Sau hơn 4h đồng hồ tìm kiếm, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã tìm thấy du khách người Úc, tuy nhiên nạn nhân đã tử vong.
Báo VOV dẫn nguồn tin từ công an tỉnh Quảng Ninh, vào lúc 13h25 hôm nay (6/2) du khách nam người Úc bị rơi xuống biển và mất tích tại khu vực gần đảo Titop đã được tìm thấy và đã tử vong.
Tại hiện trường tìm thấy nạn nhân, phát hiện ở chân nạn nhân có buộc một quả tạ. Vị trí tìm thấy nạn nhân dưới biển, cách tàu Biển Ngọc 50m.
Cũng theo các thuyền viên trên tàu Biển Ngọc thì trước khi xảy ra vụ việc, các thuyền viên có nghe thấy tiếng động có người nhảy xuống biển, khi chạy ra thì phát hiện một đôi dép để lại trên tàu.
Hiện các lực lượng chức năng đang đưa nạn nhân vào bờ để tiến hành điều tra và xác định nguyên nhân vụ việc.
Hiện trường vụ tai nạn - Ảnh: báo Dân trí |
Như TTXVN đã thông tin, khoảng 8h45 ngày 6/2, du khách Stephen John Scott (54 tuổi, quốc tịch Australia) khi đang ở trên tàu Biển Ngọc 20 mang số hiệu QN-6578 đã bất ngờ rơi xuống biển và mất tích tại khu vực hang Sửng Sốt, thuộc Vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh).
Cụ thể, 14 người trong đoàn khách trên tàu lên tham quan hang Sửng Sốt, 2 người ở lại tàu, trong đó có ông Stephen John Scott. Theo thông tin từ thuyền viên có mặt trên tàu, khoảng 8 giờ 45 phút, thuyền viên có nghe thấy tiếng động. Sau khi kiểm tra không thấy ông Stephen John Scott đâu, thuyền viên trên tàu đã lập tức báo lực lượng chức năng sự việc.
Được biết, tàu Biển Ngọc 20 QN-6758 thuộc Công ty TNHH Hạ Long Biển Ngọc do thuyền trưởng Trịnh Văn Hợp (43 tuổi, trú quán tại xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) điều khiển. Tàu có trọng tải 44 ghế và 22 giường.
Quyết định 06/2014/QĐ-TTg phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển vùng nước cảng biển Điều 11. Trách nhiệm phát và tiếp nhận tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp 1. Người, phương tiện bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển Người, phương tiện bị nạn hoặc có nguy cơ bị nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển cần trợ giúp, trừ trường hợp bất khả kháng phải phát thông tin cấp cứu - khẩn cấp theo quy định sau: a) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc hệ thống đài trực canh của Bộ đội Biên phòng hoặc Hệ thống quan sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản, hoặc các phương tiện đang hoạt động trên biển gần khu vực bị nạn biết để yêu cầu trợ giúp; b) Trong trường hợp đề nghị lai dắt, cứu hộ, ngoài nội dung nêu tại Khoản 2 Điều 10 Quy chế này, cần thông báo thêm các thông số kỹ thuật của phương tiện cần lai dắt, cứu hộ để xác định phương án lai dắt, cứu hộ như: Trọng tải, chiều dài, chiều rộng, mớn nước của phương tiện; c) Bảo đảm việc duy trì liên lạc với người, cơ quan, tổ chức đã liên lạc để thực hiện việc tìm kiếm, cứu nạn, trợ giúp (thông qua Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam hoặc trực tiếp); d) Báo cáo kịp thời theo nội dung yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm, cứu nạn trên biển và của lực lượng, phương tiện đến tìm kiếm, cứu nạn; đ) Trường hợp đã loại trừ được nguy hiểm gây ra đối với người, phương tiện của mình phải thông báo ngay cho người, cơ quan, tổ chức đã thông tin cấp cứu - khẩn cấp để dừng việc cứu nạn. 2. Thuyền trưởng phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển a) Trường hợp phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu - khẩn cấp gần khu vực đang hoạt động, phải có trách nhiệm đến cứu giúp người gặp nạn nếu không ảnh hưởng đến an toàn người, phương tiện của mình; b) Thông báo cho Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam biết việc tham gia tìm kiếm, cứu nạn của mình; c) Trường hợp không thể tham gia cứu người gặp nạn (do mất an toàn về người, phương tiện của mình hoặc đang thực hiện nhiệm vụ khẩn cấp khác) phải thông báo cho Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực biết. 3. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hoặc nhận được thông tin người, phương tiện bị nạn phải thông báo kịp thời cho các cơ quan, lực lượng có trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn biết để xử lý. Người cung cấp thông tin báo nạn phải chịu trách nhiệm về độ trung thực của thông tin báo nạn. 4. Hệ thống đài thông tin duyên hải Việt Nam và các hệ thống Đài thông tin tìm kiếm, cứu nạn của các Bộ, ngành, địa phương tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin cấp cứu - khẩn cấp trên biển và báo cáo cho cơ quan, tổ chức có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn. 5. Các cơ quan được giao nhiệm vụ về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin; chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |
(Tổng hợp)