Cuộc họp lần thứ 2 bất ngờ giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc trong cuộc đàm phán.
Hôm qua (8/5), ông Tập Cận Bình đã gặp ông Kim Jong-un ở Đại Liên, một thành phố ven biển ở tỉnh Liêu Ninh, phía Đông Bắc Trung Quốc giáp với Triều Tiên. Trước đó, vào cuối tháng 3, 2 nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Bắc Kinh - chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Kim với vai trò người đứng đầu đất nước – diễn ra trước khi ông tham gia hội nghị thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Trong lần gặp thứ 2, ông Tập ca ngợi “tiến bộ tích cực” trên cả quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên và tình hình phát triển trên bán đảo phát triển. “Tôi cảm thấy hạnh phúc về điều đó”, truyền thông Trung Quốc dẫn lời ông Tập cho hay.
Ông Tập và ông Kim gặp nhau ở Đại Liên. Ảnh: SCMP |
Cuộc thảo luận giữa 2 miền Triều Tiên dường như đã mở ra một chuỗi các cuộc họp tiềm năng có thể dẫn đến việc giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên, các nhà phân tích Mỹ nhận định. Victor Cha, cựu Giám đốc về vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ (NSC) dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói với tờ SCMP rằng cuộc họp giữa ông Kim và ông Moon có thể dẫn đến "một loạt các hội nghị thượng đỉnh".
Vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 tới, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nếu mọi việc tiến triển tốt, một cuộc họp 3 bên khác có sự tham gia của cả Hàn Quốc cũng sẽ diễn ra.
"Nhiều hội nghị có nghĩa là họ đang nói chuyện", Joseph Yun, cựu đại diện đặc biệt cho chính sách Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã lãnh đạo các cuộc ngoại giao trực tiếp của Mỹ với Bình Nhưỡng trước khi nghỉ hưu đánh giá. Ông Yun nói rằng các cuộc họp như vậy là một "phát triển tốt" đối với các cuộc đàm phán của quá trình phi hạt nhân hóa.
"Chúng tôi không muốn quay trở lại với một lựa chọn quân sự”, ông Yun nói thêm.
Một hội nghị 3 bên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ có thể được tổ chức trong tương lai. Ảnh: Telegraph |
Trong một bài đăng Twitter hôm 8/5, ông Trump cho biết "mối quan hệ và niềm tin đang được xây dựng" trên các vấn đề của Triều Tiên. Sau đó, sau khi ông điện đàm với ông Tập Cận Bình, Nhà Trắng báo cáo rằng "Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đồng ý về tầm quan trọng của việc tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên cho đến khi họ vĩnh viễn từ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa".
Các nhà phân tích Mỹ đồng ý rằng Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên có thể tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán song phương bào giữa 2 miền bán đảo hoặc giữa Washington với Bình Nhưỡng, nhưng đó phải là một cuộc đàm phán chi tiết.
“Nếu chúng ta đạt được sự phi hạt nhân hóa thì người Trung Quốc cần đóng một vai trò ở đó”, ông Cha nói với SCMP, thêm rằng Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng với tư cách là một người ủng hộ Triều Tiên. "Ông Kim đã đến Bắc Kinh với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ Bình Nhưỡng", nhà phân tích bổ sung.
Trong khi đó, ông Michael Green, người phụ trách vấn đề Châu Á và Nhật Bản tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đồng ý rằng sự tham gia của Trung Quốc sẽ cần thiết trong bất kỳ cuộc thảo luận chi tiết nào về việc phi hạt nhân hóa. Hơn nữa, ông Green cho biết, Trung Quốc sẽ coi bất kỳ tiến bộ về hòa bình nào ở bán đảo Triều Tiên như một điểm cộng chiến lược vì sự tiến bộ như vậy sẽ làm suy yếu liên minh quân sự giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
"Vai trò của Trung Quốc sẽ càng trở nên quan trọng hơn", ông Green nói. Tuy nhiên hiện tại, Mỹ không tin rằng sự tham gia của Trung Quốc là cần thiết đối với bất kỳ thỏa thuận nào với Triều Tiên. "Chính quyền ông Trump nghĩ rằng họ có đủ đòn bẩy", ông Green khẳng định.
Cũng trong một thông báo hôm 8/5, Tổng thống Trump xác nhận Ngoại trưởng Mike Pompeo đã hướng đến Bình Nhưỡng để giúp chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh giữa 2 nhà lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên. Theo một bản ghi chép của Bộ Ngoại giao, ông hy vọng củng cố chương trình hội nghị thượng đỉnh và đặt ra một "điều kiện" cho cuộc đàm phán hạt nhân.
PHƯƠNG PHƯƠNG(Theo SCMP)