+Aa-
    Zalo

    [E] Đàn con đặc biệt của những người cha, mẹ cặm cụi “vá lành” trái tim vắng tình thương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nhà nghèo, thiếu vắng cả cha lẫn mẹ, nhiều học sinh tại các xã miền núi thuộc huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng phải chật vật mới có thể duy trì được việc đến trường đều đặn. Đồng cảm và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những người thầy, người cô tại trường THPT Lê Ích Mộc đã tự nguyện gánh vác thêm trách nhiệm của “người cha, người mẹ” để giúp cho cuộc sống của các em bớt phần gian khó.

    Đỗ Chang

    Nhà nghèo, thiếu vắng cả cha lẫn mẹ, nhiều học sinh tại các xã miền núi thuộc huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng phải chật vật mới có thể duy trì được việc đến trường đều đặn. Đồng cảm và sẻ chia với những hoàn cảnh khó khăn, những người thầy, người cô tại trường THPT Lê Ích Mộc đã tự nguyện gánh vác thêm trách nhiệm của “người cha, người mẹ” để giúp cho cuộc sống của các em bớt phần gian khó.

    Cái nghèo ngăn bước tới trường

    Năm học 2021-2022, cô Nguyễn Thị Gương – giáo viên dạy bộ môn Lịch sử tại trường THPT Lê Ích Mộc được phân công nhiệm vụ làm giáo viên chủ nhiệm lớp 10B3. Nhìn những cô cậu học trò còn bỡ ngỡ trong ngày đầu bước chân vào mái trường THPT mang lại cho cô Gương nhiều xúc cảm đặc biệt.

    Cô Nguyễn Thị Gương cùng em Bùi Thị Thanh Tâm.

    Trong số đó, cô không khỏi chú ý đến cô học trò nhỏ Bùi Thị Thanh Tâm (trú tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng). Với dáng người nhỏ bé cùng đôi mắt đượm buồn, Tâm e dè, né tránh trong buổi giao lưu đầu năm với các bạn học mới.

    Nhớ lại thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát, học sinh các cấp trên địa bàn thành phố Hải Phòng phải chuyển từ phương pháp học tập trực tiếp sang học trực tuyến. Thời gian đó, nhiều thầy cô dạy các bộ môn đều “phàn nàn”về việc trong quá trình học, phía em Bùi Thị Thanh Tâm thường xuyên bị đứt đoạn, ngắt quãng không thể tiếp thu kiến thức đầy đủ, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập.

    “Linh cảm của một người giáo viên, tôi tin cô học trò nhỏ này còn có nhiều điều khó nói. Sau đó, tôi gặp riêng để tâm sự với Tâm giúp cô trò hiểu và gần gũi nhau hơn. Rồi Tâm bật khóc, có lẽ bao sự tủi thân, mệt mỏi bao lâu, em được bộc bạch, được sẻ chia khiến em nghẹn lòng. Tâm cho biết, ngày đầu khi học online, em rất sợ bởi không có trang thiết bị học tập. Ngoài việc nhường các em học trước, mỗi lần học em phải mang máy ra phía sau núi để được dùng “ké mạng” của người dân xung quanh dẫn đến việc học thường xuyên bị đứt đoạn ngắt quãng”, cô Gương chia sẻ.

    Qua những buổi tâm sự, cô Gương càng thấy rõ, cái nghèo, cái khó là rào cản lớn nhất đến quá trình học tập của các em học sinh. Tìm hiểu kĩ hơn, cô càng thương xót hơn hoàn cảnh của cô học trò nghèo. Bố Tâm đã bỏ đi gần 10 năm nay, chưa 1 lần thăm hỏi các con. Mẹ Tâm sau đó cũng đi lấy chồng xa. Ba chị em Tâm nương tựa vào ông bà nội nay đã gần 80 tuổi, không có lương hưu và ốm đau liên miên. Gánh nặng gia đình đổ lên vai cô học trò nhỏ, dưới Tâm còn hai em nhỏ hiện đang học lớp 8 và lớp 3.Có lẽ, vì hoàn cảnh mà em ít nói, thường thu mình hơn so với các bạn đồng trang lứa.

    Cũng tương tự như cô Gương, thầy Vũ Mạnh Hùng – giáo viên dạy Toán tại trường THPT Lê Ích Mộc không khỏi xót xa trước hoàn cảnh của em Đặng Thị Thu Hà (trú tại xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) – học sinh lớp 11B4 do thầy làm chủ nhiệm. Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang ở cùng bà nội tuổi cao sức yếu. Ngày bước chân vào trường, Hà không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến bạn bè đồng trang lứa được bố mẹ quan tâm, đưa đón trong buổi khai giảng. Có được đi học nữa hay không, Thu Hà cũng chẳng dám nghĩ tới bởi hoàn cảnh gia đình chẳng thể giúp em đứng vững trên con đường tìm cái chữ.

    Âm thầm “vá lành” những vết thương

    Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường cùng các thầy cô giáo trường THPT Lê Ích Mộc đã cùng nhau gây dựng nhiều mô hình giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt nghịch cảnh đến lớp. Những câu chuyện “đỡ đầu” học sinh khó khăn nhanh chóng lan tỏa thành truyền thống chung của giáo viên tại ngôi trường mang tên vị Trạng nguyên Lê Ích Mộc. Và cũng từ đó, cuộc sống của học sinh còn nghèo khó như Thanh Tâm và Thu Hà đã bớt phần gian khó hơn khi các em trở thành những “đứa con đặc biệt” của ngôi trường giàu lòng nhân ái.

    Để sẻ chia cùng các em, Công đoàn trường THPT Lê Ích Mộc phối hợp cùng Công an huyện Thủy Nguyên đã nhận em Bùi Thị Thanh Tâm làm “Con nuôi Công đoàn” hỗ trợ 6000.000 đồng/1 năm. Với em Bùi Thị Thu Hà cũng được tổ chức 5K và Hội liên hiệp phụ nữ và nhà trường “nuôi dưỡng” trong suốt 3 năm học THPT và Đại học bằng việc hỗ trợ tiền hàng tháng, miễn phí các khoản đóng góp, chi phí học thêm…

    Ngoài việc miễn phí 100% các khoản đóng góp của nhà trường, toàn bộ quỹ lớp và chi phí học thêm… Ban giám hiệu cùng tập thể giáo viên, phụ huynh còn quyên góp, tặng quà để mang đến cho các em những cái Tết ấm cúng khi thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Cùng với đó, mỗi tháng, Thầy Quách Tân Bình - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Ích Mộc và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Gương cũng giúp đỡ em Thanh Tâm 20kg gạo giúp em bớt phần gian khó hơn trong cuộc sống.

    Trò chuyện với PV ĐS&PL, thầy Nguyễn Văn Tịnh – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Ích Mộc cho hay, học sinh trong các xã miền núi, nhiều em còn khó khăn, vất vả. Thấu hiểu hoàn cảnh của các em mà thầy cô trong trường càng gần gũi, yêu thương các em hơn.

    “Đối với việc chăm sóc học sinh, trường quan tâm nhiều ở đối tượng học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Với phương châm “Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”, đầu năm học, lãnh đạo nhà trường chỉ đạo cho giáo viên phụ trách lập danh sách học sinh khó khăn từ các lớp, phân loại mức độ khó khăn, từ đó phân công người phụ trách theo dõi chung, điều tiết sự hỗ trợ, không để bỏ sót em nào. Mục tiêu của nhà trường là hướng tới xây dựng mô hình “trường học hạnh phúc” và ở nơi đó, các em được yêu thương, được tôn trọng và bình đẳng”, thầy Bình thông tin.

    Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, các thầy cô giáo nơi đây còn tạo những buổi trò chuyện, tâm sự gần gũi để các em có “điểm tựa” tinh thần, vươn lên vượt nghịch cảnh. Và cũng nhờ tình yêu thuơng của các thầy cô đã giúp những học sinh nghèo không còn cảm thấy tự ti, mặc cảm của gia đình mình để các em luôm nỗ lực học tập chăm chỉ. Trong năm học vừa qua cả Thanh Tâm và Thu Hà đều đạt học sinh giỏi và là những cán bộ lớp xuất sắc, được thầy cô và bạn bè tin tưởng, yêu quý.

    “Đã có rất nhiều học sinh nhờ sự giúp đỡ của nhà trường, thầy cô và các nhà hảo tâm mà giờ đây đã thành tài, đóng góp rất nhiều cho xã hội. Chúng tôi thường nói với nhau rằng đó là sứ mệnh của những chuyến đò mang tên “hạnh phúc”. Yêu thương trao đi sẽ được nhận lại yêu thương, những thầy cô tận tụy với nghề, hết lòng với học sinh đã nhận lại được món quà lớn nhất trong nghề đó chính là sự kính yêu của con trẻ, là sự trưởng thành của các thế hệ học sinh mình đã vun trồng, che chở”, thầy Nguyễn Văn Tịnh chia sẻ.

    Giây phút chia tay các thầy cô tại Trường THPT Lê Ích Mộc, PV mới thấm thía câu nói: “ Chân thành sẽ chạm tới trái tim và hạnh phúc sẽ bắt nguồn bằng sự tử tế”. Chắc chắn rằng, những chuyến đò mang tên “hạnh phúc” sẽ mãi nối tiếp bởi những con người tràn đầy tâm huyết và lòng nhân ái.

    DOISONGPHAPLUAT.COM |

    <% include googleAnalystic %>
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/e-dan-con-dac-biet-cua-nhung-nguoi-cha-me-cam-cui-va-lanh-trai-tim-vang-tinh-thuong-a557674.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan