+Aa-
    Zalo

    Đưa Chi Pu vào đề thi học kỳ: Giáo viên giải thích như thế nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến việc đưa Chi Pu vào đề thi môn Ngữ Văn Trường THPT Hạ Hòa, đại diện phía Nhà trường đã lên tiếng giải thích.

    Liên quan đến việc đưa Chi Pu vào đề thi môn Ngữ Văn Trường THPT Hạ Hòa, đại diện phía Nhà trường đã lên tiếng giải thích.

    Theo đó, cô Nguyễn Thị Hồng Nhung - Tổ trưởng bộ môn ngữ văn Trường THPT Hạ Hòa, người trực tiếp tham gia vào tổ ra đề thi học kỳ 1 môn ngữ văn với câu hỏi 7 điểm liên quan đến ca sĩ Chi Pu cho hay, đưa Chi Pu vào đề thi bởi muốn học sinh đặt mình vào hoàn cảnh của cô ca sĩ đang bị giới văn nghệ sĩ miệt thị, ném đá nhưng vẫn không chịu lùi bước, vẫn cố gắng thực hiện niềm đam mê của mình.

    Theo cô Nhung, việc ra đề thi căn cứ vào quy trình, cấu trúc ma trận trước khi ra đề kiểm tra. Hơn nữa lớp trong chương trình học văn của lớp 10 có dạng bài văn tự sự nên việc ra đề làm sao đó để học sinh hóa thân vào nhân vật.

    Mặt khác, phần lớn người đọc không hiểu và không phân biệt rõ nên đã dẫn đến sự hiểu lầm. Thực tế đây không phải là văn nghị luận hay cho theo dạng đề mở mà là văn tự sự, cần thiết nội dung phải bám sát vào đời sống xã hội đương đại. Với mỗi một đề kiểm tra đều phải xác định mục tiêu và năng lực cần hướng tới. Mục tiêu gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ của học sinh. Trước khi một đề thi được sử dụng vào kiểm tra, phải trải qua một hội đồng và tham khảo ý kiến của một nhóm.

    Việc đưa Chi Pu vào đề thi vì đây là một người trẻ tuổi, đang khao khát đánh dấu tên tuổi, sự nghiệp của mình bằng lao động nghệ thuật nhưng chưa được những người đã thành công nhìn nhận. Vì vậy, mục đích của đề bài muốn học sinh hãy hóa thân vào nhân vật để kể lại một ngày trong tình thế đối diện với hoàn cảnh nêu trên - cô Nhung giải thích thêm.

    Đề kiểm tra học kỳ môn Ngữ văn lớp 10 của trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ).

    Trước đó, như thông tin ban đầu đã đưa, đề thi Ngữ văn lớp 10 của Trường THPT Hạ Hòa (Phú Thọ) gặp phải những ý kiến bình luận trái chiều từ dư luận khi đưa Chi Pu vào.

    Cụ thể, trong câu hỏi số 2 (7 điểm) có yêu cầu:

    "Chi Pu tên thật là Nguyễn Thùy Chi, cô bắt đầu nổi danh từ cuộc thi Miss teen năm 2009, hiện là một hot girl được nhiều bạn trẻ yêu thích. Tháng 10 vừa rồi, Chi Pu tung MV Từ hôm nay đánh dấu chuyển mình trở thành ca sĩ. Ngay lập tức, cô vấp phải nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Hương Tràm là người đầu tiên đưa ra quan điểm mạnh mẽ: 'Không biết hát thì đừng mang nghề ca sĩ ra để kiếm tiền'. Tóc Tiên, Thanh Lam, Thu Minh, Quốc Thiên, Văn Mai Hương... cũng có cùng quan điểm. Không chỉ vậy, ảnh chế về cô xuất hiện ở khắp nơi. Những đoạn clip xuyên tạc thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

    Mặc cho dư luận 'ném đá', giọng ca 'Từ hôm nay' cho biết cô không bị ảnh hưởng nhiều bởi điều này. Hiện, cô vẫn tập luyện thanh nhạc để chứng minh con đường mình chọn là đúng, mỗi tháng cô sẽ cho ra mắt một MV.

    Hãy hóa thân vào Chi Pu, viết một bài văn tự sự có sử dụng yếu tố biểu cảm kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay".

    Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ (TS) văn học Phạm Hữu Cường - người có nhiều năm kinh nghiệm dạy và ôn luyện môn Ngữ văn cho học sinh phổ thông tại Hà Nội cho biết, ông thực sự khá bất ngờ về đề thi này.

    Theo ông, việc đề kiểm tra môn Văn liên quan đến Chi Pu cũng có những ưu điểm nhất định. Nó giúp cho học sinh có khả năng hóa thân, tưởng tượng vào nhân vật để bày tỏ quan điểm và suy nghĩ riêng của mình, kích thích khả năng sáng tạo của các em. Thứ hai, nó có thể hướng các em ít nhiều đến việc quan tâm đến các vấn đề thời sự của đời sống xã hội hoặc những hiện tượng tương đối gần gũi với tuổi học trò các em.

    Tuy nhiên, TS Phạm Hữu Cường cũng cho rằng về mặt sư phạm cũng như về chuyên môn, đề thi này còn nhiều hạn chế:

    "Thứ nhất, tính giáo dục không cao, không tốt, nhất là khi liên quan đến việc các nghệ sĩ 'ném đá' nhau. Do đó, nó có tác động không tốt về mặt giáo dục với các em. Thứ hai, không nên để các em học sinh quan tâm đến những lùm xùm trong giới showbiz vì không phù hợp với lứa tuổi của các em. Ngoài ra, việc ra đề thi môn Văn, ngoài kích thích được trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của các em, về mặt giáo dục cũng như tính sư phạm, chúng ta hoàn toàn có thể ra những đề Văn với các hiện tượng tích cực hơn của đời sống.

    Tóm lại theo tôi, không nên ra những dạng đề như vậy bởi ngoài tầm suy nghĩ của các em và tính giáo dục không cao.

    Mỹ An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-chi-pu-vao-de-thi-hoc-ky-giao-vien-giai-thich-nhu-the-nao-a213131.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan