+Aa-
    Zalo

    Đưa các tác phẩm văn học "bom tấn" lên màn ảnh rộng: Ái ngại nỗi lo "phá nát" tác phẩm kinh điển

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, nhiều dự án phim điện ảnh chuyển thể từ văn học đã và đang thực hiện mang đến công chúng nhiều kỳ vọng.

    Thời gian gần đây, nhiều dự án phim điện ảnh chuyển thể từ văn học đã và đang thực hiện mang đến công chúng nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên với ê-kíp sản xuất lại là thách thức lớn đi theo hướng minh họa tác phẩm hay dựa vào tác phẩm đó để sáng tạo. Nhiều người cho rằng, “làm mới” như vậy sẽ làm tăng giá trị hay cách làm không phù hợp, chưa đủ tầm sẽ làm “méo mó” các tác phẩm văn học kinh điển bấy lâu nay?

    Các đoàn phim nên hỏi các nhà Sử học…

    Sau năm 2020 ảm đạm do dịch Covid-19, điện ảnh nước nhà đang hứa hẹn sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2021 với các “bom tấn” văn học được đưa lên màn ảnh rộng. Có thể kể đến như: Kiều là bộ phim điện ảnh được chuyển thể từ truyện thơ Truyện Kiều (hay Đoạn trường tân thanh) của đại thi hào Nguyễn Du do Mai Thu Huyền làm đạo diễn. Lão Hạc - truyện ngắn do cố nhà văn Nam Cao sáng tác là tác phẩm văn học được nhiều người biết đến và được đưa vào chương trình giảng dạy môn Ngữ văn phổ thông.

    Cũng chính điều này đã khiến Cậu Vàng - dự án điện ảnh lấy cảm hứng từ truyện ngắn này thu hút không ít sự quan tâm, chú ý của truyền thông và khán giả. Kịch bản Cậu Vàng do cố NSND Bùi Cường chắp bút, song ông đã đột ngột qua đời vào năm 2018 và con rể ông - đạo diễn Trần Vũ Thủy sẽ là người tiếp nối hành trình mang bộ phim lên màn ảnh rộng.

    Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của tác giả Nguyễn Nhật Ánh được đánh giá cao.

    Số đỏ là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Vũ Trọng Phụng cũng như dòng văn hiện thực phê phán Việt Nam những năm 30-45. Tác phẩm này sẽ được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đưa lên màn ảnh rộng vào năm tới. Tuy nhiên,còn đó những nỗi lo và băn khoăn.

    Chia sẻ với PV ĐS&PL, đạo diễn Trần Vũ Thuỷ cho hay: “Phim Cậu Vàng đang ở trong phần hậu kỳ và sẽ ra mắt trong thời gian tới. Với việc làm phim điện ảnh từ các tác phẩm Văn học thì chúng tôi thận trọng hơn rất nhiều. Vì khán giả đã được đọc tác phẩm nên nếu làm không khéo sẽ bị nhạt
    và bị chê. ngay từ hồi casting diễn viên cho phim, chúng tôi đã bị khán giả phản ứng vì đã chọn chú chó giống Shiba Inu của Nhật vào vai chính thay vì chó thuần Việt.

    Nhưng nhiều người không biết rằng, trong hai năm qua, chúng tôi đã gửi hai chú chó thuần Việt vào các trung tâm huấn luyện để chuẩn bị cho vai diễn. Nhưng sau quá trình huấn luyện cả hai đều không đáp ứng được nhiều kỹ thuật khó của vai do thiên tính xã hội chó Việt thường quen lối sống tự nhiên. Phim đã gần xong, và chúng tôi thấy rằng, lựa chọn của mình là đúng...”.

    Nhà sản xuất phim Phạm Phương cũng bày tỏ: “Nhiều người có hỏi rằng, vậy khi làm phim ở thời hiện đại như vậy, có làm “méo mó” các hình tượng văn học không? Tôi cho rằng, mỗi đoàn làm phim có cách làm khác nhau, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng xây dựng một hình tượng đẹp, mang nét đặc trưng của điện ảnh”.

    Áp lực doanh thu phòng vé

    Nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm cho hay: “Chuyển thể phim từ các tác phẩm văn học khó lắm, vì tác phẩm nổi tiếng nhiều người biết, nên người xem sẽ “xét nét”, sẽ soi bộ phim đó thế nào. Người ta đang kêu thiếu kịch bản phim điện ảnh, thì việc làm phim dựa trên các tác phẩm điện ảnh cũng hay đấy chứ. Có điều, phải làm sao cho hay. Ngoài thử thách diễn viên, phim chuyển thể từ văn học còn khó khăn ở bối cảnh. Bởi mốc thời gian càng lùi xa, càng phải dựng bối cảnh phù hợp, tốn nhiều chi phí.

    Tốn nhiều kinh phí, vất vả trong dàn dựng nhưng phim chuyển thể từ văn học còn phải đối mặt với hiệu quả doanh thu phòng vé. Ngoài những người say mê tác phẩm gốc, tò mò đi xem tác phẩm văn học quen thuộc lên phim, phim chuyển thể này khó thu hút số đông khán giả trẻ, đối tượng thường xuyên đến rạp vì khoảng cách thế hệ, không dễ đồng cảm”.

    Nhiều nhà làm phim có tâm lý “được ăn cả ngã về không”

    Chia sẻ về làm phim Kiều, đạo diễn – nhà sản xuất Mai Thu Huyền cho hay: “Cũng như nhiều tác phẩm ballet, múa rối,nhạc kịch về nhân vật Thúy Kiều, phim Kiều do tôi đạo diễn là tác phẩm phái sinh, không phải bản sao từ Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du hay từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của tác giả Thanh Tâm Tài Nhân.

    Với thời lượng khoảng 90 phút và ước vọng cao nhất của chúng tôi là làm ra một bộ phim thuần Việt, dành cho khán giả Việt, bộ phim được xây dựng dựa trên việc chắt lọc những chi tiết đắt giá
    và phù hợp ngôn ngữ điện ảnh trong Truyện Kiều. Mục tiêu của tôi cùng e-kíp là tạo nên tác phẩm điện ảnh thuần Việt. Do đó, bối cảnh và phục trang trong phim được thiết kế theo phong cách Việt Nam, thay vì dựa theo xuất thân của nhân vật trong Kim Vân Kiều truyện. Chúng tôi lựa chọn không xác định thời gian, không gian cụ thể trong phim”.

    Phim Mắt biếc sau khi ra rạp đạt doanh thu 172 tỷ đồng. 

    Lý giải những tranh cãi về tấm biển Lạc Uyển Lâu xuất hiện trong phim Kiều, vì nhiều người cho rằng ở thời đại của nàng Kiều, chữ quốc ngữ chưa xuất hiện, nên việc dùng chữ Latin không phù hợp, Mai Thu Huyền cho biết: “Đoàn phim đã chuẩn bị hai phương án biển hiệu với chữ Latin và chữ Nôm. Nhưng để phục vụ tính đại chúng, giúp khán giả hiểu được ý nghĩa của dòng chữ trên biển hiệu, tôi lựa chọn tấm biển khắc chữ Latin đưa vào teaser đầu tiên của phim. Tôi trân trọng và tiếp thu góp ý của cộng đồng mạng, tôi đang cân nhắc phương án chỉnh sửa đối với bản phim hoàn chỉnh”.

    Liên quan đến vấn đề này, nhà biên kịch Lê Ngọc cho hay: “Làm phim Văn học – Lịch sử khó lắm,
    không phải ai làm cũng thành công. Có những người làm xong và “phá nát” các tác phẩm văn học, vì dở quá. Vì thế những thể loại phim này, cần có ý kiến của các chuyên gia, những người có chuyên môn tốt về phim ảnh, về lịch sử điện ảnh. Nên tham khảo các ý kiến của các nhà Sử học. Nhiều nhà làm phim điện ảnh có tâm lý “được ăn cả ngã về không”, dốc hết tiền cá nhân ra để làm những nếu bị chê, bị tẩy chay thì tiếc quá. Vì vậy, làm phim nên có những bước đi hợp lý, an toàn, đừng làm cho có rồi lại trắng tay”.

    Đang nhận sự quan tâm đặc biệt khi làm phim Số đỏ, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết, anh cũng có nhiều áp lực khi làm phim từ tác phẩm Văn học. “Từ thời đi học, tôi đã thích tác phẩm này của nhà văn Vũ Trọng Phụng rồi. Tôi quyết định làm phim Số đỏ vì thấy rằng, Điện ảnh Việt Nam trong thời gian dài thiếu vắng những phim trào phúng, dòng phim tôi rất yêu thích. Chính vì thế, tôi rất háo hức khi được chuyển thể tiểu thuyết Số đỏ lên màn ảnh. Tôi cũng muốn thử thách bản thân khi tái hiện lại xã hội Việt Nam những năm 1930 với sắc thái độc đáo. Do đó, ê-kíp đã tìm hiểu rất nhiều về thời kỳ lịch sự đó như về trang phục, bối cảnh...”.

    "Bà Nghiêm Thị Phương Hằng, cháu gái út của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, cũng nhìn nhận việc chuyển thể Số đỏ lên màn ảnh rộng có ý nghĩa đặc biệt với gia đình. Bởi việc được tái hiện nhiều lần trên cả sân khấu cũng như màn ảnh cho thấy giá trị và sức sống mãnh liệt của tiểu thuyết, cũng như giúp tác phẩm đến gần hơn với thế hệ sau".

    Lạc Thành

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Tư (165)
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dua-cac-tac-pham-van-hoc-bom-tan-len-man-anh-rong-ai-ngai-noi-lo-pha-nat-tac-pham-kinh-dien-a342847.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan