+Aa-
    Zalo

    Đường “né” nhà lãnh đạo, cầu dẫn vào nhà sếp: Có hay không thẳng thành cong?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Dư luận đang xôn xao trước thông tin cây cầu treo dân sinh có tổng mức đầu tư 3,5 tỉ đồng tại Hà Tĩnh được xây dựng chỉ để phục vụ... 2 hộ dân.

    (ĐSPL)- Dư luận đang xôn xao trước thông tin cây cầu treo dân sinh có tổng mức đầu tư 3,5 tỉ đồng tại Hà Tĩnh được xây dựng chỉ để phục vụ... 2 hộ dân. Điều tréo ngoe, theo phản ánh, cây cầu lại xây dựng ở vị trí không cần thiết và chạy thẳng vào nhà... chủ tịch xã(!?). Sự việc một lần nữa thổi bùng bức xúc, bởi trước đó, dư luận cũng phản ánh không ít vụ nắn đường chạy thẳng vào nhà lãnh đạo ở Hà Nội, Vĩnh Phúc; làm cầu vào nhà lãnh đạo ở Đà Nẵng...

    Từ cầu dân sinh thành...“cầu quan”?

    Đầu tháng 1/2015, bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phát động chương trình Nhịp cầu yêu thương, nhằm kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài ngành ủng hộ vốn xây dựng cầu treo, cầu dân sinh tại vùng sâu, vùng xa của 50 tỉnh thành trên cả nước. Ước tính số lượng lên đến 4.145 cầu với kinh phí khoảng hơn 8.300 tỉ đồng. Đây là chủ trương mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước, nhận được sự đồng thuận của doanh nghiệp, doanh nhân, người dân.

    Bộ GTVT là đơn vị cung cấp bản vẽ thiết kế chung. Sau khi khảo sát địa bàn, tỉnh Hà Tĩnh được bộ GTVT phê duyệt 4 chiếc cầu. Hai cây cầu ở huyện Vũ Quang là cầu Khe Tây (xã Sơn Thọ) và cầu chợ Quánh (xã Hương Thọ); ở Hương Khê là cầu Hương Giang và cầu Hương Lâm. Chẳng hiểu quá trình khảo sát, lấy ý kiến địa phương thế nào mà chủ đầu tư đã đặt một chiếc cầu ở vị trí không cần thiết và chạy thẳng vào nhà ông... chủ tịch xã. Một số người dân sống tại khu vực này nói rằng, đây là cây “cầu quan”, nghĩa là dành riêng cho “quan xã”!? Đứng từ bên này cầu nhìn sang chỉ thấy có 2 hộ dân sinh sống, trong khi cây cầu được đầu tư xây dựng tới 3,5 tỉ đồng. Oái oăm hơn, chiếc cầu treo dân sinh trên được xây dựng ngay gần chiếc cầu liên thôn kiên cố.

    Cầu treo Khe Tây... đường vào nhà 2 hộ dân (trong đó có nhà chủ tịch xã).

    Trước những phản ánh của dư luận, ngày 7/8, trong báo cáo của đoàn kiểm tra do Tổng cục Đường bộ phát đi, gửi bộ GTVT khẳng định: “Có 26 hộ dân được hưởng lợi trực tiếp và sau này là 42 hộ. Lưu lượng người qua lại theo biên bản làm việc ngày 1/1/2014 giữa đơn vị tư vấn thiết kế (Cty CP TVTK GTVT4) với đại diện chính quyền địa phương  - huyện Vũ Quang và xã Sơn Thọ -  là 500 lượt/ngày đêm”. Tuy nhiên, một cán bộ (xin được giấu tên) thuộc ban quản lý dự án Nhịp cầu yêu thương của sở GTVT Hà Tĩnh công nhận, không có đoàn kiểm tra nào vào tận nhà người dân để nắm thông tin, thay vào đó, chỉ dựa vào văn bản giải trình của xã Sơn Thọ và huyện Vũ Quang rồi báo cáo và khẳng định như vậy thôi!?

    ...Đến những “cung đường mềm mại” vào nhà lãnh đạo

    Cầu “vào nhà quan” mới xảy ra nhưng trên thực tế, “nắn” đường thẳng thành cong để nhà lãnh đạo ra mặt đường đã diễn ra ở Hà Nội từ cách đây hàng chục năm. Hẳn người dân vẫn không thể quên được vụ việc khá hi hữu khi một ông nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Nguyễn Văn Th. có đơn gửi các cơ quan liên quan ở tỉnh này đề nghị  “để nhà ông ra mặt phố”. Theo đó, xứ Thanh có dự án xây dựng đường Dương Đình Nghệ kéo dài (đoạn từ nút giao với đường Lý Nhân Tông đến nút giao với QL1A cũ - đường Bà Triệu thuộc địa phận phường Đông Thọ, TP.Thanh Hoá) đang thi công theo phương án đã được phê duyệt  bỗng nhiên phải dừng lại để các cấp ở tỉnh Thanh Hoá và TP.Thanh Hoá xem xét nghiên cứu đơn của ông Th. đưa lên.

    Sau khi nghiên cứu bàn bạc, tỉnh Thanh Hoá đã “đồng ý” với đề nghị “vô lý” của ông này. Người dân nơi đây vẫn còn đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh sự việc bất thường này. Nhiều người cho rằng, vì có mối quan hệ, vì lợi ích mà người ta có thể nắn cong đường dự án một cách đơn giản như vậy... Dư luận từng phanh phui không ít sự việc tương tự, từ việc “quan” xã thiết kế đường rẽ vào nhà riêng của mình đến làm đường “né” nhà chủ tịch tỉnh... Thực tế cũng ghi nhận không ít vị phải đứng trong vành móng ngựa chỉ vì dám “nắn đường” vào nhà riêng.

    Theo bản đồ trực tuyến, đường Trường Chinh thẳng, tuy nhiên bản đồ chi tiết quy hoạch đường Trường Chinh từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng có hai đoạn bị uốn cong.(Ảnh:VNE).

    Ngày 7/6/2015, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Đắk Nông đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện K’Rông Nô, tỉnh Đắk Nông. Ông Minh bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

    Theo điều tra, năm 2013 UBND xã Tân Thành được Nhà nước hỗ trợ xây dựng một số công trình tuyến đường giao thông nông thôn. Trong quá trình triển khai dự án, ông Minh đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông đồng với cấp dưới lập hồ sơ khống, giả mạo chữ ký nhằm xây dựng đường không đúng thiết kế, gây thất thoát của Nhà nước số tiền gần 1 tỉ đồng. Cụ thể, tại đoạn đường đi qua thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành có tổng chiều dài 1,3km với kinh phí hơn 1 tỉ đồng (trong đó Nhà nước hỗ trợ 900 triệu đồng, nhân dân đóng góp gần 300 triệu đồng), ông Minh tự ý “thiết kế” một đoạn đường rẽ “hoành tráng” từ ngoài ngõ dẫn vào nhà riêng của mình với chiều dài 280m.

    Cũng liên quan đến câu chuyện những con đường vào nhà “quan”, người dân tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhắc tới trường hợp lấn chiếm của gia đình ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch tỉnh này. Theo đó, vào cuối năm 2014, trong quá trình thực hiện dự án cải tạo hồ Dộc Mở, đoạn từ Cầu Oai đến nhà ông Hà Hòa Bình, phường Tích Sơn, TP.Vĩnh Yên, đã có một phần diện tích đất theo quy hoạch chi tiết là phần đất dư thừa, méo mó nằm ngoài chỉ giới thực hiện dự án. Một số hộ dân đã sử dụng phần đất tiếp giáp với phần đất trên có biểu hiện cơi nới, lấn chiếm đất để xây dựng trái phép. Kết quả cho thấy 5 hộ gia đình đã chuyển dịch mốc giới làm tường rào ra khu vực đất đã thu hồi để thực hiện dự án. Cụ thể: Hộ gia đình ông Phùng Quốc Huy lấn 27,6m2; hộ ông Nguyễn Trường Tiến lấn 53,6m2; gia đình ông Hà Hòa Bình lấn chiếm tới 608,3m2. Những diện tích đất lấn chiếm này được các hộ gia đình sử dụng vào mục đích làm đường đi, xây tường rào.

    Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2014, báo chí cũng phản ánh về hiện tượng, một đoạn của con đường đẹp nhất phường Đằng Hải, quận Hải An, TP.Hải Phòng có thiết kế thẳng, nhưng khi thi công, nó thành cong hình chữ Z để tránh khu đất “vàng” - nơi đang mọc lên nhiều biệt thự của “quan” để khu biệt thự được vuông vức. Thế nhưng, đoạn đường lại bị bẻ gập với những khúc cua tay áo. Điều khiến người dân bức xúc là theo một số thông tin, phần đất nằm ngay sát con đường là của một cán bộ quận Hải An. Vụ việc khiến người dân bức xúc gửi đơn khiếu kiện. 

    Tháng 7/2010, một sự việc tương tự cũng được báo chí phản ánh, xảy ra tại địa bàn tỉnh Vĩnh Long. UBND tỉnh Vĩnh Long mở đường Bạch Đàn tại TP.Vĩnh Long, điều chỉnh quy hoạch để con đường từ thẳng thành cong chữ chi. Lúc quy hoạch đường thẳng, ông Phạm Văn Đ. mới là lãnh đạo doanh nghiệp, khi đường uốn lượn chữ chi là lúc ông Đ. đã làm Chủ tịch UBND tỉnh. Do việc “nắn” đường để né phạm vào nhà ông Đ., đã dẫn đến việc lấn sang nhà đất cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Kim Khoa. Bà Khoa kiện, yêu cầu làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch trên.

    Nhiều người dân Thủ đô vẫn còn nhắc tới câu chuyện “đường cong mềm mại” trên tuyến đường Trường Chinh (quận Đống Đa, Hà Nội). Dự án được triển khai, nhiều người dân sống trên tuyến đường này tá hoả khi phát hiện một đoạn trên tuyến đường này có đoạn cong “bất thường”. Theo phản ánh, phía đầu đường Tôn Thất Tùng đến ngõ 150 lại chỉ có lấy vào 3-5m mà từ ngõ 150 trở đi lại mở rộng vào đến 15-20m. Phải chăng, do phía đó là nhà các quan chức nên họ không dám đụng đến? Sau khi dư luận người dân Thủ đô và cả nước lên tiếng, UBND TP.Hà Nội đã có phản hồi rằng không có chuyện “bẻ cong đường né nhà lãnh đạo”, bởi quan điểm của thành phố là làm nghiêm túc, không có khái niệm “nhà lãnh đạo” hay “nhà quan chức”, nhà lãnh đạo thì cũng không khác gì nhà người dân bình thường.

    Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin

    “Cầu treo phục vụ 2 hộ”

    Trước khi thực hiện chuyên đề này, báo ĐS&PL đã có bài phản ánh cầu treo phục vụ 2 hộ dân. Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu bộ GTVT khẩn trương kiểm tra, rà soát lại dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/8 tới.

    Sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, ngày 11/8, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực tiếp đi kiểm tra và báo cáo Bộ trưởng. Người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu Tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức đoàn kiểm tra, mời cả lãnh đạo tỉnh, sở GTVT Hà Tĩnh, lãnh đạo huyện cùng các cơ quan báo chí trực tiếp vào hiện trường kiểm tra. Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu đoàn kiểm tra phải mời các hộ dân xác nhận xem vị trí cây cầu đó có phù hợp không, có phục vụ cho việc đi lại của họ không.

    Mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Đinh La Thăng. Thế nhưng, những vấn đề Bộ trưởng yêu cầu phải làm rõ thì báo cáo chưa thoả mãn được. Nhất là việc xây dựng cầu Khe Tây đã cần thiết chưa, bởi cách đó 150m đã có cầu dân sinh rồi và người dân vẫn đi lại trên cây cầu này.


     QUANG SƠN - NGUYỄN BẮC - VPMT 

    Xem thêm video:

    [mecloud] cHGh2pENE1[/mecloud]

     

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-ne-nha-lanh-dao-cau-dan-vao-nha-sep-co-hay-khong-thang-thanh-cong-a107090.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.