Các nhà khoa học của phòng nghiên cứu Shinoda thuộc trường Đại học Tokyo, Nhật Bản do Giáo sư Hiroyuki Shinoda đứng đầu, vừa thí nghiệm thành công phát minh thiết bị ứng dụng công nghệ tương tác ảo mang tên HaptoClone. Thiết bị này mang đến cho những người tham gia trải nghiệm có cảm giác như được “sờ” hay “đụng chạm vào nhau”.
Rút ngắn khoảng cách thực
25 năm trước, năm 1990, khi đó Giáo sư Hiroyuki Shinoda đang hoàn thành đồ án tốt nghiệp thạc sĩ, nhưng ông đã ấp ủ một dự án về công nghệ ảo (Haptics) - liên quan tới nhận thức và thao tác của các đối tượng sử dụng các giác quan cảm ứng. Mãi tới năm 2008, Giáo sư Shinoda mới thực sự bắt tay vào nghiên cứu công nghệ haptics.
Ông đã cùng với các cộng sự của mình tại Đại học Rice (Mỹ) tạo ra chiếc găng tay có thể giúp các game thủ cảm nhận được sự tương tác của mình với các đối thủ như ngoài đời thực. Tháng 12- 2008, cùng với sự hợp tác của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Bristol (Anh), Giáo sư Shinoda đã tạo ra những hình ảnh công nghệ 3D có thể “sờ” thấy được bằng việc sử dụng các sóng siêu âm tập trung.
Vừa qua, tại hội thảo thường niên về đồ họa máy tính SIGGRAPH, được tổ chức tại Los Angeles (Mỹ), nhiều khách tham dự hội nghị đã rất kinh ngạc với thiết bị được Giáo sư Hiroyuki Shinoda cùng các đồng nghiệp tại trường Đại học Tokyo mang tới. Thiết bị có tên Hapto Clone sử dụng công nghệ tương tác ảo mang đến cho những người tham gia trải nghiệm có cảm giác chân thật như được “sờ” hay “đụng chạm vào nhau”.
Thoạt nhìn, thiết bị giúp chúng ta rút ngắn khoảng cách và có thể đụng chạm được vào nhau của các nhà khoa học Nhật Bản như một chiếc máy với 2 khối lập phương được đặt cạnh nhau, tương tự như một chiếc máy in 3D đã bị tháo rời. Nó hoạt động dựa trên nguyên lý sử dụng các dải sóng âm hội tụ từ đó mang lại những phản hồi xúc giác chân thật. Thiết bị gồm 1.992 đầu dò sóng siêu âm được lắp đặt theo 2 khối lập phương có chức năng ghi nhớ và tái tạo tất cả các lực khối từ mọi phía. Qua đó, giúp người tham gia trải nghiệm có thể cảm nhận thấy như sờ được bàn tay ở khối lập phương bên kia.
Hình ảnh của quả bóng thật (bên phải) được mô phỏng lại thành một ảnh ảo (bên trái), mỗi tác động vào quả bóng ảo sẽ gây ra những tác động tương tự ở quả bóng thật. |
Bước tiến trong tương lai
Để giúp cho người tham gia trải nghiệm cảm thấy thật hơn, các nhà khoa học đã sử dụng một thủ thuật khác bằng công nghệ Hologram là ghép thêm vào đó một tấm gương giúp phản hồi lại hình ảnh 3D, khiến người trải nghiệm nghĩ rằng mình thật sự thấy vật thể đang chạm vào. “Chiếc máy có 2 khối hộp lập phương được đặt cạnh nhau trông giống như một chiếc máy in 3D được tháo rời. Tôi được hướng dẫn ngồi vào trước một khối hộp như vậy và đưa bàn tay của mình vào trong. Vào khoảnh khắc ấy tôi thấy mình như đang bị ảo giác vậy, tôi có thể cảm nhận được ngón tay đó đang ấn vào bàn tay mình”, một khách tham dự được mời tham gia trải nghiệm ở hội nghị SIGGRAPH chia sẻ cảm xúc.
Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục cho người trải nghiệm sử dụng HaptoClone để tương tác với các đồ vật. Cụ thể, với quả bóng chuyền, thí nghiệm cho thấy, mỗi tác động vào quả bóng ảo mang lại cảm giác điều khiển quả bóng rất thật cho người tham gia trải nghiệm.
Nhược điểm của thiết bị HaptoClone hiện tại là kích thước còn quá lớn và các chi tiết vật lý về các vật tiếp xúc vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục. Tuy nhiên, triển vọng cảm giác chân thật khi chúng ta chạm vào một ảo ảnh quang học mà công nghệ này mang lại là rất khả quan trong tương lai gần.
Ví dụ, nếu công nghệ này được áp dụng vào Facetime hay Skype thì sẽ khiến cả thế giới công nghệ thay đổi lớn. Bởi khi đó, việc chúng ta chat videocall sẽ trở nên thân thiết, gần gũi và thật hơn rất nhiều vì chúng ta có thể “sờ” hay “đụng chạm vào nhau”. “Chúng tôi đang phát triển công nghệ này vì nó có thể giúp tạo ra một giao diện hình ảnh 3D thực tế, đồng thời giúp xóa bỏ những hình ảnh 3D ảo”, Giáo sư Hiroyuki Shinoda cho biết.
Theo báo An ninh Thủ đô
[mecloud]LWn3Pt4z0b[/mecloud]