+Aa-
    Zalo

    Dự án đô thị ven sông Hồng tái khởi động vấn đề trị thủy vẫn đứng yên?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Phát triển đô thị ven sông là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai dự án thành phố ven sông Hồng lại gặp phải những khó khăn.

    Phát triển đô thị ven sông là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc triển khai dự án thành phố ven sông Hồng lại gặp phải những khó khăn. Khá nhiều chuyên gia lo ngại về vấn đề trị thủy, độ hài hòa với quy hoạch đô thị.

    Khu đô thị trong mơ

    Mới đây, dự án Trấn sông Hồng (Song Hong City) sau hơn 22 năm đề xuất vừa được Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng có văn bản yêu cầu các Sở và UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình thực hiện phần nhiệm vụ đã được giao liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, việc triển khai dự án này một lần nữa nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân Thủ đô, các chuyên gia có kinh nghiệm về quy hoạch đô thị tại Hà Nội.

    Được biết, dự án Trấn sông Hồng được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương từ năm 1994. Đơn vị này cũng thành lập Liên doanh công ty cổ phần phát triển đô thị Trấn sông Hồng để thực hiện dự án với vốn điều lệ 61 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Theo thỏa thuận với UBND TP. Hà Nội lúc đó, phía Singapore đã thiết kế một khu dân cư hiện đại với các cao ốc là một quần thể gồm nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi và sinh hoạt cộng đồng nhằm giúp Hà Nội có một tiểu khu như ở đảo quốc sư tử. Phía Hà Nội cũng đã lập ban quản lý dự án. Tuy nhiên do chưa đạt được đồng thuận trong vấn đề trị thủy nên dự án đã phải dừng lại.

    Sau đó, Hà Nội đã phối hợp với Thủ đô Seoul của Hàn Quốc thực hiện quy hoạch "thành phố ven sông Hồng". Theo quy hoạch thành phố ven sông Hồng giai đoạn 1 sẽ trở thành trục không gian chính của Hà Nội với những cao ốc tài chính quốc tế, chung cư cao cấp, công viên đô thị ở ven bờ sông. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa giải quyết vấn đề lũ sông Hồng vì những tác động của việc điều chỉnh lũ sông Hồng là vô cùng khó lường. Và do chưa được các Bộ ngành liên quan chấp thuận nên dự án vẫn chưa thể triển khai.

    Việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng được giới chuyên gia đánh giá là khó. (Ảnh: Internet). 

    Cho tới nay, dự án này tiếp tục được đề cập. Để tìm hiểu về tính khả thi của dự án này, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, chuyên gia cầu đường Hoàng Minh Sơn - Tổng công ty cổ phần Vinaconex. Ông cho rằng: "Để đảm bảo triển khai dự án một cách hiệu quả, cần phải có các yếu tố như: Quy hoạch, thỏa mãn chính sách về pháp luật, phương án xử lý đê điều và giải pháp ứng phó lũ. Đây là những yếu tố còn thiếu mà từ trước dự án Trấn sông Hồng dù đã được duyệt nhưng vẫn chưa được triển khai.

    Vì thế, để dự án khả thi, cần đảm bảo yếu tố đồng bộ trong việc quy hoạch dự án với hai bên bờ sông. Bởi, khu đô thị mang tính đặc thù nên cần được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học, định hướng giao thông theo mô hình phát triển quy hoạch riêng của khu đô thị, đồng thời đảm bảo hài hòa với quy hoạch chung của thành phố Hà Nội.

    Hiện nay, người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân là chính, nên nếu khu đô thị ven sông được hình thành thì theo tôi nên áp dụng theo TOD (Transit Oriented Development - Phát triển theo định hướng giao thông công cộng) để hạn chế ùn tắc giao thông, mang lại lợi ích nhiều mặt cho cộng đồng dân cư và giảm ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông cá nhân gây ra".

    Đối phó với lũ sông Hồng ra sao?

    Ông Hoàng Minh Sơn cho hay: "Khi phát triển đô thị ven sông, cần phải có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông. Chúng ta cần lưu ý các giải pháp chống lũ và kiểm soát được cao độ mực nước ảnh hưởng đến khu dân cư. Có thể thấy, trong hơn 20 năm qua tại ven sông Hồng chưa xảy ra tình trạng nước lũ nguy hiểm, người dân ở dọc 2 bên sông ngày một nhiều. Nên khi bắt tay triển khai, cần có giải pháp ứng phó với lũ. Cần phải làm sao để đảm bảo sự hài hòa của dòng chảy ở khu vực hạ lưu, điều hòa lưu lượng dòng nước để không ảnh hưởng đến đời sống của người dân 2 bờ sông và sản xuất nông nghiệp ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, các di tích lịch sử đền, chùa ở hai bên bờ sông cần phải đảm bảo không bị ảnh hưởng quá nhiều, làm mất đi di tích, lịch sử vốn có".

    Khi phát triển đô thị ven sông, cần phải có giải pháp ứng phó lũ của dòng sông.(Ảnh: Internet) 

    Việc trị thủy phải đảm bảo yếu tố môi trường. Phát triển đô thị nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. "Nếu có điều chỉnh 2 bờ sông cần có nghiên cứu kỹ lưỡng trên cơ sở khoa học. Vì thế, tôi nghĩ nếu làm được những yếu tố này, đồng thời đảm bảo yếu tố xanh thì khu đô thị dọc ven sông sẽ trở thành hiện thực và thành đô thị đáng sống. Nếu quy hoạch tốt hai bên bờ sông này, là tiền đề để chúng ta quy hoạch tiếp phát triển thành phố Hà Nội về phía Long Biên, Gia Lâm để tạo sự cân xứng so với các quận phía bên này Sông Hồng", ông Sơn nêu quan điểm.

    Đại biểu Quốc hội khoá XIII Bùi Thị An nêu quan điểm: "Dự án này, nhà đầu tư sẽ quy hoạch 2 bên bờ sông Hồng và có kế hoạch từ lâu, có lẽ đã tham khảo nhiều mô hình của các nước Hàn Quốc (Seoul), Pháp (dự án ven sông Seine)... Đây đều là những hình mẫu nổi tiếng, rất đẹp và thành công. Đến bây giờ, nếu muốn đưa vào thực tiễn Việt Nam thì các cấp cần cân nhắc rất kỹ. Hiện tại, dự án muốn khởi động lại thì cần phải xem lại.

    Theo bà An, yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất là việc phân lũ, nắn dòng sông Hồng không có tác động tiêu cực. Nếu không đảm bảo được việc trị thủy, hướng dòng chảy của sông Hồng thì phải xem lại dự án. Khi những khảo sát và các nghiên cứu cụ thể chứng minh rằng xây đô thị tại hai bên bờ sông không ảnh hưởng đến những vấn đề nêu trên thì "Trấn sông Hồng" có thể là điểm nhấn của Hà Nội. Tuy nhiên đến nay chúng ta vẫn chưa biết được đánh giá tác động, họ đã làm đến đâu.

    Thứ hai, phải xem xét việc đô thị hóa có ảnh hưởng đến dân cư Hà Nội hay không. Việc thay đổi đô thị hai bờ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những người dân đang sống ven 2 bên? Tới đây sẽ di dân đi đâu, cuộc sống sau tái định cư thế nào... Tất cả những điều đó cần phải đánh giá rất kỹ. Còn khi làm được những yếu tố này, chắc chắn đây sẽ là điểm nhấn của Hà Nội".

    T.L - P.H
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ Nhật số 4
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-do-thi-ven-song-hong-tai-khoi-dong-van-de-tri-thuy-van-dung-yen-a261298.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan