(ĐSPL) - Dùng chiêu trò quảng cáo tăng cường sức khỏe, cải thiện làn da, giúp chị em trẻ đẹp, thực phẩm chức năng (TPCN) có chứa collagen đã thu hút được nhiều sự quan tâm.
Ngoài các sản phẩm trong nước, người tiêu dùng còn choáng ngợp với hàng loạt nhãn hiệu collagen xách tay đang được quảng cáo rầm rộ trên nhiều trang mạng. Đã có không ít người tiêu dùng vội vàng đặt trọn niềm tin mà không cần biết cách sử dụng thế nào cho đúng, công dụng thực sự ra sao, để rồi vô tình rước họa khi mua phải collagen không nguồn gốc.
Lực lượng chức năng bắt giữ lô thực phẩm chức năng chứa collagen không rõ nguồn gốc. |
Làm đẹp qua... truyền miệng
Tìm hiểu thực tế cho thấy, trên các tài khoản facebook cá nhân, nhiều người đã lập hẳn ra những hội cho các “tín đồ” sử dụng collagen như: Hội những người sử dụng collagen ở Việt Nam; Hội những người tạo mẫu tóc bằng collagen; Hội những người thích cà phê collagen... Ở đó, người ta mách nhau cách sử dụng collagen loại gì, giá cả ra sao và mua ở đâu.
Từ sự truyền miệng này, nhiều người tiêu dùng đã chi cả đống tiền mà cuối cùng vẫn không biết sản phẩm mình sử dụng thực sự có công dụng thế nào. Trên thị trường kinh doanh collagen trực tuyến, để bán hàng, giới kinh doanh online thường bắt đầu bằng cách tạo câu chuyện theo kiểu: “Cạnh nhà mình có chị hàng xóm không hiểu sao dạo này thấy da dẻ căng mịn, trẻ ra cả chục tuổi. Hỏi chị ấy dùng cách gì thì được mách uống collagen của hãng A, B, C nào đó, giá cả cũng rất dễ chịu, có bạn (chị/em) nào đã dùng thử loại này chưa, mua ở đâu chỉ giúp mình”.
Kèm theo là hình ảnh một cô gái trẻ trung nào đó với làn da săn chắc, mịn màng. Vậy là ngay lập tức cả trăm người kéo vào bình luận, tư vấn. Trà trộn trong đó là một số nick của chính người bán hàng lập ra nhằm tâng bốc sản phẩm lên tận mây xanh với lời khẳng định chắc chắn cũng đã dùng sản phẩm đó và thấy tác dụng rõ rệt chỉ sau vài tuần. Theo tâm lý số đông, nhiều chị em đã tin tưởng và vô tư sử dụng loại sản phẩm này.
Hiện collagen được bán nhan nhản khắp nơi, ở rất nhiều kênh khác nhau, phổ biến nhất là dạng “hàng xách tay”. Lần theo các địa chỉ tư vấn trên các diễn đàn, chúng tôi được hướng dẫn tới một shop chuyên bán collagen xách tay vốn được rỉ tai là “do các tiếp viên hàng không xách về” trên phố Nguyễn Sơn (Long Biên). Tại đây, người bán hàng quảng cáo loại collagen nào cũng có, 100\% hàng xịn. Collagen loại viên nén rẻ thì từ 70.000-120.000 đồng/lọ, loại siêu tốt có giá tới vài triệu đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc, người bán hàng chỉ biết là hàng Mỹ, Úc, Canada, NewZealand, Nga nhưng không đưa ra được giấy tờ cụ thể vì cho rằng đó là... hàng xách tay.
Lô hàng TPCN có chứa collagen bị lực lượng chức năng bắt giữ. |
Chọn lựa thế nào?
Liên quan đến tình trạng các sản phẩm có chứa collagen “xách tay” tràn lan trên thị trường, ông Nguyễn Trọng Bình - Trưởng phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, hiện nay trên thị trường có hàng trăm sản phẩm collagen khiến người tiêu dùng hoa mắt về tác dụng và giá cả. Người mua nên hết sức cảnh giác bởi trong số collagen được quảng cáo có không ít hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Cuối tháng 1/2015, lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ 12 tấn sản phẩm TPCN có chứa collagen từ Trung Quốc tuồn vào nội địa, sau đó được chủ hàng đóng hộp, dán nhãn mác rồi tung ra thị trường dưới dạng hàng xách tay từ Âu, Mỹ...
Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục tổ chức kiểm tra, kiểm soát mặt hàng TPCN theo Kế hoạch số 08/KH-BCĐ 389/TP, phát hiện và xử lý 49 vụ với hơn 12.000 lọ TPCN do nước ngoài sản xuất vi phạm với lỗi chủ yếu là không có hóa đơn chứng từ, không niêm yết giá bán theo quy định.
Hành vi kinh doanh nhập lậu mặt hàng TPCN chủ yếu tập trung vào loại dành cho xương khớp, tim mạch, giảm cân, làm đẹp hiện đang có nhu cầu lớn trên thị trường, tem nhãn phụ do doanh nghiệp tự in và dán trên sản phẩm nên không đúng nội dung công bố và không ghi tên, địa chỉ nhập khẩu. Người tiêu dùng khi xem hàng thấy có nhãn phụ yên tâm mua hàng về sử dụng, song rất có thể những sản phẩm trôi nổi hiện nay là dạng hàng giả nhập vào theo kiểu này.
Trao đổi về vấn đề này, ThS.BS. Lê Thái Vân Thanh, Bộ môn Da liễu, Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị kích ứng da do dùng collagen dạng mặt nạ bột. Các bệnh nhân có đưa đến các sản phẩm collagen dạng bột đắp mặt nạ, bột hòa nước uống, dạng viên nang... Họ cho biết mua hàng xách tay từ Mỹ, nhưng sản phẩm không hề có mã vạch quốc tế, hạn sử dụng, số lô sản phẩm.
Nếu dùng phải TPCN giả nói chung, collagen giả nói riêng, người dùng có thể gặp rất nhiều nguy cơ. Thứ nhất, có thể bị ngộ độc thực phẩm vì sản phẩm bị nhiễm vi sinh do điều kiện lưu trữ, bảo quản kém.
Thứ hai, do TPCN được dùng hàng ngày và lâu dài nên người dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm mạn tính khi trong đó có chứa các chất không có lợi cho sức khỏe. Trường hợp xấu nhất, nếu trong TPCN có chứa kim loại nặng, nấm mốc thì sẽ làm tổn thương các tế bào gan, thận, khiến chúng không lọc được chất độc, không đào thải được chất độc ra khỏi cơ thể.
Collagen có những tác dụng đặc hiệu đối với cơ thể, nhưng chỉ khi nào được sử dụng đúng loại, đúng mục đích. Do vậy, trước khi bỏ tiền mua hàng, người tiêu dùng cần phải tìm hiểu rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, không nên vội vàng tin theo những lời quảng cáo trên mây, tràn lan trên các diễn đàn, trang mạng bán hàng online như hiện nay nhằm tránh rước họa vào thân.
PV
Xem thêm video: Bắt khẩn cấp 2 giám đốc sản xuất thuốc chữa bệnh giả