(ĐSPL)- Chiều 14/8, Ủy ban TVQH họp, thảo luận về dự án luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Tuổi trẻ đưa tin, dự án luật được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/8.
Đây là quy định mới đáng chú ý trong dự án Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi).
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đồng tình cao với quy định này, hai bà đề nghị lấy tên là Luật trẻ em.
Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao vì là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. |
Theo bà Ngân, Việt Nam được quốc tế đánh giá rất cao vì là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Việc sửa đổi, bổ sung luật lần này là cụ thể hóa các cam kết quốc tế và quy định của Hiến pháp.
“Hiện nay chúng ta quy định trẻ em là dưới 16 tuổi, nhưng công ước quy định là dưới 18, chúng ta điều chỉnh lại như công ước là phù hợp vì đến 18 tuổi mới trở thành công dân, phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần” - bà Ngân phân tích.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải rà soát lại những việc chưa làm được trong công tác trẻ em, tránh tình trạng ban hành luật ống, luật khung, luật hô hào mà tính khả thi lại không cao.
“Chúng ta quy định trẻ em được quyền này quyền kia, nhưng trẻ em còn trong bụng mẹ, trẻ em còn rất bé thì các em đâu có biết hết quyền của mình.
Do vậy chúng ta phải quy định theo hướng trách nhiệm chủ động của Nhà nước, các đoàn thể xã hội và gia đình phải làm những việc gì để đảm bảo quyền trẻ em, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của Nhà nước.
Tôi lấy ví dụ như chỗ chơi của các em, ngày xưa Pháp quy hoạch phố nào cũng có không gian cho trẻ em chơi, bây giờ chúng ta cứ nói sân chơi cho trẻ em nhưng có thấy đâu, ngay cả những nơi có chỗ chơi cũng bị lạm dụng để xe đạp, ôtô hoặc làm việc khác...
Như vậy luật này phải quy định trách nhiệm, buộc các cơ quan cụ thể phải làm những gì cho trẻ em. Ngay cả gia đình cũng phải quy định rất cụ thể, trong trường hợp đánh đập trẻ em thì bị xử lý thế nào, bố mẹ ly hôn thì đảm bảo quyền trẻ em ra sao” - Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Dẫn số liệu từ báo cáo tổng kết như quá nửa trẻ em đang chịu bạo lực gia đình, gần 3 triệu trẻ em sống trong các hộ nghèo, rồi đọc báo chí hằng ngày thấy những chuyện trẻ em bị bắt cóc, hiếp dâm, bạo lực cả ở gia đình và học đường...
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là thực tế rất bức xúc và đề nghị ban soạn thảo làm rõ là sau khi có luật mới thì sẽ được khắc phục như thế nào, có tiến bộ hơn không.
"Thà luật chỉ có 3-4 điều mà làm tốt còn hơn là luật 10 điều cứ rải ra mà chẳng làm được gì cả” - ông nhấn mạnh.
Tin tức từ Thanh niên, cùng ngày, Ủy ban TVQH họp cho ý kiến về dự luật Tín ngưỡng, tôn giáo. Trong báo cáo thẩm tra dự luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị cần chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo từ kiểm soát sang giám sát và hướng dẫn; từ cơ chế xin phép - cấp phép hoặc đăng ký - chấp thuận sang cơ chế đăng ký - thẩm định theo các điều kiện được quy định cụ thể, rõ ràng, tăng cường hình thức thông báo trước một thời hạn nhất định.
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud]RAg5bHjQ3b[/mecloud]