(ĐS&PL) Theo quy định, người dân không được sử dụng lòng đường để dựng rạp khi nhà có đám.
Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra khi các phương tiện giao thông va vào các đám cưới, đám ma được tổ chức bên đường. Tuy nhiên, trong các năm gần đây, bỏ qua việc ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, nhiều hộ dân dựng rạp tràn ra mặt đường khi nhà có đám.
Điều này làm ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của mọi người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho những người tham gia đám cưới, đám ma và của nhiều người tham gia giao thông.
Những câu hỏi mà dư luận đặt ra là cần xử lí những hành vi lấn chiếm lòng đường, hè phố trái phép này như thế nào, làm gì để mọi người tăng cường ý thức đảm bảo an toàn giao thông, nói không với việc dựng rạp đám cưới, đám ma tràn ra đường?
Luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời nguyên nhân của những tình trạng này: “Trước hết đối với đám ma, điều kiện kinh tế không thể thuê ở hội trường nên người ta tổ chức ở nhà. Nhưng cũng có người muốn tổ chức hoành tráng tại nhà nên họ dựng rạp, bàn ghế ở ngay cửa nhà mình. Thứ hai là do quan niệm, tập quán, chết là phải làm ma ở nhà. Nguyên nhân tiếp theo là các cơ quan chức năng có thẩm quyền mặc dù thấy việc dựng rạp ra đường là không được nhưng vì nhiều lí do khác nhau mà cán bộ chưa làm hết chức năng của mình, dẫn đến người dân làm vẫn cứ làm. Còn một nguyên nhân nữa là do ý thức của chúng ta còn kém, chưa có ý thức cộng đồng về vấn đề giữ an toàn giao thông”.
Nhiều gia đình có đám cưới, đám ma cũng chỉ treo một tấm biển “Gia đình có việc, đề nghị đi lối khác” và thế là “hồn nhiên” bày cỗ ra ăn với nhau. Rõ ràng đây là hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường mà nhiều người ví như một cuộc tự sát tập thể. Theo luật sư Bùi Đình Ứng, nói như vậy thì hơi quá, nhưng rõ ràng tai họa có thể xảy ra mà chúng ta hoàn toàn lường trước được.
Để xảy ra tình trạng người dân vô tư dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường như thời gian qua, ngoài ý thức của người dân còn có sự buông lỏng trong công tác quản lí của chính quyền địa phương.
Luật sư Bùi Đình Ứng cho rằng, ở đây tồn tại tâm lý cả nể của cán bộ địa phương: “Việc để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của người dân khi tổ chức sự kiện gia đình trên địa bàn của mình là trách nhiệm chính quyền làm chưa được tốt công tác của mình. Trong đó có một phần cả nể, mà có những trường hợp không cả nể không được. Ví dụ một gia đình có đám tang đang bắc rạp ra đường, cán bộ cũng không nỡ lòng nào lập biên bản về vấn đề vi phạm”, ông Bùi Đình Ứng nói.
Luật sư Bùi Đình Ứng cũng đưa ra một số lời khuyên cho người dân trong việc tổ chức đám cưới, đám ma đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông: “Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, người dân được quyền sử dụng vỉa hè để tổ chức đám ma, đám cưới với nhiều điều kiện khác nhau. Tôi xin lưu ý lại là sử dụng một phần vỉa hè chứ không phải tổ chức lòng đường".
Dẫn Nghị định 100, năm 2013 của Chính phủ, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 11 năm 2010 của Chính phủ về quản lí, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết, người dân nếu cần vẫn có thể dùng một phần hè phố nhưng có điều kiện. Đó là khi sử dụng vỉa hè thì phải dành một khoản tối thiểu là 1,5m dành cho người đi bộ.
Điều kiện thứ hai là thời gian sử dụng là tạm thời, đối với đám ma và đám cưới là không quá 48 tiếng, còn trường hợp là đám ma đặc biệt thì không quá 72 tiếng. Thứ ba, vị trí hè phố sử dụng phải đảm bảo kết cấu phù hợp với các trường hợp tạm thời. Thứ tư, là phải thông báo cho UBND cấp xã, phường trước khi sử dụng trường hợp này. Nhưng tuyệt đối không được sử dụng lòng đường để làm việc này”.
Thông tin thêm về quy định của pháp luật đối với những hành vi lấn chiếm lòng đường, Luật sư Bùi Đình Ứng cho biết: “Điều 12 Nghị định 46/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Còn trường hợp để xảy ra các hậu quả nghiêm trọng như làm chết người hoặc chết nhiều người hay thiệt hại về tài sản thì theo tính chất, mức độ hậu quả xảy ra, người vi phạm đó có thể bị xử lý hình sự.
Theo Khoản 1 Điều 261 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội cản trở giao thông đường bộ, mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ở Khoản 3 mức phạt có thể là từ 5 năm đến 10 năm tù nếu hậu quả xảy ra là làm chết từ 3 người trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Như vậy, chúng ta đã có những điều luật với nhiều mức độ xử phạt khác nhau, hi vọng người dân lưu ý và tuân thủ các quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, Luật sư Bùi Đình Ứng đưa ra ý kiến về việc cần có các chế tài xử lý việc người dân tự ý dựng rạp phục vụ cho đám tang, đám cưới trên đường phố. Cần xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo buông lỏng trách nhiệm của mình. Đồng thời nâng cao công tác tuyên truyền, công tác vận động, giáo dục để người dân tự giác chấp hành.
Đừng để ngày vui của gia đình trở thành ngày buồn, đừng để sự mất mát, đau thương nhân thêm nhiều lần. Điều này phụ thuộc vào ý thức của mỗi gia đình khi tổ chức tiệc cưới, việc tang. Mong rằng mọi người hãy tăng cường ý thức đảm bảo an toàn giao thông, “nói không” với việc dựng rạp đám cưới, đám ma tràn ra đường.
Chính quyền địa phương cũng cần tăng cường trách nhiệm nhắc nhở, xử phạt những hộ gia đình vi phạm quy định của pháp luật. Chúng ta hãy coi trọng sự an toàn của bản thân, những người trong gia đình và của những người tham gia giao thông. Có như thế thì chúng ta mới tránh được những tai nạn đáng tiếc.