Đường dây nóng liên lạc được tạo ra giữa quân đội Mỹ và Nga chỉ sử dụng một lần kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow diễn ra tại Ukraine, một quan chức Mỹ tiết lộ với Reuters.
Theo đó, cuộc gọi duy nhất qua đường dây quân sự này do Mỹ khởi xướng để “truyền đạt mối quan ngại về các hoạt động quân sự của Nga gần cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine”. Thông tin chi tiết về cuộc gọi không được tiết lộ.
Đường dây liên lạc quân sự này đã không được sử dụng kể từ khi một tên lửa rơi xuống Ba Lan vào ngày 15/11, khiến 2 người thiệt mạng. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, vụ việc có thể do một tên lửa phòng không của Ukraine gây ra nhưng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng vì quốc gia này đã bắt đầu cuộc chiến vào cuối tháng 2.
Hãng tin Reuters đưa ra suy đoán, cuộc gọi duy nhất được thực hiện qua đường dây quân sự Mỹ - Nga có thể liên quan đến các hoạt động của lực lượng Moscow xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye hoặc mối lo ngại rằng các lực lượng của Moscow có thể làm nổ tung đập Nova Kakhovka ở miền Nam Ukraine.
Đường dây "giảm leo thang" này chỉ là một trong nhiều kênh liên lạc của quân đội Mỹ và Nga.
Các kênh đối thoại khác bao gồm các cuộc đàm phán cấp cao hiếm hoi giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Tướng Nga Valery Gerasimov cũng đã hai lần đối thoại kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Burns cũng đã có các cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga.
Khi được công bố vào tháng 3, Lầu Năm Góc cho biết đường dây "giảm leo thang" được tạo ra để tránh các cuộc đụng độ trong không phận NATO hoặc trên mặt đất.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết: “Đây không phải là một đường dây khiếu nại đa năng, chỉ là nơi chúng tôi nhấc điện thoại và bày tỏ lo ngại về những gì Nga đang làm ở Ukraine”.
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô từng duy trì đường dây nóng như vậy ở các cấp độ khác nhau.
Bích Thảo(Theo Reuters)