(ĐSPL) – Mai Văn Phúc khẳng định đã từng bị cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng yêu cầu mua ụ nổi 83M theo đúng tiến độ, nếu không, sẽ báo cáo Thủ tướng để kỷ luật, cách chức.
Mở đầu phiên xét xử sáng nay (28/4), Trần Hữu Chiều là bị cáo trình bày đầu tiên.
Trả lời về việc phân biệt ụ nổi và tàu, bị cáo Chiều cho biết, do ban đầu nhận thức ụ nổi không phải là tàu nhưng quy phạm về ụ nổi cũng nằm trong quy phạm về tàu.
|
Trần Hữu Chiều trả lời câu hỏi của HĐXX.
|
Trước khi sang Nga khảo sát ụ nổi 83M, Chiều không gặp Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc nhưng có nghe Trần Hải Sơn nói là “mọi vấn đề đã báo cáo Dũng, Phúc. Mọi vấn đề anh cứ để em làm”.
Sau khi đi Nga về, Chiều đã cùng Sơn đến báo cáo kết quả với Phúc. Sơn có nói là phía Nga chào giá dưới 5 triệu USD, nhưng không thấy Phúc chỉ đạo gì, chỉ nói “thôi xem xét mua thế nào được để phục vụ dự án sớm”. Sơn đồng ý với lời khai này của Chiều.
Bị cáo Chiều kể lại: Việc thấy một chiếc ca nô trên ụ nổi trong buổi đến nhà máy Nakhodka khảo sát, Chiều có khai là việc này chỉ là một chiêu sắp đặt của chủ ụ để thể hiện ụ nổi 83M vẫn vận hành được chứ không phải thực chất đang có hoạt động sửa chữa diễn ra tại đây.
Chiều khai rõ, giá ụ ký hợp đồng mua là 9 triệu USD. Trước đó, Chiều biết giá chào hàng là dưới 5 triệu USD – đây là giá của công ty AP mua ụ của Nakhodka. Còn 9 triệu USD là giá Vinlines mua lại của AP.
Chiều khẳng định: “Sai sót của bị cáo là khi rà soát hợp đồng, bị cáo không bỏ hết những loại giấy tờ thừa đi – đó là những giấy tờ phát sinh sau khi đổi phương thức vận chuyển từ lai dắt sang chở bằng tàu nâng nặng. Khi đó, những giấy chứng nhận để đi biển một lần… không cần thiết, không có giá trị gì lúc làm thủ tục nhập khẩu ụ vào Việt Nam”.
Chiều thừa nhận, từ phiên sơ thẩm đến giờ vẫn ý thức được hành vi cố ý làm trái của mình, chỉ xin HĐXX đặt trong hoàn cảnh cụ thể của thời điểm đó để xem xét, đánh giá mức độ trách nhiệm của bị cáo.
Về việc nhận 340 triệu đồng từ Sơn, Chiều khẳng định do Sơn nói là “bồi dưỡng” thì bị cáo cũng nghĩ đến nguồn tiền chắc từ ụ nổi hoặc việc sửa ụ nổi nên hỏi lại thì Sơn nói “Bác yên tâm, thấy bác hoàn cảnh mà gia đình em có công ty, có điều kiện chút thì em biếu bác thôi”.
|
Dương Chí Dũng từng dọa báo cáo Thủ tướng cách chức Mai Văn Phúc?
|
Chiều nghĩ rằng, nhận tiền không phải là lợi dụng việc đã làm để làm gì mà chỉ vì khi đó muốn làm lại nhà cho rộng rãi hơn để đón bố mẹ ở Hải Phòng lên ở vì lâu nay bố mẹ bị cáo sống trong căn nhà tồi tàn, xập xệ quá mà nhà bị cáo ở Hà Nội cũng quá nhỏ, không đưa bố mẹ lên được.
Bị cáo Chiều cam đoan: “Động cơ tham ô, trục lợi của bị cáo thì hoàn toàn không có”.
Tòa trích đọc bút lục Chiều khai “bộ hồ sơ chứng từ thanh toán ụ nổi đáng ra là Loan – kế toán trưởng Vinlines - phải ký nhưng Loan không ký nên Chiều phải ký thay”. Lời khai này, tòa cho rằng khớp với lời khai của Loan trước đó là Loan phát hiện hồ sơ còn thiếu nhiều chứng từ, đã lên gặp Phúc báo cáo, đề nghị yêu cầu đối tác chuyển đầy đủ nhưng Phúc nói hồ sơ anh Chiều đã cầm đầy đủ, cứ ký nháy vào nhưng Loan không chịu.
Một lời khai khác của Chiều cũng được tòa công bố là “Giữa tôi với Sơn không có quan hệ cá nhân gì để Sơn phải đưa tiền như vậy”. Chiều thừa nhận việc này đã khai tại cơ quan điều tra nhưng trình bày, muốn thanh minh thêm về hoàn cảnh lúc đó để tòa hiểu.
Mai Văn Phúc phủ nhận lời khai của Chiều, khẳng định bản thân không chỉ đạo gì với Sơn, Chiều hay bất cứ ai trong đoàn khảo sát. Quyết định cho đoàn đi khảo sát cũng không phân vai trò của từng người, ai là trưởng đoàn, do Chiều là Phó Tổng Giám đốc nên đảm nhiệm việc làm trưởng đoàn luôn.
Tuy nhiên, Phúc có xác nhận việc sau khi đi khảo sát về, Sơn, Chiều, Khang có đến phòng làm việc của Phúc báo cáo kết quả nhưng không có việc Chiều thông báo là giá chào bán của Nakhodka với ụ nổi 83M là dưới 5 triệu USD.
Khi chủ tọa hỏi: “Vậy căn cứ nào mà bị cáo suy luận phải có sự thỏa thuận mới có 1,666 triệu USD?” Phúc đáp: “Thì bị cáo nghĩ chắc chắn như thế vì không thể tự nhiên người ta đưa tiền cho mình. Mà bị cáo không chỉ đạo gì việc này thì chắc phải là anh Dũng”.
Ban đầu, Phúc không nghĩ Sơn là người đứng ra thỏa thuận được vì phải là người có quyền quyết định mới làm được việc đó nhưng giờ này bị cáo lại nghĩ khác vì “Sơn ngày càng khủng khiếp quá”.
Nhiều lần nhắc lại nhận xét “Sơn khủng khiếp quá”, cựu Tổng Giám đốc ngầm ý chỉ Trần Hải Sơn dựng chuyện “đổ vấy” cho lãnh đạo Vinlines sau khi "ăn mảnh" khoản tiền 1,666 triệu USD lại quả của ụ nổi 83M.
Đề cập lại quan hệ không tốt đẹp của mình với Dương Chí Dũng, Phúc vẫn khẳng định, không có việc Phúc biết sai nhưng vẫn làm vì sợ bị Dũng làm khó, cách chức vì Dũng không có thẩm quyền cách chức Phúc. Chỉ trong một hội nghị lãnh đạo TCTy, Dũng có nói: “Nếu anh không tổ chức được việc mua ụ nổi 83M theo đúng tiến độ thì tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để kỷ luật, cách chức anh”.
Tuy nhiên, Dương Chí Dũng không thừa nhận việc phát ngôn như này.
Tòa yêu cầu Dương Chí Dũng đứng dậy. Dũng khai quan hệ với ông Goh khoảng từ năm 2000.
Bị cáo Dũng cho biết thêm:“Lúc đó bị cáo là GĐ một công ty tàu thủy ở Hải Phòng. Công ty của bị cáo có mua một tàu cũ của Singapore. Sau đó quan hệ phát triển khi có con cái học hành ở đó, có nhờ ông Goh chăm nom, giám sát con giúp”.
Việc mua ụ nổi 83M, Dũng biết việc quyết định mua ụ nổi có trước khi dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được phê duyệt, biết như vậy là không đúng quy trình.
Về công văn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cho phép chỉ định thầu, các hạng mục triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam (tháng 1/2008) nhưng khi đó ụ nổi đã mua rồi (ký hợp đồng từ tháng 3/2007, tháng 6 ụ nổi về, tháng 7 khoản "lại quả" về Việt Nam, cuối năm 2007 đã nhận đủ tiền chia chác).
Bị cáo Dũng trình bày thêm: “Hoạt động đối ngoại, đầu tư đáng ra là thuộc phần trách nhiệm của Phó Tổng Giám đốc Bùi Văn Chung nhưng không hiểu sao lại giao Chiều phụ trách dự án ụ nổi 83M. Tuy nhiên, xác minh lại thông tin từ Mai Văn Phúc, Phúc cho biết bản thân cũng không quyết định chuyển cho Chiều làm thay Chung mà khi về làm Tổng Giám đốc Vinalines đã thấy như vậy.
Dương Chí Dũng khẳng định: “Nói như thế này thì không hay nhưng thực tế là anh Phúc luôn chống đối Chủ tịch HĐQT, không tuân theo chỉ đạo. Vì vậy mọi việc ở dưới bị cáo không trực tiếp làm, quyết định được gì”.
Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh: “Chính vì như thế mới phải thông qua Sơn chứ nếu quan hệ của bị cáo với Tổng Giám đốc bình thường thì bị cáo sẽ chỉ đạo xuống dưới Phúc rồi mới đến Sơn. Lời khai của bị cáo như vậy là hoàn toàn phù hợp với Sơn”.
Tuy nhiên, bị cáo Dũng vẫn cố giải thích: “Nếu có làm thì bị cáo phải bí mật bên ngoài chứ không bao giờ để cho mấy ông cấp dưới biết việc sắp đặt như này được”.
Đại diện VKS dẫn lại một loạt bút lục biên bản ghi lời hỏi cung của Dũng, qua nhiều tháng liền, từ điều tra viên này qua điều tra viên khác, lời khai đều sâu chuỗi, thống nhất, khó có thể nói là bị viết sai ý.
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ liên tục cập nhật.....
Clip: Dương Chí Dũng vẫy tay tươi cười chào người thân từ xe thùng.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/duong-chi-dung-tung-doa-cach-chuc-cuu-tong-giam-doc-vinalines-a30981.html