(ĐSPL) – Ban đầu, đường Trường Chinh được triển khai thẳng nhưng thành cong sau khi có đề nghị của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân mở đường về phía nam, chi phí đền bù ít hơn, và ít bị ảnh hưởng lợi ích của người có công.
Đường Trường Chinh bị bẻ cong như ghi đông xe đạp. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết như vậy trên trong buổi tiếp xúc cử tri của đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội tại quận Đống Đa ngày 1/10.
Theo bản tin trên báo Pháp luật Việt Nam, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, về nguyên lý, đúng là xây dựng tuyến đường làm sao phải đẹp nhất, ngắn nhất, thuận lợi nhất và có lợi nhất.
Do vậy, theo ông Nghị, giai đoạn đầu tuyến đường Trường Chinh cũng được triển khai thẳng. Nhưng sau có đề nghị của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân mở đường về phía nam, chi phí đền bù ít hơn, và cũng ít bị ảnh hưởng lợi ích của những người có công.
Sau đó thành phố Hà Nội còn yêu cầu Bộ Quốc phòng có công văn nêu rõ quan điểm. Rồi Bộ Quốc phòng gửi công văn đồng ý với phương án của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân. Sau đó Hà Nội quyết định điều chỉnh từ thẳng thành cong.
Phương án này, theo Bí thư Hà Nội là không đẹp bằng phương án cũ, và lại liên quan đến lợi ích người dân hai bên đường. “Tôi rất chia sẻ điều này với người dân. Đáng lẽ người này phải đi thì khi điều chỉnh lại được ở lại. Đáng lẽ người này ra ở mặt đường thì lại không được sau điều chỉnh, dẫn đến nghi ngờ không biết có móc nối khuất tất gì không?”.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trần Việt Trung, dự án này được thực hiện đầy đủ quy trình. Việc thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng đều có sự tham gia của đại diện các hộ dân là tổ trưởng dân phố. Khi triển khai dự án cũng có đầy đủ hồ sơ, quy định pháp lý.
Về việc tổ chức cho dân xem khu tái định cư, bốc thăm căn hộ trước, theo ông Trung điều này làm đúng quy định của luật đất đai 2013 nhằm để dân biết căn hộ đó bao nhiêu tiền, và từ số tiền đền bù đất người dân sẽ tính được còn dư bao nhiêu sau khi mua nhà tái định cư.
Trước đó, ông Nguyễn Đức Hưng, Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, là chủ đầu tư dự án cho rằng, với việc bẻ cong mở rộng về phía nam vào đất quốc phòng chỉ phải bồi thường tài sản trên đất bằng 20\% chi phí mở rộng phía bắc, tức chỉ mất khoảng 26 tỉ đồng thay vì 130 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh, nguyên cán bộ Bộ Xây dựng, cũng là một người dân trong diện thu hồi đất thuộc dự án ở P.Khương Thượng, Q.Đống Đa, cho biết đây là cách trả lời thiếu trách nhiệm và “ngụy biện”.
Cụ thể, các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Hà Nội trước đây đã thể hiện đường Trường Chinh là thẳng. Cụ thể hơn nữa là các nút giao thông quan trọng như ngã tư Sở, ngã tư Vọng đã thi công trước đó và đều mở rộng ra phía nam, việc Hà Nội cần làm là nối một đường thẳng vào các nút nhưng lại bẻ dích dắc thành hình “ghi đông xe đạp” và có điểm giao đâm thẳng vào… trụ cầu vượt ngã tư Vọng.
“Việc bẻ đường này tạo ra nhiều hệ lụy, toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng mấy chục năm nay bị phá vỡ, thứ hai tăng đầu tư và đền bù. Quan chức Hà Nội nói như vậy là ngụy biện, không phải rẻ hơn mà đắt hơn rất nhiều”, ông Minh nói và cho biết trước đây, đường Trường Chinh đã xây dựng các công trình ngầm gồm 3 tuyến cấp nước thành phố, 2 tuyến điện hạ thế và trung thế, cáp quang thông tin liên lạc, thoát nước… phải phá dỡ. Chi phí cho việc tháo dỡ, lắp mới phải hết hàng trăm tỉ đồng.
“Chúng tôi thừa nhận lấy đất của quốc phòng thì chi phí thấp hơn của dân nhưng ở đây họ chỉ lấy ở một đoạn đường vài trăm mét mà thôi để tránh vài nhà, sau đó tiếp tục lấy đất vào phía bắc, tức ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân từ đó mới tạo ra đường cong. Cần phải rõ ràng không được lập lờ như thế”, ông Minh bức xúc.