Người Afghanistan sau một năm Taliban nắm quyền: “Đôi khi chúng tôi được ăn tối, đôi khi thì không”
Đã một năm trôi qua kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul (Afghanistan), cuộc sống của người dân tại quốc gia này đang chìm trong hàng loạt các cuộc khủng hoảng, nghiêm trọng nhất là khủng hoảng lương thực.
Khủng hoảng lương thực trầm trọng
Cứ đến nửa đêm, Shakeela Rahmati lại bắt đầu hành trình tìm kiếm đồ ăn từ nhà riêng tại một khu dân cư nghèo khó ở ngọn đồi phía trên thủ đô Kabul (Afghanistan). Dọc đường đi, Rahmati cùng nhiều người phụ nữ khác lặng lẽ cùng nhau tham gia hành trình, dù mệt mỏi nhưng vẫn cố lết bước chân vì cơn đói gặm nhấm từng giây.
Điểm đến của họ là một tiệm bánh mì, nơi có rất nhiều phụ nữ tụ tập vào những buổi chiều muộn, kiên nhẫn chờ đợi để được nhận một ít thức ăn.
Chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình, Rahmati tâm sự: “Đôi khi chúng tôi được ăn tối, đôi khi thì không. Tình hình vốn đã tồi tệ từ 3 năm nay nhưng tệ nhất là trong 1 năm trở lại đây. Chồng tôi đã tìm đường đến Iran làm việc kiếm tiền nhưng anh ấy đã bị trục xuất”.
Tại Afghanistan, vấn đề thiếu lương thực không chỉ xảy ra với gia đình cô Rahmati mà là phần lớn cộng đồng. Trong đó, Liên hợp quốc nhận định, gần một nửa đất nước đang phải đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.
Theo một báo cáo hồi tháng 5 của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC), 43% dân số Afghanistan đang sống mà chỉ được ăn một bữa ăn mỗi ngày. Trong đó, 90% người Afghanistan được khảo sát cho biết nhu cầu chính của họ hiện nay là thực phẩm.
Liên hợp quốc đang tóm tắt tình hình tại Afghanistan 1 năm sau khi Taliban lên cai trị, nhận định đất nước này đang bị cô lập và ngày càng trở nên nghèo khó.
Khi Mỹ và đồng minh hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan, các quốc gia này đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Taliban, bao gồm đóng bang khối tài sản trị giá 9 tỷ USD của ngân hàng trung ương và tạm dừng viện trợ nước ngoài với Afghanistan, các gói viện trợ này trước đây chiếm tới 80% ngân sách hàng năm của Afghanistan.
Bên ngoài Bộ Ngoại giao Afghanistan có một bức tranh tường lớn, một trong số ít thông điệp trên đó được viết bằng tiếng Anh, được cho là thể hiện lập trường chính thức của Taliban: "Các Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan muốn có các mối quan hệ tích cực và hòa bình với thế giới".
Tuy nhiên, sau 1 năm cầm quyền, Taliban vẫn chưa được một quốc gia nào trên thế giới công nhận và nguồn tài trợ quốc tế thì vẫn bị đóng băng phần lớn.
Một trong những vấn đề chính ngăn cản các nước phương Tây công nhận Taliban là việc chính phủ mới gạt người dân tộc thiểu số và phụ nữ ra ngoài lề xã hội, bao gồm các lệnh cấm nhằm vào giáo dục trung học đối với trẻ em gái.
Những lời hứa lặp đi lặp lại từ Taliban về việc cho phép các trẻ em gái trở lại trường học vẫn chưa được thực hiện. Vào cuối tháng 6, thủ lĩnh tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada, đã lên tiếng trước áp lực quốc tế, nói rằng Afghanistan sẽ đưa ra các quy tắc của riêng mình với vấn đề này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Abdul Qahar Balkhi nói với CNN: "Thực tế của vấn đề vẫn là Mỹ đang cố gắng tìm ra những biện minh với việc trừng phạt người dân Afghanistan, bằng cách đóng băng tài sản và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với đất nước”.
Vấn đề viện trợ nhân đạo hiệu quả
Trong bối cảnh lo ngại về nạn đói trở nên trầm trọng hơn vào mùa đông năm ngoái, Mỹ - thông qua Ngân hàng Thế giới - đã phát hành gói viện trợ trị giá hơn 1 tỷ USD. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định: "Đó là một ví dụ về một lĩnh vực mà chúng tôi sẽ muốn tiếp tục đối thoại với Taliban. Chúng tôi sẽ nói chuyện với họ về việc tiếp cận viện trợ nhân đạo, về các biện pháp mà chúng tôi tin rằng có thể tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước”.
Nhưng ngày càng nhiều nhân viên cứu trợ và các nhà kinh tế nói rằng khoản viện trợ là chưa đủ và việc tiếp tục đóng băng các quỹ của Afghanistan đang gây ra một tác động tàn khốc đối với đất nước này.
Ông Vicki Aken, Giám đốc quốc gia của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế tại Afghanistan, cho biết: "Đây là một thông điệp mà không ai muốn nghe. Những chính sách này đang khiến phụ nữ gặp rủi ro ở Afghanistan. Chúng tôi đang chứng kiến cảnh phụ nữ chết dần vì đói”.
Theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ vẫn chưa thể cấp vốn lại cho ngân hàng trung ương Afghanistan. Dù đã có các cuộc thảo luận về vấn đề này, nhưng quan chức này cho biết Mỹ vẫn lo ngại sâu sắc về nguy cơ các tài sản bị chuyển hướng, sử dụng vào mục đích khủng bố.
Người này chia sẻ: "Chúng tôi không tin rằng thể chế đó có các biện pháp bảo vệ và giám sát để quản lý tài sản một cách có trách nhiệm và toàn diện. Không cần phải nói, việc Taliban che chở cho thủ lĩnh al Qaeda Ayman al-Zawahiri đẫ làm tăng thêm những lo ngại sâu sắc từ lâu của chúng tôi về việc tiền viện trợ sẽ được sử dụng vào mục đích khủng bố”.
Tuy nhiên, Taliban đã từ chối thừa nhận rằng al-Zawahiri, người đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ hồi đầu tháng 8, đã có mặt ở thủ đô Kabul. Và chính điều này đang làm phức tạp thêm bất kỳ nỗ lực bình thường hóa quan hệ của thế giới với nhóm Hồi giáo.
Tại các khu chợ ở Kabul, các quầy hàng bày bán đầy rẫy các sản phẩm và trái cây tươi. Tuy nhiên, vấn đề là không có nhiều người có khả năng chi trả cho các mặt hàng này. Một chủ cửa hàng tâm sự: “Giá bột mì đã tăng gấp đôi. Giá dầu ăn cũng đã tăng hơn gấp đôi”.
Trong khi đó, cách đó một đoạn, một cậu bé đang phải nhặt rác, thu gom rác thải nhựa để bán lại kiếm tiền.
Nhận xét về tình hình này, ông Anthony Cordesman, chủ tịch danh dự về chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ), cho biết: “Viện trợ nhân đạo chỉ là một biện pháp câu giờ. Các gói viện trợ sẽ không phát triển, không tăng thu nhập và không tạo việc làm cho người dân”.
Ông Cordesman cảnh báo, sự suy giảm kinh tế tổng thể của Afghanistan không bắt đầu từ việc Taliban trở lại nắm quyền và cũng không phải do sự phụ thuộc của đất nước vào viện trợ nước ngoài.
Ông chỉ ra: "Nếu chúng ta có thể tìm cách đàm phán về một quy trình viện trợ hiệu quả, nơi chúng ta biết tiền sẽ đến tay người dân, nơi các gói viện trợ sẽ được phân phối rộng rãi chứ không chỉ hỗ trợ chính phủ Taliban, thì đây là những sáng kiến đàm phán mà chúng ta nên theo đuổi”.
Tuy nhiên, khi đêm ở Kabul bắt đầu lạnh hơn và ngày ngắn lại, những người làm công tác nhân đạo tại Afghanistan vẫn đang chia sẻ một nỗi lo chung, rằng mùa đông năm nay có thể sẽ tồi tệ hơn năm trước.
DOISONGPHAPLUAT.COM |