Nguyễn Ích Vinh, một cựu du học sinh tại Nhật Bản, một doanh nhân trẻ thế hệ 8X đã có những chia sẻ thẳng thắn cho ông vua hàng hiệu Jonathan Hạnh Nguyễn.
Dưới góc nhìn của một người khách hàng đã có trải nghiệm mua sắm tại nhiều trung tâm thương mại trên thế giới cũng như đã ghé thăm Tràng Tiền Plaza nhiều lần, anh đã có những ý kiến cá nhân về việc kinh doanh hàng hiệu của vị đại gia này, đồng thời có những góp ý của riêng mình để nhắn nhủ chủ đầu tư.
Giá đắt nhưng khó tin tưởng
Đánh giá về kinh doanh hàng hiệu, Vinh cho rằng, thực sự chủ đầu tư chưa hiểu người mua ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Với những chiếc đồng hồ có giá hơn 500 triệu đồng hay chiếc túi có giá hàng nghìn đôla, không phải người Việt không có tiền để mua mà thực sự họ không tin tưởng.
Tràng Tiền Plaza. |
Những người có đủ tài chính như vậy, chắc chắn sẽ mua những món đồ có giá trị như vậy ở nước ngoài, nơi họ tin cậy có được hàng đảm bảo chính hãng. Bên cạnh đó, ở Hà Nội sẽ không bán được những thứ siêu xa xỉ, đơn giản vì một nhóm đối tượng mua rất lớn đang ở Sài Gòn.
Vinh cho rằng, Vinh và nhiều bạn bè đã kiểm chứng Tràng Tiền Plaza đang bán những món đồ như vậy đắt hơn cùng loại ở Nhật, Sing, Hong Kong khoảng 20 - 30\%.
Dưới góc độ văn hóa tiêu dùng, Vinh cho rằng, có sự khác biệt giữa Hà Nội và TP HCM trước một món đồ hang hiệu. “Mua một chiếc thắt lưng Hermes chỉ hơn một ngàn USD hay cái kính Gucci 400 USD thì Hà Nội hay Sài Gòn như nhau, nhưng mua một cái giỏ xách LV cỡ mười mấy ngàn đô thì Hà Nội và Sài Gòn khác nhau nhiều lắm”, anh nói.
Dịch vụ kém
Lý do thứ hai, Vinh đưa ra là dịch vụ quá kém so với đẳng cấp của một trung tâm mua sắm sang trọng. Đơn cử, bảo vệ hầm gửi xe mặc kệ khách, chưa lấy xe đã yêu cầu trả tiền, tới lúc lấy xe ra thậm chí không cầm lại vé. Trong khi đó, bảo vệ tầng 1 lại ngáp ngủ, không biết cười và mở cửa cho khách mỗi khi ra vào hay không có một câu chào.
Nguyễn Ích Vinh. |
Nhân viên bán hàng ngồi buôn chuyện, và chưa biết cách bán hàng chuyên nghiệp. Vinh dẫn chứng cụ thể, những người giàu và sang trọng khi mua hàng thường thích giao tiếp bằng cử chỉ, ánh mắt và họ cần thời gian yên tĩnh để ngắm và xem đồ. Họ còn rất dị ứng trước việc nhân viên bán hàng để lại dấu vân tay trên các sản phẩm hạng sang đó. “Chúng tôi sẽ không mua ở Tràng Tiền vì các bạn muốn chúng tôi tiêu tiền như giới siêu giàu, nhưng lại mang cho chúng tôi dịch vụ bình dân”, Vinh nói.
Không biết bán hàng Theo Vinh, dù vào Tràng Tiền Plaza nhiều lần nhưng thực sự anh không có bất cứ thông tin nào về nhân viên cũng như thông tin cá nhân của anh không được lưu lại. “Dự định bỏ ra vài chục ngàn USD không phải chuyện đùa, và tôi chắc 99\% số người vào thăm các bạn sẽ không mua trong lần đầu tiên.
Như vậy với thực tế ngắn gọn ở trên, các bạn sẽ mất đi 99\% lượng khách hàng tiềm năng”, Vinh cho biết. Vinh phân tích, chủ đầu tư không biết tạo ra nhu cầu mua, không chăm sóc tốt khách hàng tiềm năng, không giúp cho họ có được quyết định mua hàng, chắc chắn sẽ không bán được hàng.
Người mua cần phải cảm thấy họ đang mang một tuyệt tác thời trang của thế giới về dùng hoặc mang đi tặng với ý nghĩa từ chính việc người bán hàng tư vấn, chứ không phải cảm giác mà người tiêu dùng nhận được là họ chỉ biết làm sao lấy được tiền của khách hàng.
“Nếu chúng tôi được coi là khách hàng hạng sang, thì các bạn phải làm chúng tôi nhớ tới các bạn hoặc ít nhất có số điện thoại của các bạn, và các bạn phải nhớ được ngày sinh nhật hay sự kiện nào đại loại liên quan đến vợ, người yêu, bố mẹ, con cái chúng tôi, vì rất có thể chúng tôi sẽ không mua gì trị giá 1.000 USD cho mình nhưng sẽ mua gì đó trị giá 5.000 USD để tặng cho người mà chúng tôi yêu thương. Nếu như tôi là các bạn, tôi sẽ không chờ mọi người tới cửa hàng của mình ma chủ động đi tìm họ, vì họ là những người sẽ tiêu hàng chục nghìn USD, chứ không phải vài triệu đồng”, anh cho biết.
Vinh cũng đưa ra gợi ý để tìm kiếm khách hàng, chủ đầu tư nên tìm cách có được danh sách khách hàng của những hãng xe như Mercedes, Audi, BMW, Porsche,... hay chủ nhân các căn hộ hạng sang ở Hà Nội.
Trước chiến lược mới của Tràng Tiền Plaza, vị doanh nhân cho rằng, việc chuyển sang hạng trung có thể đúng, giải quyết được nhiều vấn đề kinh doanh trong thời điểm hiện nay. Kết thúc những chia sẻ về việc kinh doanh của ông vua hàng hiệu tại Tràng Tiền Plaza, vinh nhấn mạnh, đây chỉ là quan điểm cá nhân, đúng hay sai còn tùy góc nhìn, và tôi chắc chắn Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân xuất sắc.
“Tràng Tiền Plaza thất bại có khi chỉ đơn giản là do vị lãnh đạo cao nhất không hoặc chưa quan tâm đến vài chục triệu đô vì chừng đó cũng chỉ là một phần nhỏ trong khối tài sản khổng lồ của ông. Thất bại này cũng sẽ chỉ là tạm thời”, anh cho biết thêm.