Chính quyền Berlin vẫn phản đối lời kêu gọi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, cho rằng nền kinh tế Đức và các nước châu Âu khác quá phụ thuộc vào năng lượng của Nga, quốc gia vốn cung cấp 40% nhu cầu khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, bà Lambrecht cho rằng đã đến lúc các bộ trưởng EU lúc này cần phải thảo luận về một lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức Robert Habeck đã nhắc lại lập trường của chính phủ tối cùng ngày trên đài truyền hình ZDF, đồng thời cho biết Đức đang giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng chưa thể từ bỏ hoàn toàn ngay lập tức.
Sức ép để chính phủ đưa ra các biện pháp triệt để hơn đối với Nga ngày càng tăng. Hiện nay, EU đang cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga. Theo Ủy viên Kinh tế EU Paolo Gentiloni, bất kỳ biện pháp trừng phạt bổ sung nào cũng sẽ không ảnh hưởng đến lĩnh vực năng lượng của châu Âu.
Cuối ngày ngày 3/4, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào cho biết trong những ngày tới, các đồng minh phương Tây sẽ nhất quán bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Mỹ và EU đã thảo luận việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Trên thực tế, khác với Mỹ, châu Âu hiện phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Điều đó buộc giới lãnh đạo EU phải cân nhắc thiệt hơn khi tính toán các biện pháp trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU gần đây ở Cung điện Versailles (Pháp), các nước tiêu thụ một lượng lớn khí đốt từ Nga như Đức, Áo, Hungary tiếp tục phản đối việc chặn hoàn toàn nguồn cung từ Nga. Trong khi đó, một số nước Đông Âu như Ba Lan, Latvia kêu gọi EU dừng ngay tức khắc nhập khẩu năng lượng từ Nga.
Do thiếu đồng thuận giữa các nước thành viên, EU đã nhất trí từng bước cắt giảm nhập khẩu năng lượng Nga, chứ không cấm nhập khẩu ngay lập tức. Lấp đầy khoảng trống nguồn cung của Nga là vấn đề khó khăn, không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Thùy Dương (Theo Reuters)