Tờ Tri Thức Trực Tuyến đưa tin, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc tổ chức bảo quản gỗ, củi của 3 cây sưa bị chết ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Được biết, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các phòng có liên để khảo sát và lên phương án xử lý cây chết tại khu vực hồ Hoàn Kiếm. Theo kết quả khảo sát, trong khu vực này có 5 cây xanh bị chết, gồm 3 cây sưa, một cây bằng lăng và một cây muồng.
Một cây sưa đỏ đường kính 59cm, cao 10-12m ở bên bờ hồ khu vực đối diện ngã ba Lò Sũ - Đinh Tiên Hoàng bị chết từ năm 2019. Hai cây sưa đỏ khác bị chết nằm ở khu vực gần đồng hồ hoa Thuỵ Sỹ (góc đường Đinh Tiên Hoàng – Hàng Khay), có đường kính từ 35-40 cm, cao từ 5-10 m.
Sau khi kiểm tra, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội đã có văn bản gửi UBND quận Hoàn Kiếm xem xét, cho phép đơn vị được tổ chức thực hiện chặt hạ các cây bị chết nêu trên để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách khi đến tham quan hồ Hoàn Kiếm, đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị.
Dự kiến, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chặt hạ 3 cây sưa nói trên vào ngày 18/4 tới đây. Sau đó, đơn vị chuyên môn sẽ bàn giao khối lượng gỗ cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Hà Nội để làm các thủ tục tiếp theo.
Thông tin trên báo Thanh Niên, gỗ sưa đỏ thuộc nhóm 1 trong bảng 8 nhóm gỗ của Việt Nam. Tiêu chuẩn chính của các loại gỗ trong nhóm này là gỗ có màu sắc, vân thớ đẹp, hương thơm và rất khan hiếm, có giá trị kinh tế cao nhất.
Các loại gỗ trong nhóm này thường dùng làm đồ mỹ nghệ, gỗ lạng, hàng mộc chạm khảm, ván sàn đặc biệt... Ở một số nơi, gỗ sưa đỏ còn được gọi là gỗ huê, gỗ huỳnh, gỗ trắc.
Đinh Kim(T/h)