Tàu về đất liền “cháy vé”, ghẹ có dòi, phải thuê ca-nô với giá 10 triệu đồng/chuyến là những trải nghiệm của một nữ du khách đến đảo Nam Du trong kỳ nghỉ Tết.
Trên trang Facebook cá nhân có tên Minh Thư Trần đã đăng tải hình ảnh kèm bài viết cảnh báo mọi người về chuyến đi sóng gió khi cả gia đình đến du lịch tại đảo Nam Du.
Theo thông tin đăng tải, rạng sáng ngày mùng 4 tháng Giêng Âm Lịch (tức ngày 31/1/217) gia đình của Minh Thư đi tham quan đảo Nam Du. Tuy nhiên, vì đi gấp nên gia đình Thư phải đến trực tiếp đến bến tàu để mua. Khi mua được vé chiều đi nhưng hỏi vé về thì nhân viên bán vé nói hết, đồng thời hướng dẫn lúc nào muốn về thì cứ ra điểm bán vé về ở Nam Du mua luôn.
Ngày đầu tiên ra đảo, gia đình Thư có thuê “khách sạn” nhưng theo những lời chia sẻ của chủ Facebook này thì đó thực chất là nhà nghỉ với mức giá 450 nghìn đồng/đêm. Tiền ăn tối 1 người là 150 nghìn đồng/người, gia đình đi 7 người. Xe thuê đi đúng 1 vòng từ nhà nghỉ xuống biển 150 nghìn đồng/chuyến.
Cả gia đình thuê Ca-nô trị giá 10 triệu đồng/chuyến để về đất liền giữa trời mưa sấm chớp. Ảnh: Tiin.vn |
Tài khoản này cũng cho biết, đồ ăn trên đảo hoàn toàn chỉ là đồ đông lạnh, cá nướng thì thịt bở, hàu nướng thì tanh. Gia đình Thư ra chợ mua thêm ghẹ về nhờ nhà trọ luộc dùm, 1kg ghẹ hét giá lên 400 nghìn đồng/kg, khi mang về nhờ nhà trọ luộc thì khi mang ra mở con ghẹ ra ăn thì có dòi.
Đến ngày thứ 2, gia đình Thư có em nhỏ bị bệnh nên không thể tiếp tục đi tham quan nữa phải tìm vé đi về. Tuy nhiên, hỏi tất cả mọi nơi thì không nơi nào bán vé với lý do hết vé. Gia đình Thư phải chạy khắp nơi tìm vé nhưng vé đòi 600 nghìn đồng/vé nhưng cũng không mua được, trong khi đúng ra chỉ có 210 nghìn đồng/vé.
Ghẹ 400 nghìn đồng/kg nhưng hấp lên có dòi bên trong. Ảnh: Tiin.vn |
Theo thông tin mà chủ nhân tải khoản Facebook này chia sẻ, sau khi ngồi quan sát một hồi mới biết là tất cả vé về đều bị cò lái tại đó mua hết, không bán cho khách để giữ chân khách lại. Một số gia đình khác cũng bị tình trạng tương tự.
Cuối cùng, họ nói nếu muốn về lại đất liền thì bây giờ chỉ có Ca-nô chở ra, nhưng giá thuê 1 chiếc cano là 10 triệu. Sau đó gia đình Thư và một gia đình khác quyết định hùn tiền lại để thuê cano chở ra đất liền.
Ngay sau khi bài viết đăng tải đã thu hút được đông đảo sự quan tâm, chú ý từ phía cộng đồng mạng với hơn 26.000 lượt like, bình luận, chia sẻ đặc biệt đến từ các bạn trẻ. Phần lớn đều tỏ ra ngạc nhiên và không khỏi bức xúc trước cách hành xử kém văn hóa của những hành vi nói trên.
Cùng phải chịu cảnh “chặt chém” trong những ngày Tết, tại Hà Nội, một bát bún riêu tại khu vực Bạch Mai - Trương Định (Hai Bà Trưng) trong những ngày nghỉ Tết có giá từ 40.000-50.000 đồng, tăng gấp đôi so với ngày thường. Ở khu vực Khâm Thiên, Xã Đàn (Đống Đa), Hàng Da (Hoàn Kiếm), giá bán tăng lên từ 50.000-80.000 đồng/bát bún riêu, tăng gấp 3 lần ngày bình thường.
Một thành viên sau khi đến ăn bún bò tại một quán ăn ở Bạch Mai (Hà Nội) đã chia sẻ trong một nhóm kín về ẩm thực trên mạng xã hội: “Bát này cũng 50.000 đồng nhưng thịt bò thì thấy dai hơn đỉa". Thậm chí, có quán vỉa hè "chém" 150.000 đồng một bát bún ốc "không vớt được con ốc nào".
Ngoài ra các dịch vụ khác như trông xe cũng được dịp hét giá, Tại các điểm di tích, đền, chùa như: đền Quán Thánh, đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ,... các điểm trông xe tự phát mọc lên như nấm và vô tư chặt chém khách, với giá cao hơn gấp 3-4 lần so với giá quy định. Cụ thể, giá gửi xe máy dao động trong khoảng 10.000-20.000 đồng/chiếc và 50.000-100.000 đồng cho ô tô.
Còn trong ngày khai hội chùa Hương (mùng 6 Tết), vẫn còn hiện tượng chèo kéo khách từ xa, giá vận chuyển không theo giá niêm yết của ban tổ chức. Giá gửi xe máy, ôtô cao hơn gấp 2-3 lần so với ngày thường.
Nhân Văn (T/h)