụng các trang bị phòng hộ thích hợp. Sau 2-21 ngày bị nhiễm virus, bệnh nhân có thể khởi phát với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng và mệt mỏi. Những biểu hiện này không đặc hiệu và chỉ giống như nhiều bệnh virus khác.
Trong giai đoạn sớm của bệnh, các xét nghiệm thông thường chỉ cho thấy tình trạng giảm các tế bào bạch cầu, tiểu cầu trong máu, giai đoạn muộn hơn có thể có tình trạng tổn thương, suy giảm chức năng của nhiều cơ quan. Những kết quả xét nghiệm này cũng giống như ở nhiều bệnh khác, do vậy khó chẩn đoán xác định bệnh nhân Ebola bằng những xét nghiệm thông thường. Việc chẩn đoán khẳng định bệnh Ebola phải nhờ những xét nghiệm cao cấp hơn như xét nghiệm RT- PCR hoặc nuôi cấy phân lập virus. Những xét nghiệm này chỉ có thể thực hiện được ở những phòng xét nghiệm lớn và đảm bảo an toàn sinh học cao vì những bệnh phẩm chứa virus Ebola có thể là nguồn lây nhiễm nguy hiểm cho các nhân viên phòng xét nghiệm.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, dịch bệnh này rất nguy hiểm vì rất dễ lây lan, tỷ lệ tử vong cao, khó chẩn đoán sớm được bằng những xét nghiệm thông thường. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho virus Ebola. Bởi vậy, virus Ebola khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ phát triển theo quy luật tự nhiên, phá hủy hệ miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể người. Phác đồ điều trị hiện nay đối với bệnh này chủ yếu là điều trị hỗ trợ như đảm bảo bù nước và điện giải, điều trị hỗ trợ các phủ tạng bị tổn thương nặng và suy chức năng, đảm bảo dinh dưỡng và dùng kháng sinh chống các vi khuẩn bội nhiễm nếu có.
Nhân viên y tế đang chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm virus Ebola. |
Khuyến cáo phòng chống bệnh dịch ở Việt Nam
Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra, không để xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế đã có một công văn khẩn, đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và tại các cơ sở y tế.
Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola gây ra và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hoặc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm khẳng định.
Từ đầu năm đến nay, tại các nước Tây Phi đã có trên 1600 người mắc bệnh và trên 900 người tử vong vì virus Ebola. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho rằng đây là một bệnh dịch dễ lây truyền, có thời gian ủ bệnh khá dài, khởi phát với những triệu chứng dễ bị nhầm sang những bệnh khác nên các thầy thuốc và nhân dân phải hết sức cảnh giác. Với những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ và lâm sàng nghi ngờ phải thực hiện tốt việc giám sát, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để tránh bỏ sót những trường hợp bệnh có thể gây lây lan ra cộng đồng.
Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus Ebola nào ở Việt Nam. Con đường lây nhiễm chỉ có thể từ những người nhập cảnh đến, hoặc trở về từ các quốc gia có dịch bệnh. Tuy bệnh mới chỉ được phát hiện và khoanh vùng ở Tây Phi, nhưng nó chưa có dấu hiệu giảm và có nguy cơ lan truyền sang các nhiều quốc gia khác nên tất cả phải có một sự chuẩn bị chu đáo đối với việc phòng dịch, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo trong công văn của Bộ Y tế, thiết lập quy trình chẩn đoán, xử lý sớm đề phòng bệnh dịch xảy ra.