+Aa-
    Zalo

    Dự án Imperia Garden và Ngân hàng VPbank: Những nghi vấn khó hiểu!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dự án và Báo cáo tài chính 2015 của Công ty Cổ phần HBI cũng là Chủ đầu tư của dự án Imperia Garden hé lộ một phần hoạt động tín dụng “khó hiểu”.

    (ĐSPL) - Dự án và Báo cáo tài chính 2015 của Công ty Cổ phần HBI (gọi tắt là Công ty HBI) cũng là Chủ đầu tư của dự án Imperia Garden (số 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội) hé lộ một phần hoạt động tín dụng “khó hiểu”. Nhà đầu tư – tức người mua - của dự án này đang lo lắng, nếu dự án bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng thì người mua sẽ như thế nào? Họ có bị chịu trận thay chủ đầu tư là bị… ngân hàng siết nợ không?

    Cơ sở nào để VPbank cho HBI vay nghìn tỷ?

    Theo Bản báo cáo tài chính cuối năm 2015 của HBI, tại hợp đồng tín dụng được ký vào ngày 29/7/2014, có số hiệu LD1417800441, đơn vị này đã vay dài hạn của VPBank số tiền 1.266 tỷ đồng, thời hạn vay là 36 tháng với hạn mức 1.732.431.995.000 đồng. Thuyết minh cho mục đích sử dụng tiền vay của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty HBI cho rằng: Để tài trợ dự án tổ hợp văn phòng, nhà ở cao cấp, kết hợp dịch vụ thương mại HBI tại số 203 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Trong đó, thời gian ân hạn là 23 tháng kể từ thời điểm giải ngân khoản vay đầu tiên. Tài sản thế chấp là toàn bộ tài sản thuộc dự án đã hình thành và hình thành trong tương lai. Lãi suất áp dụng tại thời điểm 31/12/2015 là 8,95\%/năm.

    Theo xác minh của PV, những cá nhân được Công ty HBI cho vay tiền có một số người được cho là có quan hệ "mật thiết" với HBI. Cụ thể, bà Trịnh Thị Hoa (được HBI cho vay 38 tỷ đồng) là Trưởng ban Kiểm soát của HBI, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV Dệt 19/5 Hà Nội (Hatexco) – cổ đông sáng lập HBI và cũng là doanh nghiệp quản lý và sử dụng lô đất 203 Nguyễn Huy Tưởng; ông Trần Hồng Tuy là Phó Tổng giám đốc của Hatexco được HBI cho vay 30 tỷ đồng...

    Cũng từ những dữ liệu trong bản báo cáo tài chính này cho thấy một điều lạ, hay có thế nói là chúng tôi chưa thấy xuất hiện trong tiền lệ tín dụng khi các cá nhân này được HBI cho vay có thời hạn 12 tháng, với lãi suất 3\%/năm và lãi được trả một lần vào cuối kỳ hạn. Với mức lãi xuất này, HBI đã cho vay thấp hơn nhiều so với mức lãi suất mà HBI đang phải trả cho VPBank.

    Theo tìm hiểu của PV, tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khoản 1, Điều 6 quy định, khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng phải đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng; khoản 2 Điều 24 quy định, khách hàng vay có nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, thực hiện đúng các nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng tín dụng và các cam kết khác; khoản 1, Điều 25 quy định tổ chức tín dụng có quyền chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ. Được biết, thời điểm mà nhiều chủ đầu tư bất động sản khổ sở tìm vốn vay thì HBI - chủ đầu tư dự án Imperia Garden - lại rất may mắn được VPBank duyệt vay cho dự án của mình. Đây là một thuận lợi cho HBI trong quá trình thực hiện dự án.

    Câu hỏi đặt ra là, tại thời điểm tháng 7/2014, khi mà HBI mới chỉ có giấy chứng nhận đầu tư, quyết định thu hồi 4,2ha đất thì VPBank đã thẩm định, đánh giá năng lực tài chính của HBI và dự án này như thế nào để duyệt cấp hạn mức cho vay lên tới 1.732 tỷ đồng?

    Với quy định giới hạn cho vay dự án tối đa 70\% giá trị tài sản bảo đảm, có thể hiểu tại thời điểm duyệt cho vay (tháng 7/2014), VPBank đã định giá khối tài sản “hình thành trong tương lai” của dự án Imperia Garden lên tới 2.474 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với tổng mức dự án là 1.620 tỷ đồng.

    Vấn đề đặt ra là sự liên kết đôi bên cùng có lợi giữa ngân hàng và doanh nghiệp là điều dễ hiểu. Thế nhưng, khi chưa thể hình thành rõ khối tài sản, thì việc “nhắm mắt” liên kết này có phải là có vấn đề hay không? Điều này, chỉ những người ký cho HBI vay tiền mới hiểu được.

    Và có thể thấy, việc cấp khoản tín dụng 1.732 tỷ đồng cho HBI tương ứng 20,95\% vốn tự có của VPBank tại thời điểm 30/6/2014 là một khoản tín dụng rất lớn mà có lẽ HĐQT ngân hàng phải cân nhắc, xem xét duyệt cấp hạn mức vay này.

    Tổng quan imperia garden nguyễn huy tưởng.

    Ngân hàng và HBI nói gì?

    Để làm rõ những ghi vấn trên PV đã làm việc trực tiếp với ngân hàng VPBank và HBI.

    Trước câu hỏi của PV: Khi giải ngân số tiền lớn như vậy cho phía khách hàng nói chung và HBI nói riêng, phía ngân hàng VPBank có những chính sách gì để kiểm soát cùng như theo dõi việc khách hàng có sử dụng số tiến đúng mục đích như ký kết hay không?  

    Đại diện VPBank trả lời: “Khi thực hiện quyền và nghĩa vụ của một tổ chức tín dụng đều tuân theo các quy định có liên quan của Nhà nước. Cụ thể, trong công tác xét duyệt, giải ngân và giám sát khoản vay đều thực hiện theo các Điều 6 (Nguyên tắc vay vốn), Điều 9 (Những nhu cầu vốn không được cho vay) và Điều 21 (Kiểm tra, giám sát vốn vay) quy định tại QUY CHẾ CHO VAY CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG ĐỐI VỚI KHÁCH HÀNG (Ban hành theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước). Theo đó, toàn bộ các khoản vay tại VPBank đều được đánh giá, thẩm định, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và của VPBank trước khi xét duyệt, quyết định cho vay. Khoản vay từ sau khi được giải ngân sẽ được giám sát, kiểm tra theo đúng các quy định của Nhà nước và tuân thủ quy trình nội bộ tại VPBank. Quy trình này được xây dựng và vận hành đảm bảo phù hợp với đặc điểm hoạt động của VPBank và tính chất các khoản vay của khách hàng, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay.

    Trước những nội dung phỏng vấn về hoạt động trong vay lại của HBI đối với số tiền đã vay ngân hàng VPBank, thì đại diện ngân hàng VP Bank trả lời: “Chúng tôi không bình luận về vấn đề này!?”

    Với HBI, ngay sau khi nhận được câu hỏi từ PV, liên quan đến việc cho vay lại, HBI đã có công văn do Tổng Giám đốc Nguyễn Hồng Ngọc, trả lời: “Căn cứ vào các hợp đồng cho vay cá nhân thì các khoản cho vay này phát sinh từ năm 2013, trước thời điểm HBI vay vốn của ngân hàng VPBank là tháng 7/2014. Theo đó, việc HBI vay vốn của VPBank rồi cho các cá nhân vay là không chính xác.”

    Như vậy những câu trả lời từ hai phía liên quan đến sự vụ này chưa thỏa mãn đối với khách hàng đặc biệt là đối với khách hàng đã gửi tiền vào phía ngân hàng cũng như những “phấp phỏm” của những khách hàng đã đăng ký mua căn hộ trong dự án của HBI.

    Xuân Nghĩa
    Nguồn: Người đưa tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-imperia-garden-va-ngan-hang-vpbank-nhung-nghi-van-kho-hieu-a134227.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.