+Aa-
    Zalo

    Dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong suốt chặng đường 70 năm qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn gắn bó máu thịt với nhân dân

    Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong suốt chặng đường 70 năm qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ đã trở thành nguyên tắc, phương châm hoạt động của lực lượng CAND.


    Nhân kỷ niệm 10 năm "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” (2005-2015), Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết: “Khơi dậy và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

    Kế thừa truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của dân tộc và quán triệt những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng nói chung, công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng.

    Từ thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã rút ra bài học kinh nghiệm lớn là: “Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân”.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”[1] và dặn dò cán bộ, chiến sĩ công an: “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”[2].

    Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong suốt chặng đường 70 năm qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) luôn gắn bó máu thịt với nhân dân; dựa vào nhân dân để thực hiện nhiệm vụ đã trở thành nguyên tắc, phương châm hoạt động của lực lượng CAND. Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những nội dung cơ bản, chiến lược của biện pháp vận động quần chúng, làm nền tảng cho các biện pháp khác và toàn bộ hoạt động của lực lượng CAND; đồng thời, là điều kiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

    Trong các thời kỳ cách mạng, lực lượng CAND luôn phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội tham mưu với Đảng, Nhà nước lãnh đạo, tổ chức nhiều hình thức tập hợp nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự thành các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước, mang lại sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước.

    Đó là Cuộc vận động “Ba không”, “Ngũ liên gia bảo”... trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp; phong trào “Bảo mật phòng gian”, “Bảo vệ trị an”, “Phòng gian, phòng hỏa, phòng tai nạn”... trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là “Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” và nay là “Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

    Kể từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục chú trọng công tác vận động và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, coi đây là công tác trọng tâm có tính chiến lược của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự nói riêng. Ngày 13/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 521/QĐ-TTg, lấy ngày 19/8 hằng năm là “Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Hằng năm, đây cũng là dịp biểu dương sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

    Trong 10 năm qua, Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã có bước phát triển mới, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Thông qua Ngày Hội, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lồng ghép, gắn kết với nhiều phong trào, cuộc vận động cách mạng khác, như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Xây dựng nông thôn mới”..., tạo sức hút, lan tỏa mạnh mẽ và đem lại hiệu quả thiết thực.

    Toàn quốc đã có 3.816 xã, phường, thị trấn không có người nghiện ma túy, 11.319 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 11.363 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 10.986 tổ hòa giải, trên 9 triệu hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 41.487 thôn, xóm và 30.866 cơ quan đạt chuẩn văn hóa.

    Từ gia đình, thôn, xóm, đến xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể, trường học…, đã xuất hiện trên 700 mô hình quần chúng tự nguyện, tự quản bảo vệ an ninh, trật tự theo cơ chế “dân tổ chức, dân tự quản lý, dân thực hiện, dân nuôi”, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý của chính quyền và Công an tham mưu, hướng dẫn thực hiện. Điển hình là các mô hình “Cụm liên kết bảo vệ an ninh, trật tự”; “Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi ở cộng đồng dân cư”; “Tổ liên gia tự quản”; “Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự”; “Xã an toàn về an ninh, trật tự”; “Gia đình, khu dân cư, cơ quan, trường học an toàn về an ninh, trật tự”…

    Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được nhân rộng, nhiều vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự được kịp thời phát hiện, giải quyết ổn định ngay từ đầu và tại cơ sở. Quần chúng nhân dân đã cung cấp hàng chục triệu tin có liên quan đến an ninh, trật tự, trong đó hầu hết là tin có giá trị, giúp các cơ quan chức năng phát hiện, điều tra, xử lý nhiều vụ án nghiêm trọng.

    Điển hình là các vụ cướp tiệm vàng ở Phố Sàn, Lục Ngạn (Bắc Giang) năm 2011; vụ bắt cóc cháu bé ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2011; vụ “Tàng Kengnam” mua bán 2.000 bánh heroin cùng số lượng lớn ma túy tổng hợp; gần đây nhất là các vụ án giết người dã mang ở Bình Phước, Nghệ an, Yên Bái và nhiều vụ án, tệ nạn xã hội khác.

    Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng, tinh thần làm chủ trên mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

    Từ thực tiễn tổ chức thực hiện “Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, rút ra các bài học kinh nghiệm sau:

    Việc tổ chức Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực tế cho thấy nơi nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an làm nòng cốt, có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể thì ở nơi đó Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển mạnh mẽ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng cao.

    Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng CAND làm nòng cốt. Đẩy mạnh xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho quần chúng nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, góp phần xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, bảo đảm giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

    Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được triển khai thực hiện ở cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp theo hướng xã hội hóa phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng địa bàn thôn, xóm, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học.

    Phát huy vai trò nòng cốt, tham mưu, hướng dẫn của lực lượng CAND trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và  bảo đảm an ninh, trật tự. Thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chính trị, nghiệp vụ, pháp luật của lực lượng Công an xã, Bảo vệ dân phố, Bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và thúc đẩy phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

    Sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân là nhân tố quyết định thắng lợi của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

    Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày càng phát triển sâu rộng, khơi dậy và phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân trong Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an các đơn vị, địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số công tác trọng tâm sau:

    Tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và ý nghĩa của Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, coi đây là công tác cơ bản, thường xuyên để xây dựng nền an ninh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

    Mỗi cán bộ, đảng viên phải đi sâu, đi sát, thực sự thấu hiểu lòng dân, tích cực, tự giác tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân bằng vai trò đầu tàu, gương mẫu của bản thân, gia đình trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

    Kết hợp chặt chẽ việc tổ chức Ngày Hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cùng khí thế “Thi đua học tập đuổi kịp và vượt điển hình tiên tiến” trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;  với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Xóa đói, giảm nghèo”... và các phong trào thi đua yêu nước khác, tạo động lực mạnh mẽ trong đấu tranh trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

    Chú trọng phối hợp phát triển và nâng cao chất lượng các hình thức tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải từ gia đình đến cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường. Xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.

    Tập trung tuyên truyền nâng cao lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức cảnh giác cách mạng; tích cực tham gia đấu tranh với các luận điệu sai trái, xuyên tạc, âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, tệ nạn xã hội để có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh kịp thời, hiệu quả.

    Thường xuyên tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt, những kinh nghiệm hay trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu. Việc tổ chức Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần được duy trì thường xuyên, hướng về cơ sở để đông đảo nhân dân được trực tiếp tham dự, bảo đảm hợp lòng dân, vừa sức dân, đáp ứng lợi ích và yêu cầu nâng cao đời sống nhân dân.

    Chủ động tham mưu kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tập trung, thống nhất; hoạt động của phong trào cần được lồng ghép với việc thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành và gắn với các cuộc vận động, phong trào cách mạng khác và các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

    Tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa CAND và Quân đội nhân dân và các ban, ngành, đoàn thể; giữa lực lượng công an xã, phường với lực lượng dân quân, tự vệ, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

    Tích cực đóng góp xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát huy vai trò bí thư chi bộ, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, trưởng các thôn, xóm, già làng, trưởng bản; bồi dưỡng, khơi dậy lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư làm hạt nhân, làm chỗ dựa của nhân dân trong xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

    Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém trong quá trình tổ chức thực hiện, động viên khen thưởng thích đáng những tập thể, cá nhân tiên tiến; thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người bị thương, hy sinh, bị thiệt hại về tài sản trong khi tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

    Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, nhất là những cán bộ làm công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, chuyên môn nghiệp vụ, ý thức văn hóa, xã hội, phấn đấu là cán bộ dân vận giỏi, lấy mục tiêu phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là nhiệm vụ chính trị và mục đích phấn đấu cao cả của mình, tô đẹp thêm hình ảnh nhân văn, trách nhiệm, thân thiện của người chiến sĩ Công an nhân dân trong lòng nhân dân.         

    Theo Chinhphu.vn

    Xem thêm video:

    [mecloud]rfLK8dx03M[/mecloud]                        

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-vao-nhan-dan-de-thuc-hien-nhiem-vu-a106944.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.