Nấm linh chi được nhiều người ưa chuộng dùng hàng ngày vì có nhiều công dụng ngăn ngừa bệnh tật, nhưng không phải ai cũng biết mà dùng cho đúng.
Công dụng của nấm linh chi
Người bình thường dùng nấm linh chi giảm mệt mỏi, thư giãn thần kinh và cơ thể. Linh chi còn trị chứng đau đầu, mất ngủ, thần kinh suy nhược, stress gây lo âu, căng thẳng, ổn định huyết áp, ngăn ngừa các bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch.
Chất adenosin trong nấm được chứng minh có tác dụng chống nhiễm mỡ, xơ mạch và các biến chứng xơ vữa động mạch vành, loại trừ cholesterol trong máu và các thành mạch, trợ tim, lọc sạch máu, thúc đẩy quá trình lưu thông tuần hoàn máu…
Uống nấm linh chi hàng có tác dụng tốt phòng ngừa một số căn bệnh. |
Nhóm sterois trong nấm linh chi đỏ có tác dụng giải độc gan, bảo vệ gan. Thành phần axit ganodemic làm trẻ hóa các mô cơ thể và tế bào, bài tiết độc tố, khắc phục rối loạn da, làm đẹp da, ngăn ngừa bệnh ngoài da như dị ứng, mụn trứng cá…
Những người không nên dùng linh chi
- Nếu bị bệnh tự miễn dịch (hệ thống miễn dịch gây rối loạn chức năng trong cơ thể) không được sử dụng linh chi.
- Bệnh máu khó đông hay rối loạn xuất huyết không nên dùng và đặc biệt là những người trước thời gian đi phẫu thuật cũng không được dùng.
- Nếu bạn là người được ghép gan hay ghép thận (dùng liệu pháp ức chế miễn dịch để tránh đào thải)… cũng không nên dùng vì linh chi tăng cường miễn dịch sẽ dẫn tới đào thải nội tạng được ghép.
- Người bị suy thận hạn chế dùng (linh chi giúp lợi tiểu sẽ làm thận hoạt động nhiều)
- Người huyết áp thấp cũng nên hạn chế sử dụng hoặc không nên dùng.
- Phụ nữ mang thai (bà bầu) những tháng đầu hoặc giai đoạn cho con bú không nên sử dụng hoặc muốn sử dụng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ
Cách dùng nấm linh chi cho đúng
Để bảo toàn dược chất và phát huy tối đa công dụng, tránh những gây hại cho sức khỏe, bạn cần dùng linh chi đỏ đúng cách. Hiện có 4 cách được sử dụng nhiều nhất là: Nấu nước; hãm trà; ngâm rượu; nấu canh… ngoài ra vẫn còn một số cách khác nhưng không được phổ biến lắm.
Có nhiều cách chế biến linh chi nhưng đun nước uống là phổ biến nhất. |
Hiện tại các của hàng bán nấm linh chi đều có dịch vụ sơ chế nấm bao gồm, thái lát, tán bột... nhưng trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội lại cho biết: "Cách dùng nấm linh chi tốt nhất là thái lát mỏng sau đó đun lấy nước uống. Tức là ta chỉ sử dụng phần hoạt chất của nấm đã hòa tan trong nước chứ không dùng cả bã nấm.
Về bản chất, bã nấm có rất nhiều xenlulozo nên cực khó tiêu. Cho nên nếu tán bột pha để uống cả bã là không tốt cho sức khỏe. Phần bã nấm vào trong ruột dễ bị vón cục, lâu dài sẽ gây hại cho đường tiêu hóa".
Nếu được cho bột nấm thì khi dùng nấu nước xong phải để cho bột lắng xuống dưới rồi chắt phần nước trong uống hoặc dùng vải lọc. Với cách này, bạn có thể tận dụng được bã linh chi để đắp mặt làm đẹp.
Lưu ý: Nấm linh chi nên dùng vào mỗi buổi sáng, lúc bụng đói. Uống nhiều nước làm tăng công hiệu thải độc của nấm. Khi sử dụng có biểu hiện đi tiểu nhiều lần chứng tỏ nấm tác dụng thanh lọc chất độc trong cơ thể.
Không nên rửa hay làm sạch nấm linh chi vì như vậy sẽ làm mất lớp bột phấn trên nấm.
Khi đun linh chi ít nhất cần tối thiểu 20-60 phút, các hoạt chất mới có thể hòa tan hết. Đừng dùng kiểu hãm nước nóng như pha trà thì sẽ rất phí nấm.
Hãy kết hợp thêm cam thảo, táo tàu, atiso, hoặc cỏ ngọt để giảm bớt vị đắng, giúp dễ uống mà không làm ảnh hưởng đến dược tính. Nên kết hợp thêm vitamin C khi uống linh chi vì sẽ làm tăng hấp thu dược chất trong nấm.
Sau 2-3 ngày dùng linh chi đỏ, người bị huyết áp thấp có thể bị chóng mặt, vì vậy chỉ nên sử dụng nấm linh chi sau khi ăn no và không uống vào buổi tối.
Minh Khôi