Thiếu nữ 18 tuổi sử dụng CMND giả đến các công ty tổ chức sự kiện để thuê tivi, máy ảnh, laptop…rồi mang thẳng đi bán, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.
Báo Thanh Niên đưa tin, chiều 3/7, cơ quan cảnh sát điều tra công an quận 3, TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vừa hoàn tất hồ sơ khởi tố Đặng Thị Thùy Dương (18 tuổi, quê Trà Vinh) để điều tra về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nạn nhân của Dương là các công ty cho thuê các đồ điện tử có giá trị nhưng chỉ cần thanh toán trước một số tiền nhỏ và để lại CMND. Biết được sơ hở này, Dương đã dùng CMND giả đi đặt thuê hàng loạt đồ điện tử rồi mang đi bán lấy tiền.
Nữ quái Đặng Thị Thùy Dương - Ảnh: báo Pháp luật Plus |
Theo báo Công an TP. Hồ Chí Minh, cụ thể, ngày 19/6, Công an quận 3 tiếp nhận tin trình báo của một công ty chuyên cho thuê thiết bị để tổ chức sự kiện. Đại diện công ty này cho biết một người sử dụng giấy CMND tên Bùi Thị Phương Linh (20 tuổi, quê Bình Phước) đã thuê 5 tivi, 3 iPad, 3 laptop, tổng giá trị gần 90 triệu đồng rồi bỏ trốn vào ngày 27/5.
Chiều ngày 19/6, nhân viên của công ty phát hiện cô gái trên nên nhanh chóng trình báo công an để bắt giữ.
Tại trụ sở công an, người này khai nhận tên thật là Đặng Thị Thuỳ Dương. Bản thân Dương không nghề nghiệp ổn định nên đi lừa đảo để có tiền tiêu xài. Số tài sản thuê từ công ty trên, Dương mang đi bán được hơn 27 triệu đồng rồi dùng vào mục đích cá nhân.
Mở rộng điều tra, Dương khai nhận từ ngày 15/4 đến này 22/5, cô đã sử dụng nhiều giấy CMND giả để thuê máy ảnh, tivi, ống kính của 2 công ty rồi mang đi bán gần 60 triệu đồng. Tất cả số tiền này, Dương tiêu xài cá nhân.
Công an đã thu hồi một số tang vật của vụ án để tiếp tục mở rộng điều tra.
Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009) 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
(Tổng hợp)