+Aa-
    Zalo

    Đừng để doanh nghiệp “lắc đầu” vì thiếu kỹ năng mềm

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Kỹ năng mềm không chỉ cần thiết trong cuộc sống mà còn là tiêu chí tuyển dụng vô cùng quan trọng của doanh nghiệp.

    Kỹ năng mềm không chỉ cần thiết trong cuộc sống mà còn là tiêu chí tuyển dụng vô cùng quan trọng của doanh nghiệp, bởi nó phản ánh việc người lao động có thể hòa nhập được với môi trường làm việc và đạt được hiệu suất công việc cao nhất hay không. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc rèn luyện kỹ năng mềm cần phải hết sức bài bản và tạo thành thói quen ngay từ khi còn trẻ.

    Sinh viên ra trường thiếu KNM, doanh nghiệp “ngán ngẩm”

    Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đào tạo KNM cho sinh viên, Ban Giám hiệu Trường ĐH Đại Nam đã giao cho Khoa Quản trị Kinh doanh xây dựng và áp dụng giảng dạy Bộ môn KNM từ năm học 2015-2016.

    Theo điều tra của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trong tổng số các sinh viên tốt nghiệp hằng năm tại Việt Nam, hơn 13% phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng, gần 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc và 41% cần thời gian làm quen với công việc.

    Trước thực trạng này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ThS Phạm Văn Minh - Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trưởng Bộ môn Kỹ năng mềm - Trường ĐH Đại Nam xung quanh vấn đề này.

    - Thưa ThS. Phạm Văn Minh, có ý kiến cho rằng, sinh viên ra trường thiếu kỹ năng mềm (KNM) khiến doanh nghiệp “lắc đầu”. Nhận định của thầy về vấn đề này như thế nào?

    ThS. Phạm Văn Minh: Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp chủ yếu là các công ty tư nhân, mà đã là tư nhân thì “đồng tiền đi liền khúc ruột”. Họ sẽ phải tính toán đến việc khoản tiền họ bỏ ra sẽ mang lại những lợi ích kinh tế nào và do đó họ rất cần đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Tuy nhiên, trình độ học vấn và bằng cấp không phải là yếu tố quyết định đến việc doanh nghiệp có tuyển dụng người lao động hay không. Các doanh nghiệp còn căn cứ vào yếu tố cá nhân như kỹ năng, sự nhạy bén trong xử lý công việc và giao tiếp của mỗi ứng viên, điều mà nhiều sinh viên tốt nghiệp chưa đáp ứng được, đặc biệt là phần KNM. Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những KNM họ được trang bị.

    Trại huấn luyện KNM của ĐH Đại Nam không phải là hình thức “học mới” mà là hình thức “trải nghiệm” với mục đích đưa giờ học lý thuyết trên lớp vào các hoạt động thực tế.

    Tôi lấy ví dụ, chỉ cần những điều đơn giản như kỹ năng giao tiếp, hòa nhập môi trường thậm chí là chào hỏi mọi người. Nếu một cử nhân hay kỹ sư tốt nghiệp ra trường, đến cơ quan không biết chào hỏi đồng nghiệp, không biết giao tiếp và ứng xử với đồng nghiệp thì làm sao có thể làm việc nhóm và đương nhiên không thể sống chung, làm việc chung với tập thể đó được.

    Như vậy có thể thấy, điều các nhà tuyển dụng cần nhất của một tấm bằng là “bằng lòng”, bằng lòng nhà tuyển dụng, bằng lòng đồng nghiệp, khách hàng và người xung quanh. Đó là kỹ năng quan trọng nhất.

    KNM hiểu sao cho đúng?

    - Như thầy nói KNM đóng vai trò quan trọng khi quyết định đến 75% sự thành công. Vậy KNM được hiểu là gì và khác với kỹ năng cứng như thế nào?

    KNM (soft skills) là một thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng tinh thần, trí tuệ, cảm xúc hay những kỹ năng tâm lý xã hội, giúp cho mỗi cá nhân tồn tại và thích ứng tốt với cộng đồng và môi trường xung quanh.

    KNM cũng có thể hiểu là kỹ năng áp dụng các kỹ năng cứng vào trong cuộc sống để giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả nhất và thành công nhất.

    KNM thường liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ, khả năng hòa nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử được sử dụng trong giao tiếp giữa người với người, như: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng sáng tạo và đổi mới…

    KNM quyết định 75% thành công của người trẻ.

    Bên cạnh KNM là kỹ năng cứng (hard skills), là khái niệm dùng để chỉ trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên môn, trình độ học vấn hay bằng cấp và chứng chỉ nghề nghiệp.

    Nếu như kỹ năng cứng mang tính cứng nhắc, khoa học và mang yếu tố “kỹ thuật”, thì KNM mang tính mềm dẻo, linh động tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường, phụ thuộc nhiều vào tương tác giữa người với người trong cuộc sống, công việc và nó chủ yếu mang tính “nghệ thuật”.

    Trái với kỹ năng cứng, KNM thay đổi theo môi trường, theo con người tiếp xúc cụ thể, và cần độ nhạy cảm xúc để thích nghi, nắm bắt và vận dụng.

    Kiến thức – Kỹ năng – Thái độ phải học cả đời

    - Có thể thấy KNM đòi hỏi cả một quá trình tích lũy, vậy việc đưa chương trình KNM vào giảng dạy cho sinh viên tại các trường đại học, theo thầy có ý nghĩa như thế nào?

    Mục tiêu của bất kỳ trường đại học nào trên thế giới đều là giáo dục và đào tạo con người. Việc giáo dục và đào tạo con người rõ ràng gắn liền với hai yêu cầu cơ bản là giáo dục họ thành người để sống với cộng đồng và đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu công việc.

    Kiến thức, kỹ năng hay thái độ của một con người đều phải học cả đời, từ khi con người sinh ra có nhận thức cho đến khi mất đi đều phải trau dồi những điều tốt đẹp nhất. KNM cũng vậy, cần được học ở nhiều cấp độ khác nhau, nhiều thời điểm khác nhau, nhiều môi trường khác nhau, với bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu và bất kỳ lúc nào.

    Tại Đại học Đại Nam, KNM được nhà trường đưa vào giảng dạy từ năm học 2015-2016, với 3 học phần: KNM1, KNM2 và KNM3

    - Để chương trình KNM giảng dạy trong các trường đại học thực sự có hiệu quả, theo thầy cần chú trọng đến những nội dung gì?

    Giảng dạy KNM khác nhiều so với giảng dạy các môn khoa học thuần túy, đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế. Thêm nữa, việc đưa KNM trở thành môn học chính khóa là một xu thế ở nhiều nước trên thế giới, giúp cho người học có thể ứng dụng các kỹ năng mềm được biết vào những hoạt động thực tế.

    Tại ĐH Đại Nam, KNM được nhà trường đưa vào giảng dạy từ năm học 2015-2016, với 3 học phần: KNM1, KNM2 và KNM3.

    KNM 1 - “Kỹ năng nhận thức, khai thác và quản lý bản thân”. Mục tiêu của KNM1 là trang bị cho sinh viên những nội dung cơ bản trong việc học đại học, các kỹ năng tự học; biết tự đánh giá điểm mạnh yếu của bản thân; biết tự định hướng và xác định mục tiêu nghề nghiệp để có động lực học tập ngay từ đầu…

    KNM 2 - “Kỹ năng giao tiếp, thuyết trình và làm việc nhóm”. Mục đích giúp người học hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp; biết được cách giao tiếp, ứng xử và các yếu tố để giao tiếp ứng xử thành công; cách sử dụng giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ để đạt kết quả cao nhất.

    Với KNM 3 - “Kỹ năng đàm phán, giải quyết vấn đề và ra quyết định”. Mục đích dạy sinh viên các kỹ năng gây áp lực, thỏa hiệp và giành phần thắng trong đàm phán, cung cấp cấp các kỹ năng và yêu cầu trong một cuộc đàm phán; các kỹ năng xử lý xung đột, giải quyết mâu thuẫn và ra quyết định trong các tình huống giao tiếp.

    Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của thầy

    Minh Nhật (thực hiện)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dung-de-doanh-nghiep-lac-dau-vi-thieu-ky-nang-mem-a255967.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan