Chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý liên quan... Các đơn vị phân phối dự án SouthGate Tower đã ngang nhiên “qua mặt” cơ quan chức năng, rao bán rầm rộ dự án nhằm huy động vốn trái phép thông qua hình thức nhận đặt cọc, giữ chỗ.
Lách luật, bán nhà trên “giấy”?
Dự án Southgate Tower (tọa lạc tại đường Nguyễn Thị Thập, Quận 7, TP.HCM) do Công ty Cổ phần TM – ĐT Hồng Hà làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 2,7ha gồm 2 block cao 29 tầng với tổng cộng gần 600 căn hộ và Officetel.
Theo tìm hiểu của PV, dự án hiện đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để được phép giao dịch. Thế nhưng, nhiều tháng qua, dự án này đã được các kênh phân phối và nhân viên môi giới rao bán rầm rộ dưới nhiều hình thức.
Cụ thể, chỉ cần gõ trên công cụ Google “dự án SouthGate Tower”; ngay lập tức đã xuất hiện hàng trăm thông tin mở bán, nhận đặt cọc, giữ chỗ tại dự án này. Trong vai khách hàng, chúng tôi liên hệ tới nhân viên môi giới từ một sàn giao dịch và được tận tình mời chào mua căn hộ.
Thông tin mở bản dự án South Gate Tower được quảng cáo "rầm rộ" dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép. |
Theo nhân viên này thì SouthGate Tower đang nhận “đặt cọc giữ chỗ” và vẫn còn "hàng" với giá dự kiến từ 35 triệu/m2: “Nếu anh chị đồng ý mua ngay thì đóng trước 50 triệu đồng để giữ chỗ. Hiện tại giá thấp, nhưng mấy hôm nữa là khai trương nhà mẫu, giá đội lên nhanh lắm, chắc chắn sinh lời”, nhân viên môi giới liên tục “mớm” người mua.
Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu xem các giấy tờ pháp lý thì nhân viên này “ậm ờ” cho rằng, quy hoạch 1/500, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ khác liên quan khác quên mang theo, và hứa sẽ cung cấp đầy đủ cho khách hàng mọi pháp lý cần thiết như Giấy phép xây dựng, Quy hoạch 1/500… trước ngày mở bán.
Đáng nói, mặc dù liên tục giới thiệu “có cánh” về dự án, tuy nhiên thời điểm hiện tại SouthGate Tower vẫn chỉ là bãi đất trống, đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Dự án chưa đủ điều kiện để được phép giao dịch...
Theo khoản 1, Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS năm 2014 đã quy định, chủ đầu tư chỉ được mở bán các dự án của mình khi có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng và phải có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua gửi chủ đầu tư từ Sở Xây dựng.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng trong quá trình thực hiện dự án nhà ở chung cư, chủ đầu tư có quyền huy động vốn từ tiền mua nhà ứng trước của các đối tượng được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, để được huy động vốn theo phương thức này, chủ đầu tư phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điểm đ khoản 2 Điều 9 như sau:
“Chủ đầu tư chỉ được ký hợp đồng mua bán nhà ở sau khi đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng của nhà ở, đã hoàn thành thủ tục mua bán qua sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản và đã thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở theo quy định tại điểm e khoản này”.
Cũng theo luật sư Thảo, hiện nay, có nhiều dự án tại TP.HCM mặc dù chưa được khởi công xây dựng nhưng đã mở bán căn hộ dưới hình thức “đặt cọc giữ chỗ”, đây là một cách dùng từ để lách luật.
"Một dự án chưa khởi công hay khởi công nhưng chưa hoàn thành và chưa được nghiệm thu phần móng mà mở bán dưới hình thức “nhận cọc giữ chỗ” bản chất là hình thức huy động vốn không đúng với các quy định của pháp luật, luật sư Thảo đánh giá.
Chủ đầu tư gây khó dễ, vi phạm luật báo chí
Để làm rõ thông tin trên liên quan đến dự án SouthGate Tower, PV đã đến trụ sở chủ đầu tư là Công ty Cổ phần TM – ĐT Hồng Hà để liên hệ làm việc và được ông Hà Duy Ý - Trưởng phòng Pháp chế - Trợ lý Tổng giám đốc và bà Trương Bích tự giới thiệu là nhân viên hành chính của công ty tiếp.
PV đã xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan cấp, kèm theo chứng minh thư nhưng bà Bích bất ngờ có thái độ thiếu hợp tác. Bà không tiếp nhận giấy giới thiệu và yêu cầu PV phải có thẻ nhà báo thì mới tiếp nhận đặt lịch làm việc
Bà Bích khăng khăng: “Mấy anh có thẻ nhà báo không, nếu không có thẻ nhà báo thì giấy giới thiệu của các anh chưa đủ điều kiện để làm việc với chúng tôi. Đó là quy định!”.
Công ty Hồng Hà khẳng định "không tiếp PV không có thẻ nhà báo" là vi phạm luật báo chí |
PV đã giải thích theo quy định của luật Báo chí, PV chỉ cần xuất trình giấy giới thiệu, trong đó có ghi đầy đủ nội dung đề nghị cung cấp thông tin là đủ điều kiện làm việc nhưng bà Bích cho rằng: “Cái tờ giấy này có thể rơi rớt ngoài đường là chuyện bình thường, con dấu đỏ này thì người ta cũng có thể làm giả rất dễ dàng. Các anh không có thẻ nhà báo thì không thể chứng minh được nghề nghiệp của các anh”.
Sau một hồi hạch sách, gây khó khăn cho PV, bà Bích cuối cùng cũng không tiếp nhận giấy giới thiệu, không cung cấp thông tin và hợp tác với báo chí.
Về vấn đề này, luật sư Lê Quốc Việt (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết theo quy định tại khoản 12 Điều 9 Luật Báo chí 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm, thì Luật báo chí cấm cá nhân, tổ chức có hành vi “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”.
Do đó, trong trường hợp này PV đến doanh nghiệp tác nghiệp mà có cung cấp Giấy giới thiệu của Cơ quan báo chí, trong đó có ghi rõ nội dung làm việc thì doanh nghiệp không được cản trở phóng viên hoạt động đúng với chức năng, quyền hạn của mình.
Cũng theo luật sư Việt, nếu doanh nghiệp có hành vi cản trở, gây khó dễ cho PV khi tác nghiệp đúng quy định thì có thể bị xử phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Hoặc phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên khi đang hoạt động nghề nghiệp, theo quy định tại Điều 7 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ,
Báo ĐSPL sẽ tiếp tục thông tin.
Nhật Nam