+Aa-
    Zalo

    Dùng nhiều tên giả “phù phép” hồ sơ cho vay lãi suất hơn 300%/năm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ Ninh Bình vào Huế cho vay nặng lãi, Nguyễn Văn Thăng đã thực hiện 117 hợp đồng cho vay với tổng số tiền là 922 triệu đồng, lãi suất vay từ 182,5%/năm đến 304,33%/năm, thu lợi bất chính hơn 188 triệu đồng.

    Thủ đoạn tinh vi

    Điều tra ban đầu của công an cho thấy, Nguyễn Văn Thăng (SN 1998, trú tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) đã cùng một số bạn bè vào Huế thực hiện hành vi cho vay lãi nặng từ tháng 7/2021 cho đến nay. Mặc dù thời gian hoạt động chưa lâu, nhưng lợi dụng tâm lý cần vay tiền của nhiều người do hoàn cảnh khó khăn, nhóm của Thăng đã “tung” ra nhiều chiêu trò hết sức tinh vi để thu hút người vay.

    Nguyễn Văn Thăng tại cơ quan điều tra (Ảnh công an cung cấp).

    Bên cạnh các thủ tục cho vay rất đơn giản như người vay chỉ cần cung chấp ảnh chụp CMND, sổ hộ khẩu, số điện thoại… các đối tượng còn tiếp cận người vay bằng thủ đoạn “phù phép” hồ sơ thông tin không xác thực. 

    Cụ thể, để qua mặt lực lượng chức năng, trong quá trình cho vay, đối tượng Thăng đã sử dụng nhiều tên giả và số điện thoại khác nhau để liên lạc với khách vay.

    Tang vật của nhóm cho vay nặng lãi do Thăng cầm đầu (Ảnh công an cung cấp).

    Theo tài liệu điều tra, tính từ tháng 7/2021 đến thời điểm bị bắt giữ là cuối tháng 12/2021, Nguyễn Văn Thăng và một số đối tượng khác đã thực hiện 117 hợp đồng cho vay với tổng số tiền cho vay là 922 triệu đồng, lãi suất vay từ 182,5%/năm đến 304,33%/năm, thu lợi bất chính hơn 188 triệu đồng. 

    Chặn “đất sống” của tín dụng đen

    Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên hàm Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, việc đối tượng dùng các mánh khóe khác nhau, nhất là làm hồ sơ giả, tên giả sẽ khiến người vay khó nhận biết hơn và nếu có muốn báo cơ quan chức năng cũng sẽ gây khó khăn hơn cho quá trình điều tra, xác minh hành vi vi phạm. 

    Luật sư Phan Xuân Xiểm (Ảnh: Bạch Đằng).

    “Tôi nghĩ rằng, tín dụng đen, cho vay nặng lãi là nguồn cơn của mọi hành vi vi phạm pháp luật, từ gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, thậm chí có thể là cả giết người. Bởi vậy, để triệt tận gốc loại tội phạm này thì lực lượng chức năng, nhất là cơ quan công an cần rà soát, nắm chắc các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính trên địa bàn mình quản lý.

    Thông qua việc rà soát, nắm rõ thông tin từng cơ sở, đánh giá mức độ, tính chất của từng cơ sở hoạt động, phát hiện ngay những cơ sở có biểu hiện bất thường để theo dõi sát sao và kịp thời có biện pháp ngăn chặn. Như vậy, việc triệt phá những hoạt động này càng sớm thì đời sống người dân sẽ càng được đảm bảo hơn”, Luật sư Phan Xuân Xiểm nêu quan điểm cá nhân.

    Nói thêm về nguyên nhân, ông Xiểm cho hay: “Như tôi đã nói thì tín dụng đen nếu như không được phát hiện, xử lý sớm, hoặc có sự buông lỏng trong quản lý, thờ ơ trong xử lý của cơ quan chức năng thì sẽ còn đất sống. Vì thế, cần có các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, triệt để hơn nữa từ các cơ quan chức năng.

    Tuy nhiên, trong các nguyên nhân được đưa ra thì không thể không kể đến ý thức chủ quan của người dân. Báo chí nói hằng ngày, truyền thông đại chúng rộng rãi, nhiều vụ việc dẫn đến hậu quả đau lòng xuất phát từ vay tín dụng đen đã được đưa ra cảnh báo, thế nhưng nhiều người dân vẫn nhắm mắt đưa chân vào những giao dịch chết người này. Như thế là đang tự mình hại mình, tự mình đưa mình vào tròng. 

    Do đó, bản thân mỗi người dân cần tỉnh táo chắt lọc thông tin, có kế hoạch tiêu dùng hợp lý cho bản thân mình. Trước khi muốn vay tiền hãy tìm hiểu kỹ và nên tìm đến các tổ chức cho vay tín dụng uy tín, được nhà nước cho phép hoạt động”.

    Theo ý kiến của Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm thì hành vi của đối tượng Nguyễn Văn Thăng trong vụ án trên có dấu hiệu của tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

    Luật sư Phất phân tích thêm, chủ thể của tội cho vay nặng lãi không phải là chủ thể thường. Cho nên bất cứ người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi thì đều phải chịu trách nhiệm về tội này.

    Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội bị tội phạm xâm phạm đến, và quan hệ xã hội mà tội cho vay nặng lại xâm phạm ở đây là trật tự quản lý kinh tế, cụ thể là trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Ngoài ra cho vay nặng lãi có thể là nguyên nhân dẫn đến xâm phạm trật tự an toàn, an ninh khi có hành vi siết nợ diễn ra trên thực tế.

    Khi xét đến mặt chủ quan của tội phạm, người ta xét đến yếu tố lỗi của người phạm tội. Đối với tội cho vay nặng lãi, lỗi của người phạm tội ở đây là lỗi cố ý, tức là biết rõ hành vi cho vay lãi xuất cao của mình là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn thực hiện vì lợi nhuận bất chính kiếm được là rất cao.

    Hành vi khách quan của tội này là hành vi cho người khác vay tiền, nhưng là cho vay với mức lãi suất cao gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất trong hợp đồng dân sự.

    Việc cho vay này có thể được lập thành hợp đồng hoặc không, do tính chất trái pháp luật của hành vi này, nên rất ít khi bên cho vay và bên vay có lập một hợp đồng vay ghi mức lãi suất rõ ràng mà thường chỉ là hai bên thỏa thuận bằng miệng với nhau.

    Bên cho vay thường dùng thủ đoạn lợi dụng lúc người vay đang gặp khó khăn về tài chính, có thể là do tai nạn, ốm đau, hoặc khó khăn đột xuất, cần gấp một khoản tiền lớn, họ sẽ áp dụng hình thức cho vay nóng, quảng cáo thủ tục đơn giản, giải ngân dễ dàng so với vay ở ngân hàng hay các tổ chức tín dụng hoạt động chính thống để người vay phải vay với lãi suất cao.

    Hậu quả gây ra thiệt hại về vật chất đối với người đi vay do phải trả một khoản lãi quá cao so với quy định. Và đôi khi là còn kèm theo cả tổn hại về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, do trên thực tế, không phải ai vay nặng lãi cũng có khả năng trả nợ, mà nhắc đến vay nặng lãi thì người ta cũng đồng thời nghĩ đến siết nợ xã hội đen. Do đó thiệt hại xảy ra không chỉ là đối với người đi vay mà còn ảnh hưởng tới cả trật tự an ninh xã hội.

    Nhật Hạ

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-nhieu-ten-gia-phu-phep-ho-so-cho-vay-lai-suat-hon-300-nam-a525371.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.