Sữa đậu nành là sản phẩm làm từ đậu nành, là thực phẩm tự nhiên có giá trị dinh dưỡng cao, hương vị thơm ngon, dễ uống, dễ hấp thụ. Sữa đậu nành rất lành mạnh với sức khỏe, đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời.
Sữa đậu nành có chứa nhiều protein thực vật và phospholipids, nó cũng có nhiều vitamin B1, B2 và niacin. Trong sữa đậu nành cũng có chứa nhiều khoáng chất như sắt và đặc biệt là canxi. Mặc dù không chứa nhiều canxi như đậu phụ, nhưng sữa đậu nành có chứa lượng canxi cao hơn bất kỳ loại sữa nào khác.Vào mùa hè, uống sữa đậu nành nó có thể giải nhiệt, làm dịu cơn khát và ngăn ngừa tình trạng say nắng.
Theo Y học cổ truyền, sữa đậu nành có tác dụng thanh phế, tiêu đờm, làm giảm mỡ máu, hạ huyết áp đối với những người có huyết áp cao. Mỗi ngày uống một cốc sữa đậu nành được cho là có tác dụng nhất định trong việc phòng ngừa ung thư đại tràng, đặc biệt đối với người mắc bệnh tiểu đường có tác dụng giảm đường huyết tốt.
Tuy nhiên, sữa đậu nành dù giàu chất dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho cơ thể nhưng uống không đúng cách có thể sẽ gây gánh nặng cho cơ thể, thậm chí có nguy cơ gây nôn mửa, tiêu chảy.
Những người không nên uống sữa đậu nành
Người bị viêm dạ dày, đường ruột không tốt
Sữa đậu nành có tính lạnh nên không phù hợp với người có đường ruột kém, những người có đường ruột kém mà uống sữa đậu nành thường gặp các vấn đề như đau bụng, ợ hơi, đầy bụng.
Trong thành phần của sữa đậu nành có chất có thể kích thích dạ dày bài tiết nhiều acid hơn, điều này không hề tốt đối với dạ dày. Chính vì vậy, những người đang bị viêm dạ dày cấp tính và mãn tính nên hạn chế uống sữa đậu nành cũng như hạn chế ăn các thực phẩm chế biến từ đậu nành để tránh làm bệnh tình càng thêm nặng hơn.
Sữa đậu nành dưới tác dụng của một loại chất xúc tác có khả năng sinh ra khí ở trong đường tiêu hóa, vì vậy sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, người bị tiêu chảy tốt nhất đừng uống sữa đậu nành.
Người mắc bệnh gout
Trong sữa đậu nành có chứa chất purin, nếu không chuyển hóa hết sẽ tích tụ lại, khiến bệnh gout càng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bị bệnh gout không nên uống sữa đậu nành hoặc các chế phẩm từ đậu nành.
Người mắc bệnh sỏi thận
Trong sữa đậu nành có chứa chất oxalat, chất này dễ kết hợp với canxi trong máu tạo thành sỏi thận. Vì thế, những người đang bị sỏi thận không nên uống loại sữa này, làm tăng kích thước sỏi và nguy cơ gây biến chứng nguy hiểm.
Người đang uống thuốc kháng sinh
Những loại thuốc kháng sinh có chứa erythromycin không nên được uống cùng với sữa đậu nành. Bởi vì khi erythromycin kết hợp với sữa đậu nành có thể gây nên phản ứng hóa học, tạo thành một chất khác làm giảm tác dụng của thuốc kháng sinh. Chính vì vậy, bạn tuyệt đối không được uống sữa đậu nành ngay sau khi uống thuốc kháng sinh, tốt nhất bạn nên chờ khoảng 1 tiếng sau.
Người bị ung thư vú
Những người có tiền sử bệnh ung thư vú, buồng trứng và tử cung không nên uống sữa đậu nành. Nguyên nhân có thể là do đậu nành có chứa phytoestrogen có tác động như kích thích tố estrogen có thể làm các tế bào ung thư này phát triển nhanh hơn.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú
Mặc dù có tác dụng tăng sản sinh estrogen nhưng sữa đậu nành không nên dùng cho phụ nữ mang thai và cho con bú, nếu có chỉ dùng với 1 lượng nhỏ. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, thai phụ uống nhiều sữa đậu nành có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Người vừa phẫu thuật
Sau phẫu thuật là lúc cơ thể rất yếu, sức đề kháng và miễn dịch kém, các vấn đề về tiêu hóa không tốt nên sữa đậu nành không phải là sản phẩm phù hợp.
Người thiếu kẽm
Trong sữa đậu nành có chứa chất ức chế đó là saponin hormone và lectin, những chất này đều không tốt cho cơ thể của bạn. Cách tốt nhất để đối phó với những chất này là bạn cần đun sôi sữa đậu nành lên, và nếu bạn uống sữa đậu nành trong thời gian dài cần nhớ bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm.
Những điều kiêng kỵ khi uống sữa đậu nành
Không pha sữa đậu nành với đường đỏ
Đường đỏ chứa nhiều axit hữu cơ như axit lactic, axit axetic... kết hợp với protit, canxi trong sữa đậu nành có thể tạo thành các hợp chất biến tính, làm mất chất dinh dưỡng của sữa đậu nành, đồng thời ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và tiêu hóa của cơ thể.
Không pha sữa đậu nành với trứng
Nhiều người cho rằng việc đánh thêm trứng vào sữa đậu nành có thể bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Lòng trắng trứng kết hợp với men trypsin trong sữa đậu nành tạo thành chất kết tủa khiến cơ thể khó hấp thu, ngoài ra nó còn làm mất chất dinh dưỡng của trứng và sữa đậu nành.
Không uống sữa đậu nành với kháng sinh
Một số loại thuốc đặc biệt như thuốc kháng sinh chứa chất tetracycline, erythromycine có khả năng phân hủy chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành. Do đó, tránh uống kháng sinh cùng lúc với sữa đậu nành. Nên uống cách nhau khoảng 1h để đảm bảo không có phản ứng hóa học xảy ra.
Không nên ăn cam, quýt trước hoặc sau khi uống sữa đậu nành khoảng 1h
Lượng axit và vitamin trong cam, quýt có thể ảnh hưởng đến protein trong sữa đậu nành và kết tụ lại ở ruột non, ảnh hưởng đến tiêu hóa. Điều này có thể gây đầy hơi, đau dạ dày hoặc tiêu chảy.
Không uống sữa đậu nành chưa đun sôi kỹ
Sữa đậu nành chưa nấu chín có chứa saponin đậu nành và chất ức chế trypsin. Những chất này không chỉ gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa, có thể gây nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy và các triệu chứng khác mà còn ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa protein bình thường của cơ thể.
Không uống quá nhiều sữa đậu nành
Đối với người lớn, một lần uống sữa đậu nành không nên quá 500 ml, nếu uống quá nhiều dễ dẫn đến đau bụng, đi ngoài do chất dinh dưỡng trong sữa đậu nành không được hấp thụ hết, ảnh hưởng không tốt đến tiêu hóa.
Không uống sữa đậu nành lúc đói
Sữa đậu nành là lựa chọn tốt để tăng cơ giảm mỡ. Một số người muốn bổ sung protein, giảm lượng calo nạp vào nên quyết định uống sữa đậu nành khi bụng đói. Tuy nhiên, điều này sẽ làm giảm tác dụng hấp thụ protein.
Nếu uống sữa đậu nành khi bụng đói, protein sẽ được chuyển thành calo và tiêu thụ. Vì vậy, tốt nhất nên uống sữa đậu nành cùng với các thực phẩm giàu tinh bột (bánh mì, bánh bao…). Bởi protein có thể điều chỉnh các chức năng sinh lý cũng như xây dựng và sửa chữa các mô nên sẽ là một tổn thất lớn nếu uống sữa đậu nành khi bụng đói và protein được chuyển thành calo.
Khi ăn cùng tinh bột, protein sẽ được hấp thụ tốt hơn, không bị lãng phí. Nhà dinh dưỡng học Lý Vãn Bình cho biết có thể kết hợp sữa đậu nành với các loại thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt như khoai lang, ngũ cốc và bánh bao ngũ cốc để bổ sung axit amin còn thiếu và giúp lượng protein được nạp vào đầy đủ hơn.
Không nên uống sữa đậu nành chứa trong phích hoặc bình giữ nhiệt
Một số người có thói quen giữ sữa đậu nành trong phích hoặc bình giữ nhiệt để giữ ấm. Tuy nhiên việc này lại không tốt cho sức khỏe bởi nó không phù hợp với nhiệt độ thích hợp để bảo quản sữa đậu nành, có thể khiến vi khuẩn sinh sôi, làm cho sữa bị ôi sau khoảng 3-4h.
Không nên thay thế hoàn toàn sữa đậu nành cho trẻ em
Có thể dùng sữa đậu nành cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi để thay thế một phần sữa động vật, nhưng không nên thay thế hoàn toàn.
Như Quỳnh (T/h)