(ĐSPL) - Đến với Hoa hậu Thế giới năm nay, Diệu Ngọc thực hiện dự án xây trường cho trẻ em vùng cao ở Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Sau 65 năm tổ chức, Hoa hậu Thế giới - Miss World đã trở thành đấu trường nhan sắc danh giá, uy tín nhất hành tinh. Hiện tại, cuộc thi lần thứ 66 đang diễn ra tại Washington D.C, Mỹ với sự tham gia của khoảng 130 đại diện đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới từ ngày 26/11 đến 18/12/2016.
Đại diện Việt Nam tại cuộc thi lần này là Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016 Trương Thị Diệu Ngọc. Cô sở hữu chiều cao vượt trội, thân hình cân đối, nhan sắc đậm chất Á đông cùng vốn tiếng Anh được đánh giá cao.
Tại Hoa hậu Thế giới, tiêu chí được đề cao chính là Beauty with a purpose - Sắc đẹp vì mục đích cao cả. Chính vì thế các hoạt động nhân ái, từ thiện luôn được đan lồng khá nhiều vào lịch trình của thí sinh. Phần thi Hoa hậu Nhân ái chiếm số điểm cao nhất trong các phần thi phụ để tính vào kết quả cuối cùng với hệ số 2.
Để tham gia vào phần thi Hoa hậu Nhân ái, mỗi thí sinh sẽ thực hiện một dự án vì cộng đồng để gửi đến ban tổ chức trước khi cuộc thi bắt đầu. Sau đó, ban giám khảo của Hoa hậu Nhân ái sẽ dành thời gian để xem và chấm điểm, có buổi chất vấn trực tiếp với thí sinh để đưa ra kết quả cuối cùng. Trong 2 năm gần đây nhất, Hoa hậu Indonesia là người thắng giải thưởng này.
Đến với Hoa hậu Thế giới năm nay, Diệu Ngọc thực hiện dự án xây trường cho trẻ em vùng cao ở Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Công trình được bắt đầu từ giữa tháng 6/2016 sau khi Diệu Ngọc đăng quang và hoàn thành vào cuối tháng 10 vừa qua, trước ngày cô lên đường tham gia Hoa hậu Thế giới không lâu.
Chia sẻ về dự án này, Diệu Ngọc cho biết trước khi đăng quang Hoa khôi Áo dài Việt Nam 2016, cô đã có dịp đến nơi đây trong một chuyến du lịch, cuộc sống khó khăn của người dân và đặc biệt việc đến trường của trẻ em khiến Diệu Ngọc khắc khoải trong lòng. Sau khi đăng quang, cô quyết định đặt bước chân đầu tiên cho hành trình nhân ái tại bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Ban đầu, trẻ em nơi đây phải học trong những lớp học vẹo vọ, dựng tạm bằng gỗ hoặc tre nứa. Vào mùa mưa lũ hay mùa đông, học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn cho tính mạng. Thậm chí, trước thời điểm ngôi trường được xây lại, trong một cơn mưa lớn phòng ở của giáo viên và một phần lớp học của học sinh bị sập do xuống cấp trẩm trọng, nhưng may là không có thương vong xảy ra do đang là ngày nghỉ.
|
Công trình được hoàn thiện gồm 3 lớp học cho trẻ em mầm non, 2 phòng ở dành cho giáo viên, nhà bếp và nhà vệ sinh bằng bê tông, cốt thép kiêng cố. Ngoài những thợ xây từ miền xuôi thì người dân địa phuong cũng cùng chung tay để góp phần giúp công trình sớm được hoàn thiện.
Quá trình thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn như: mưa bão kéo dài, từng làm hỏng công trình trong giai đoạn đổ bê tông, trét tường phải làm lại từ đầu. Đoạn đường mòn hơn 10 km xe lớn không thể vào được nên vật liệu xây dựng chỉ được chuyển từng chuyến bằng xe công nông nhỏ hay xe máy. Trong chuyến đầu tiên, chiếc xe tài chuyển vật liệu bị lật giữa lưng chừng một quãng đường dốc vì trời mưa bão khiến vật liệu bị hư hỏng một phần; Diệu Ngọc cũng hỗ trợ tiền để sửa chữa lại xe và thuốc men cho tài xế.
Trong quá trình thực hiện dự án, Diệu Ngọc cũng có dịp tiếp xúc và hiểu rõ hơn về cuộc sống của người dân nơi đây. Với khả năng trước mắt, Diệu Ngọc có 2 đợt hỗ trợ quà cho người dân gồm: mì gói, đường, bột ngọt,… và một số nhu yếu phẩm cần thiết. Cô mong muốn sau cuộc thi sẽ có nhiều hoạt động thiết thực hơn để hỗ trợ người dân về lâu về dài.
Sau dự án này, Diệu Ngọc mong muốn phát triển rộng ra trên nhiều miền của đất nước bởi cô cho rằng trẻ em chính là tương lai của một quốc gia, dân tộc. Trong clip gửi đến Hoa hậu Thế giới, Diệu Ngọc có chia sẻ một câu nói mà cô tâm đắc: “Cuộc sống của chúng ta sẽ khó khăn hơn khi chúng ta sống vì người khác nhưng cũng chính điều này giúp chúng ta sống tốt, tích cực hơn”.