+Aa-
    Zalo

    Dự án “khủng”, nơi “băm nát”, chỗ hoang tàn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đang tồn tại 2 siêu dự án treo đó là CV Sài Gòn Safari (bị bỏ hoang từ năm 2004 và dự án Làng nghề Sinh vật cảnh (treo hơn 10 năm nay).

    (ĐSPL) - Ở huyện Củ Chi (TP.HCM) đang tồn tại hai siêu dự án treo đó là công viên Sài Gòn Safari (tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu USD) bị bỏ hoang từ năm 2004 và dự án Làng nghề Sinh vật cảnh (treo hơn 10 năm nay). Theo tìm hiểu của PV báo ĐS&PL, chủ đầu tư của hai dự án trên đã “băm nát” mặt bằng rồi phân lô, bán nền gây bức xúc cho người dân.

    LTS: Trên địa bàn các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM, Hà Nội hiện có hàng trăm dự án treo với quy mô lớn, nhỏ. Tưởng rằng, các dự án này triển khai sẽ giúp cuộc sống người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà các “siêu” dự án trên rơi vào tình trạng treo (chưa triển khai được-PV) khiến người dân sống trong khu vực dự án rơi vào cảnh khóc dở, mếu dở. Nhiều dự án đã thu hồi xong mặt bằng, đã thực hiện đền bù cho người dân nhưng cả thập kỷ qua đi, vẫn ở trong tình trạng quây tôn, để đó...

    Hoang tàn dự án nửa tỉ USD

    Để tìm hiểu rõ hơn về dự án này, PV báo ĐS&PL đã tìm đến huyện Củ Chi. Vừa đến nơi, đập vào mắt PV là một thực trạng đáng buồn: Dự án công viên Sài Gòn Safari được kỳ vọng mang tầm quốc tế chỉ là một bãi đất hoang, cỏ dại mọc um tùm...

    Theo thông tin mà PV có được, năm 2007, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án này đã đạt tới 96\%. Chủ đầu tư hừng hực khí thế triển khai dự án. Tuy nhiên, dù chỉ còn 4\% nhưng cho đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng đã đạt 560/619 tỉ đồng chi trả cho 684 hộ dân. Tính đến thời điểm này, ngoài những ngôi nhà bỏ hoang, những bụi cỏ um tùm thì không có bất cứ thứ gì khác để thể hiện đây là một dự án giá trị lên tới nửa tỉ USD. Tiếc của giời, người dân đành tận dụng để chăn, thả trâu, bò trên nền siêu dự án này.

    Anh Lê Văn Tuấn, một người dân sinh sống gần đó cho biết, khu này hết sức hoang vắng. Ban ngày, trời sáng rõ người ta mới dám qua lại, chứ trời nhập nhoạng, âm u thì không ai dám đi qua vì sợ cướp giật, dân nghiện trấn lột. “Bên cạnh những người dân đã di dời thì vẫn còn một số “cố thủ” ở lại vì cho rằng, đền bù chưa thỏa đáng. Họ ở lại để kinh doanh, chủ yếu bán nước giải khát nhưng mục đích là để đòi quyền lợi. Hiện có khoảng 20 hộ theo diện này”, anh Tuấn nói.

    Điều đáng nói, khu nhà tái định cư cho dự án (khoảng 250 hộ đăng ký tái định cư) vẫn chưa được UBND huyện Củ Chi triển khai xây dựng. Theo khảo sát của PV, ngay tại ngã tư đường An Nhơn Tây – Nguyễn Thị Rành là phần đất dự kiến sẽ làm khu tái định cư nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh nào. “Không có nhà tái định cư, người dân ly tán khắp nơi, không có chỗ ở ổn định. Kẻ đi làm thuê, người làm mướn khắp nơi. Chính quyền hứa tạo công ăn việc làm mới cũng chưa thấy động thái gì. Điều đó ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân vì không có việc làm cũng không có chính sách hỗ trợ”, anh Tuấn cho biết.

    Ông Trần Văn Khải, một người dân có đất nằm trong dự án bức xúc khẳng định, bà con không có đất sản xuất, không có chỗ để ở trong khi đó đất dự án thì bỏ hoang. Một số người liều lĩnh trồng cỏ để nuôi bò, có người lại tranh thủ canh tác. Bà con thiếu công ăn việc làm, tệ nạn trộm cắp lại nảy sinh.

    Được biết dự án công viên Sài Gòn Safari do công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn là chủ đầu tư, được cấp phép đầu tư từ năm 2004, có diện tích gần 500ha, với tổng mức đầu tư 500 triệu USD. Dự án này được xem là công viên khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Nhưng do dự án triển khai ì ạch nên mới đây, UBND TP.HCM đã quyết định thay đổi chủ đầu tư.

    Làng sinh vật cảnh tàn tạ đến bao giờ?

    Sau bao biến cố, Làng sinh vật cảnh (xã Trung An và Phú Hòa Đông, Củ Chi) đang ngày một tàn tạ. Trong khi những xã viên tham gia dự án chưa biết tương lai sẽ ra sao thì người muốn đầu tư lại e dè, không dám mạo hiểm. Đó là thực trạng đang diễn ra ở nơi từng được kỳ vọng trở thành khu làng nghề nông nghiệp kỹ thuật cao, kết hợp du lịch sinh thái và sản xuất kinh tế vườn ở thượng lưu sông Sài Gòn.

    Được hình thành từ năm 2005, dự án có diện tích 110ha. Bước đầu, UBND TP.HCM giao 36ha cho HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Quang làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, HTX Hà Quang đã phân lô “băm nát” làng nghề, tiến hành mua bán các lô đất trong dự án, mỗi lô 1.000m2. HTX này còn tiến hành bồi thường vượt quá 30ha đất, nên thành phố yêu cầu tạm ngừng toàn bộ, chờ quy hoạch chi tiết của cơ quan thẩm quyền. Vì vậy, dự án bỏ hoang cho đến nay.

    Anh Minh Quân, một trong những người tham gia hợp tác xã ngay những ngày đầu thẳng thắn nói: “Cơn sốt đất ở khu vực này rộ lên thời điểm những năm 2007, rất nhiều trường hợp mua bán trên giấy. Nhiều người đã mua mà không biết đất của mình đang nằm ở đâu. Việc quy hoạch đang trong tình trạng “da beo”. Người có đất thì mạnh ai nấy làm”.

    Ghi nhận thực tế, sau 10 năm triển khai dự án, khu làng nghề vẫn im lìm, bất động. Những mảnh đất từng trồng lúa giờ để cỏ mọc xanh um tùm. Những căn nhà gỗ xập xệ, mục nát theo thời gian; những vườn lan xác xơ, trơ trụi... Bà Trần Ngọc Mỹ, chủ quán nước kế bên khu làng nghề nói với PV: “Khu này trở nên hoang vắng từ khoảng 3 – 4 năm về trước. Trước đó, khách du lịch từ khắp nơi nườm nượp đổ về đây tham quan”.

    Cỏ dại mọc đầy ở các khu dự kiến nuôi trồng lan ở dự án Làng Sinh vật cảnh.

    Theo thông tin mà PV có được, dự án này được quy hoạch ban đầu 36ha và đợt 2 gần 500ha. Nhưng vì dự án đợt 1 còn chưa triển khai nên UBND huyện Củ Chi chưa chấp thuận giao gần 500ha đất dự án đợt 2 cho HTX Hà Quang. Ông Trần Minh Hòa, chủ một vựa lan trong khu dự án phản ánh: “Tương lai khu vực này vẫn hết sức mờ mịt. Nhiều doanh nghiệp hoặc đuối sức hoặc không dám tiếp tục đầu tư. Hiện ở đây chỉ còn khoảng 3 hộ là còn trồng lan”.

    Nhiều người nói rằng, ở thượng nguồn sông Sài Gòn, ngoài khu du lịch sinh thái Bình Mỹ (Củ Chi) đang hoạt động thì hai dự án công viên Sài Gòn Safari và Làng nghề Sinh vật cảnh đã trở thành điển hình lãng phí đất tại TP.HCM. Chỉ với hai dự án này, huyện Củ Chi đã mất khoảng gần 600ha đất và bị bỏ hoang suốt hơn 10 năm nay. Nếu tính cả phần đất quy hoạch giai đoạn hai dự kiến giao cho HTX Hà Quang thì con số này phải hơn 1.000ha.

    Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng vừa ra “tối hậu thư” cho các dự án treo. Theo đó, đến ngày 21/7, sở Quy hoạch - Kiến trúc phải hoàn tất việc điều chỉnh, thay đổi quy hoạch các dự án trên. Các chuyên gia bất động sản cho rằng, đây là động thái thể hiện sự quyết liệt với dự án treo của vị Bí thư Thành ủy. Tuy nhiên, bài toán này sẽ rất khó có thể xử lý trong một sớm một chiều.

    Đổi chủ đầu tư

    Được biết Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có buổi làm việc với công ty Cổ phần Vinpearl (thuộc tập đoàn Vingroup) về đề xuất đầu tư dự án công viên Sài Gòn Safari. Theo đó, UBND TP. đã chấp thuận cho Vinpearl tổ chức nghiên cứu đầu tư dự án, đồng thời đề nghị sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các sở ngành, đơn vị có liên quan hướng dẫn, hỗ trợ công ty này thực hiện nhanh các thủ tục cần thiết theo đúng quy định để sớm triển khai dự án.

    (Còn nữa)

    THANH TÙNG

    [mecloud]IBz9TjTNo2[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-khung-noi-bam-nat-cho-hoang-tan-a135125.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.