Ước tính ban đầu, trong vòng ba tháng tới, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Covid-19 gây ra có thể làm ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 5,9 - 7,7 tỷ USD. Trước khó khăn này, nhiều người trong ngành cho rằng nên bình tĩnh, đoàn kết và cùng nhau cải tổ để sẵn sàng bứt phá.
Dịch bệnh “nóng”, du lịch “đóng băng”
Tại TP.HCM, hàng ngàn hướng dẫn viên đang trong tình trạng không có việc làm vì khách nội địa và quốc tế hủy tour. Nhiều công ty lữ hành cũng gần như phải “đóng băng” hoạt động kinh doanh, có làm việc cũng chỉ là để tập trung giải quyết chuyện hủy tour, hoãn dịch vụ do dịch bệnh gây ra. Đại diện công ty Du lịch Việt cho biết, tính đến hết tháng 3, doanh nghiệp này phải hủy gần 200 đoàn khách du lịch tới Trung Quốc. Trong khi đó, tour đi châu Âu đang mùa thấp điểm, không có khách. Còn với tour đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... lượng khách giảm cũng 60% so với năm ngoái. Thậm chí với các tour nội địa, khách đã chuyển tiền nhưng vẫn hủy nên doanh thu ngày càng thấp.
Ngay lập tức, các công ty vận chuyển hành khách, cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch cũng rơi vào cảnh ế ẩm. Công ty vận chuyển và du lịch Saco sở hữu 88 ô tô các loại, chủ yếu xe 45 chỗ, chuyên cung cấp phương tiện cho các hãng lữ hành phục vụ du khách quốc tế nhưng cũng “tê liệt” từ sau Tết Nguyên đán. Một trong những cơ sở lưu trú hạng sang của TP.HCM là khách sạn Viễn Đông cũng không có khách đặt phòng mới, hàng loạt đơn đặt phòng trước đó đã hủy.
Các năm vào tháng 2 - 3, công suất phòng tại đây đã đạt 50% và duy trì tăng trưởng đến cuối tháng, đạt 80 – 85%. Nhưng nay, số lượng đặt phòng đã giảm 40% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thiệt hại nặng hơn là các dịch vụ ăn uống, phòng cho thuê hội nghị, đám tiệc với ước tính giảm 70% so cùng kỳ. Khách sạn có tổng cộng 5 phòng họp lớn nhỏ nhưng gần như để trống hoàn toàn. Các công ty hạn chế thuê phòng họp và tổ chức tiệc tùng. Các nhà hàng trong khách sạn chủ yếu phục vụ ăn sáng, mất hết các đoàn khách ăn trưa, tối và tiệc. Các công ty kinh doanh du lịch cho hay, khó khăn có thể kéo dài nhưng hiện nay chưa tính đến chuyện sa thải nhân viên. Bởi, đến lúc du lịch phục hồi, có thể còn thiệt hại lớn hơn vì không có người làm việc.
Bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó giám đốc sở Du lịch TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch hồi phục thị trường sau khi dịch bệnh đi qua. Hiện nay, sở Du lịch TP đang thống kê các thiệt hại xảy ra với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn. Mục tiêu hiện nay là hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh Covid-19 qua đường du lịch, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp lây nhiễm đối với khách du lịch, tránh để TP.HCM thành điểm nóng của dịch”. Còn tại TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đến thời điểm hiện tại khoảng 10.000 phòng khách sạn được đặt từ đầu tháng 2 đến đầu tháng 3/2020 đã bị hủy, chủ yếu ở phân khúc khách sạn 1-2 sao, các homestay, nhà nghỉ bình dân...
Nhiều chủ khách sạn ở trung tâm TP.Đà Lạt, nơi thường xuyên kín phòng cho hay, công suất phòng còn đạt 30%, không đạt để vận hành cơ sở. Qua thống kê sơ bộ, hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng trình bày, 70% khách quốc tế đã hủy, dời tour đến Đà Lạt trong tháng 2/2020 và chưa xác định đặt tour mới. Bên cạnh đó, 80% tour trong nước đến Đà Lạt cũng hủy.
Tìm cơ hội trong gian khó
Theo một số chuyên gia, dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại sự phát triển của ngành.
PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: “Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến các doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và mọi người dân đều mong muốn dịch bệnh qua đi sớm để hoạt động trở lại bình thường, vì đây chính là thời kỳ cao điểm khách quốc tế và khách nội địa đi tour. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận, Việt Nam, Thái Lan và một số nước đã lệ thuộc quá nhiều vào thị trường khách du lịch Trung Quốc. Thời điểm này, các công ty du lịch nên tìm cách vượt khó bằng vươn tới thị trường khác. Bên cạnh nguồn Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tỉ lệ 75% du khách), các doanh nghiệp nên nghĩ đến thị trường xa hơn như châu Âu, châu Mỹ, Bắc Mỹ, Australia... để xây dựng sản phẩm du lịch”.
Bên cạnh đó, với hơn 3.000 doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ), thời điểm này là cơ hội đào thải, chọn lọc lại những công ty có “sức đề kháng” kém. Đây cũng là thời gian giúp các doanh nghiệp tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, nghiên cứu các thị trường mới, tập trung bồi dưỡng, tập huấn nâng cao các kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên,... thay vì đợi đến mùa thấp điểm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục Trưởng tổng cục Du lịch chia sẻ: “Không đợi đến dịch Covid-19 mà chúng tôi đã nhìn thấy những thách thức là lượng khách quốc tế đang tập trung vào một số thị trường chính. Ngay từ cuối năm 2019, ngành du lịch đã thảo luận triển khai một số giải pháp quyết liệt cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường. Trong đó, chúng tôi hướng đến những thị trường nhiều tiềm năng, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng con số tuyệt đối chưa cao. Như khách Ấn Độ năm 2019 tăng khoảng 27%, khoảng 200.000 lượt khách. Tổng cục đang kỳ vọng việc khai trương đường bay thẳng giữa hai nước sẽ đẩy lượng khách tăng cao. Ngoài ra là khách đến từ các nước Hồi giáo, khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, chúng ta phải chuẩn bị, như món ăn, nhà hàng dành cho người Hồi giáo hay các cửa hàng bán hàng hóa, thậm chí cả cung cách phục vụ tại các cơ sở lưu trú, địa điểm du lịch”.
Trong tương lai, ngành du lịch cũng có thể đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, triển khai cấp visa tại cửa khẩu. Các điểm tham quan trong nước có thể giảm giá, miễn phí từ 1-2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch. Đồng thời, phát triển du lịch nội địa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, song song với thu hút du khách quốc tế.
Những dự báo Tổng cục Du lịch ước tính, thiệt hại trong 3 tháng tới của ngành là rất lớn. Cơ quan này dựa vào số liệu chi tiêu bình quân của khách du lịch và lượng khách sụt giảm (ước tính) để dự báo ngành du lịch có thể thiệt hại từ 5,9 – 7,7 tỷ USD. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm từ 3,7 - 4,7 triệu lượt. Cụ thể, thị trường Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lượng khách có thể giảm từ 90-100%. Không chỉ Trung Quốc, lượng khách từ những thị trường quốc tế còn lại cũng có thể giảm từ 50 - 70%, tương đương 2- 2,8 triệu lượt người. Với mức chi tiêu bình quân là 1.083 USD/lượt, thiệt hại sẽ là 2,2 - 3 tỷ USD. Với thị trường nội địa, dự đoán khách du lịch giảm 50 - 70%, tức lượng khách sẽ giảm 10,9 - 15,3 triệu lượt. Mức chi tiêu bình quân của khách nội địa là 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm. Thiệt hại từ thị trường này là 1,9 - 2,7 USD. |
Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 26