Theo Feidian Video, cô gái họ Tian ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) vừa bị một bệnh viện răng hàm mặt sa thải sau khi kết thúc thời gian thử việc 3 tháng, chức vụ của cô tại đây không được tiết lộ.
Tian cho biết bản thân bị sa thải do “quá béo” và bệnh viện không thể tìm được bộ đồng phục nào phù hợp với vóc dáng của cô. Tuy nhiên, một nam đồng nghiệp của Tian đã được giữ lại dù cũng sở hữu thân hình ngoại cỡ.
Trong đoạn ghi âm do Tian ghi lại và đăng tải lên mạng, cô đang thảo luận về việc chấm dứt hợp đồng với một nhân viên tại bệnh viện.
“Có phải tôi bị sa thải vì quá béo, không mặc vừa đồng phục không?”, Tian hỏi nhân viên.
Nhân viên kia đáp lời: “Đó không hẳn là lý do. Nguyên nhân thứ 2 dẫn đến quyết định này là bạn thường xuyên vào làm muộn hơn quy định”.
“Tôi béo suốt nhiều năm rồi nhưng tôi chưa bao giờ bị phân biệt đối xử vì điều đó”, cô gái vặn lại.
Nhân viên bệnh viện lập tức khẳng định: “Không, chúng tôi không có bất cứ thành kiến nào đối với bạn cả”.
Người này cũng cho biết thêm, bệnh viện đã tìm một nhà may mới nhằm đáp ứng nhu cầu trang phục của Tian. Tuy nhiên, nhà may mới cũng không thể sản xuất đồng phục phù hợp với vóc dáng cô.
“Chúng tôi thực sự không thể tìm được nhà may nào phù hợp”, nhân viên bệnh viện cho hay.
Trong khi đó, Tian chia sẻ khi vào bệnh viện làm hồi tháng 11/2022, cô không nhận được thông báo về quy định liên quan đến đồng phục, cũng như vóc dáng.
Đồng thời, cô cho rằng bản thân đang bị phân biệt đối xử, khi nam đồng nghiệp kia được thỏa thuận ký hợp đồng nếu đảm bảo giảm cân xuống dưới 90kg trước khi kết thúc thời gian thử việc.
Sau khi được đăng tải, đoạn video của Tian nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội xứ Trung, không ít người cũng cho rằng Tian mất việc do bị phân biệt đối xử.
“Tại sao bệnh viện không cho cô ấy nghỉ làm từ 1, 2 tháng trước?”, một cư dân mạng thắc mắc.
Một người khác bình luận: “Đồng phục là ‘một trong những lý do’ nhưng nghe có vẻ không thuyết phục”.
Theo South China Morning Post, những câu chuyện về phân biệt đối xử trong công việc tại đất nước tỷ dân đang trở nên phổ biến hơn khi các lao động trẻ ngày càng không chấp nhận việc bị đối xử tồi tệ.
Hồi cuối năm 2022, một người phụ nữ ở Thâm Quyến (Trung Quốc) đã từ bỏ vị trí chuyên gia truyền thông ngay từ ngày đầu nhận việc sau khi bị buộc phải dọn dẹp nhà vệ sinh.
Trước đó, vào tháng 7/2022, một người phụ nữ ở Thành Đô (Trung Quốc) bị xúc phạm trong một cuộc phỏng vấn xin việc sau khi cố gắng thương lượng về mức lương và các điều kiện của mình.
Đinh Kim(Theo SCMP)