(ĐSPL) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tăng cường quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, Việt Nam sẽ dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, trừ hai khu vực ở Kon Tum và Quảng Bình.
Theo đề án, Việt Nam sẽ dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước, trừ hai khu vực thuộc Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, tỉnh Kon Tum và Công ty TNHH Một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại, tỉnh Quảng Bình, đã được phê duyệt phương án, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững quốc tế và việc khai thác thác tận dụng trên diện tích rừng sản xuất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.
|
Theo thống kê, Việt Nam hiện chỉ còn hơn 13 triệu ha rừng tự nhiên. (Ảnh: Bắc Kạn). |
Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ khâu chế biến, mua bán gỗ để ngăn chặn tình trạng tiêu thụ, sử dụng gỗ bất hợp pháp.
Các lãnh đạo địa phương phải theo sát để rà soát, kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ, chỉ cho phép hoạt động đối với các cơ sở đúng quy hoạch, có nguồn nguyên liệu ổn định và đảm bảo hệ thống sổ sách đáp ứng cho công tác truy xuất, kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp; hạn chế hình thành mới đối với các cơ sở chế biến, mua bán gỗ; giải tỏa và không hình thành mới các cơ sở chế biến gỗ ở trong rừng và gần rừng tự nhiên; cương quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở chế biến gỗ vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Ngoài ra, đối với việc khai thác sử dụng gỗ rừng tự nhiên của hộ gia đình, cá nhân được giao rừng cũng phải giám sát chặt chẽ. Các hộ gia đình, cá nhân chỉ được sử dụng gỗ cho nhu cầu thiết yếu tại chỗ, nghiêm cấm việc mua bán trao đổi dưới mọi hình thức. Khối lượng gỗ khai thác tối đa là 10 m3/hộ/lần, nhưng người dân không được lạm vào vốn rừng.
Mục tiêu của đề án là sau năm 2020, sẽ tạo được những khu rừng sản xuất có chất lượng tốt đủ điều kiện khai thác bền vững, nhằm đáp ứng nhu cầu gỗ rừng tự nhiên cho tiêu dùng trong nước và từng bước thay thế gỗ nhập khẩu.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-khai-thac-go-rung-tu-nhien-tren-ca-nuoc-a73831.html