Theo báo Lao động, một nam bệnh nhân 19 tuổi, đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec khám do hay quên, bồn chồn, lo lắng, ngủ kém, hay cáu gắt, run tay. Kết quả thể trạng người bệnh bình thường, song biểu hiện rối loạn hành vi, hưng cảm nhẹ, có hoang tưởng bị hại.
Bệnh nhân có chia sẻ rằng, hơn 1 năm có hút cần sa, bóng cười và thuốc lá điện tử. 4 tháng nay, bệnh nhân không còn sử dụng bóng cười nhưng vẫn sử dụng cần sa, thuốc lá điện tử.
Gần đây, người này thấy mệt mỏi, run tay chân, bồn chồn, lo lắng, quên trí nhớ gần, giảm tập trung công việc, giảm các thú vui, sở thích, khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay cáu gắt, thường xuyên có xung đột với mọi người xung quanh, thích ở một mình, có cơn hồi hộp, ăn uống kém ngon miệng.
“Khi xuất hiện những triệu chứng này, tôi thấy có ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, mà đặc biệt là giảm tập trung, hay quên, không còn hứng thú trong công việc khiến tôi phải bỏ việc đang làm.
Thấy tôi sa sút, gia đình khuyên bỏ thói quen này, cộng với việc bản thân cũng biết rõ tác hại các chất mình đang dùng, nên tôi cũng có suy nghĩ bỏ nhưng không thể bỏ được, thậm chí có xu hướng tăng dần tần suất sử dụng cần sa. Để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn đó, tôi quyết định đi khám” - nam bệnh nhân chia sẻ.
Qua quá trình thăm khám, BSCKII. Nguyễn Đình Tuấn - Chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cho biết, khám toàn thân về mạch, huyết áp và các dấu hiệu sinh tồn không có gì bất thường. Tuy nhiên, khám tâm thần có rối loạn hành vi, hưng cảm nhẹ, có hoang tưởng bị hại và một số triệu chứng tâm thần khác.
Bệnh nhân có chẩn đoán ban đầu là rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng chất gây ảo giác, vì vậy, bệnh nhân được chỉ định làm xét nghiệm hóa sinh và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh.
Kết quả xét nghiệm sàng lọc nhanh phát hiện dương tính với THC (cần sa- marijuana), kết quả xét nghiệm sinh hóa khác có một số biến đổi.
Vì vậy, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng cần sa (Hội chứng nghiện-F12.2) nên được tư vấn điều trị nội trú theo chuyên khoa.
Có thể thấy, sử dụng cần sa, hút thuốc lá điện tử, hay hút bóng cười khiến người sử dụng cảm giác hưng phấn, khoái cảm..., tuy nhiên hủy hoại sức khỏe về lâu dài.
Cần sa ảnh hưởng đến cơ thể ở cả 3 phương diện là não bộ, thể chất, tâm thần. Ở thanh thiếu niên, sử dụng cần sa có thể làm suy giảm chức năng suy nghĩ, trí nhớ, học tập.
Ngoài ra, hành vi này có thể ảnh hưởng hô hấp, tăng nhịp tim, gây buồn nôn, nôn dữ dội.
Còn bóng cười là loại bóng được bơm khí N2O. Khi hít phải loại khí này sẽ khiến cơ thể có cảm giác hưng phấn, mất kiểm soát, gây ảo giác.
Lạm dụng N2O nguy cơ dẫn đến rối loạn thần kinh như co giật, trầm cảm, rối loạn cảm giác, giấc ngủ, liệt vận động, tổn thương thần kinh, theo VnExpress.
Nguyễn Linh(T/h)