(ĐSPL) - Trong ngày 18/4, tại cây ATM ở phường Thành Công (quận Ba Đình), hai đối tượng người Trung Quốc đã thực hiện thành công 33 giao dịch, chiếm đoạt hơn 60 triệu.
Theo TTXVN, sáng 2/12, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt hai bị cáo (đều có quốc tịch Trung Quốc) gồm: Chung Đông Minh (sinh năm 1988, trú tại thôn Đại Đường, thị trấn Tiểu Viên, huyện Nhữ Thành, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) lĩnh án 3 năm 6 tháng tù; Hồ Lễ Quốc (sinh năm 1980, trú tại thôn Thiên Nham, thị trấn Đại Trực, quận Khâm Bắc, thành phố Khâm Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) bị phạt 2 năm 6 tháng tù về cùng tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 226b, khoản 2, điểm d – Bộ Luật Hình sự.
Hai bị cáo tại toà - Ảnh: báo Vnexpress |
Báo Vnexpress thông tin, theo bản án sơ thẩm ngày 2/12 của TAND Hà Nội, Zhong Dong Ming (Chung Đông Minh, 28 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) được người đồng hương tên Lão Hắc rủ sang Việt Nam rút tiền bằng thẻ tín dụng giả, hứa sẽ chia 30%.
Minh kéo người bạn đang thất nghiệp Hu Li Guo (Hồ Lễ Quốc, 36 tuổi) cùng tham gia, nhận chiếc ba lô Hắc giao có hơn 170 thẻ ATM, laptop, máy đọc ghi thẻ ngân hàng, 3 camera, máy khoan...
Sáng 17/4, Minh, Quốc được một người đàn ông dẫn đường để nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh). Minh liên lạc với Hắc và đọc mật khẩu của 9 thẻ.
Theo cáo buộc, trong ngày 18/4, tại cây ATM ở phường Thành Công (quận Ba Đình), Minh và Quốc đã rút hơn 60 triệu đồng qua 33 giao dịch. Hôm đó, khi quay lại lần nữa, nhóm này bị bắt.
Điều 226b. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm: a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ; b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản; c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Có tính chất chuyên nghiệp; d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; đ) Gây hậu quả nghiêm trọng; e) Tái phạm nguy hiểm. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm". Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)