+Aa-
    Zalo

    Dự án 7000 tỷ đình trệ: Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo, Giám đốc Sở phớt lờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo sông Tích, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo, tuy nhiên, người đứng đầu một số sở ngành đã phớt lờ.

    Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo sông Tích, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, UBND TP Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo, tuy nhiên, người đứng đầu một số sở ngành đã phớt lờ “tối hậu thư” của lãnh đạo Thành phố...

    Lãnh đạo giao “tối hậu thư"

    Ngày 6/10/2010, UBND TP Hà Nội có quyết định số 4927/QĐ- UBND phê duyệt dự án "Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích” từ Lương Phú xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì, TP Hà Nội (gọi tắt là dự án sông Tích) với số vốn hơn 6.914 tỷ đồng, giao Sở NN&PTNT Hà Nội làm Chủ đầu tư, Công ty cổ phần tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh (Công ty Bình Minh) là đơn vị thi công.

    Trong quá trình thực hiện, do phát sinh nhiều bất cập nên nhà thầu thi công là Công ty Bình Minh đã có nhiều văn bản kiến nghị với lãnh đạo Thành phố để nắm bắt và kịp thời chỉ đạo xem xét, điều chỉnh.

    Cụ thể, ngày 24/5/2017, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và giải quyết các vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án sông Tích. Tại cuộc họp này, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, giao Chủ tịch UBND huyện Ba Vì trực tiếp tổ chức chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn huyện này, đảm bảo tiến độ xong trước ngày 31/6/2017. Chủ tịch huyện Ba Vì chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố nếu để chậm GPMB ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

    Về bổ sung định mức dự toán đóng, nhổ cọc cừ phục vụ thi công gói thầu 12b, UBND Thành phố đã có Văn bản số 150/TB-VP ngày 11/7/2016 yêu cầu Sở NN&PTNT khẩn trương phối hợp với Sở Xây dựng để hoàn thành định mức dự toán trình UBND Thành phố theo quy định.

    Thống nhất điều chỉnh biện pháp thi công đã được Chủ đầu tư chấp thuận như sau: hiện trường thi công đường vận chuyển đất, đá đào lòng dẫn ra bãi thải chạy dọc theo các ruộng trũng, nền mềm yếu, vận chuyển khó khăn nên giao cho Chủ đầu tư rà soát cụ thể, tính toán chi phí, cước vận chuyển theo cấp đường quy định hiện hành và đặc thù của địa bàn Hà Nội phù hợp với thực tế thi công.

    Phó chủ tịch Nguyễn Văn Sửu cũng chỉ đạo bổ sung đường thi công phục vụ xây dựng công trình. Giao Sở NN&PTNT có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với đơn vị thi công và các cơ quan liên quan để tổ chức thi công và chủ động thực hiện các công việc liên quan (tính toán đơn giá ca máy, bổ sung định mức dự toán, rà soát điều chỉnh biện pháp thi công và các công việc khác) để dự án triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu qủa.

    Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp tham mưu báo cáo UBND Thành phố cân đối, bổ sung kế hoạch vốn cho dự án (vốn GPMB và thi công xây dựng) theo đề xuất của Chủ đầu tư, đảm bảo đúng tiến độ quy định.

    Sở, ngành … đủng đỉnh

    Dự án sông Tích là công trình theo tuyến, chạy dài hai bờ 54km. Hiện trường trên tuyến chủ yếu đi qua ruộng trũng, nền mềm yếu, vận chuyển rất khó khăn. Tuy nhiên, tại Văn bản số 1572/UBND-NNNT ngày 01/3/2013, UBND TP Hà Nội lại không đồng ý cho chi phí làm đường mà “tận dụng bờ trong quá trình thi công, không làm đường phụ vụ thi công riêng". 

    Để điều chỉnh bất cập này, tại cuộc họp ngày 24/5/2017, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chỉ đạo bổ sung đường thi công phục vụ xây dựng công trình. Giao Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị thi công và các cơ quan liên quan để tổ chức thi công và chủ động thực hiện các công việc liên quan (tính toán đơn giá ca máy, bổ sung định mức dự toán, rà soát điều chỉnh biện pháp thi công và các công việc khác) để dự án triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

    Sự thờ ơ, chậm trễ của các cơ quan ban ngành Hà Nội đã khiến dự án cải tạo sông Tích "đóng băng" trong nhiều năm.

    Tuy nhiên, sau 4 năm chỉ đạo, cho đến nay, yêu cầu của Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội vẫn không được Giám đốc Sở NN&PTNT thực hiện, bởi thực tế theo Văn bản số 1572/UBND-NNNT ngày 01/3/2013, UBND TP Hà Nội không cho làm đường thi công, hiện nay nhà thầu vẫn không có đường thi công, giá ca máy cũng không cũng chưa được chủ đầu tư thống nhất thực hiện.

    Đặc biệt, ngày 19/2/2019, Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo (Văn bản số 12352/VP-KT) Sở KH&ĐT phối hợp với các Sở: Xây dựng, TN&MT, Quy hoạch kiến trúc, Giao thông vận tải, Công thương, NN&PTNT rà soát, tham mưu báo cáo lãnh đạo UBND Thành phố chủ trương điều chỉnh dự án cải tạo sông Tích trước ngày 30/12/2019.

    Mặc cho lãnh đạo Thành phố ra “tối hậu thư" như vậy, nhưng cho đến ngày 4/2/2020, Sở KH&ĐT cho biết “chưa nhận được báo cáo của các đơn vị (các Sở: NN&PTNT, Xây dựng, TN&MT, Quy hoạch kiến trúc, Giao thông vận tải, Công thương, UBND huyện Ba Vì, UBND thị xã Sơn Tây) nên chưa thực hiện được chỉ đạo của lãnh đạo UBND Thành phố tại Văn bản 12352/VP-KT. Và đến nay, các Sở vẫn chưa hoàn thành các công việc được giao.

    Mới đây nhất, ngày 30/11/2020, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Văn bản số 10377/VP-ĐT thông báo ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng về “xếp loại đường để xác định cước vận tải…”. Theo đó, ông Hùng đã chỉ đạo giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Xây dựng, các Sở ngành liên quan tổ chức khảo sát xếp loại đường do Thành phố quản lý, hệ thống đường huyện, liên xã theo quy định tại Quyết định số 32/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2005 của Bộ GTVT.

    Để tiếp tục triển khai dự án sông Tích, Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương có liên quan lập danh mục: với các tuyến đường do Sở Giao thông vận tải và cấp huyện quản lý, xác định rõ lộ trình vận chuyển, chiều dài tuyến, kết cấu mặt đường và các yếu tố kỹ thuật khác (như bề rộng mặt đường, chiều dài tầm nhìn trước chướng ngại vật, bán kính cong nằm, loại mặt đường….) làm cơ sở để Sở Giao thông vận tải phối hợp với các Sở: Tài chính, Xây dựng, các Sở, ngành và địa phương có liên quan khảo sát xếp loại đường theo Quyết định số 32/QĐ-BGTVT ngày 17/6/2005 của Bộ GTVT.

    Mặc dù Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng yêu cầu “khẩn trương thực hiện”, nhưng cho đến nay, Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài chính vẫn chưa thực hiện khảo sát xếp loại đường theo Quyết định số 32/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT để chủ đầu tư có căn cứ pháp lý thực hiện dự án.

    Do Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội chưa giải quyết dứt điểm… chậm trễ trong việc thực hiện các chỉ đạo nên đến nay, các kiến nghị của nhà thầu cũng như yêu cầu từ phía Thành phố vẫn chưa được các đơn vị nói trên thực hiện, dẫn đến tình trạng chủ đầu tư dự án không có cơ sở pháp lý để triển khai, áp dụng.

    Trả lời PV, ông Phùng Văn Phán, Phó Giám đốc Công ty Bình Minh cho biết, đến nay Công ty đã có 55 văn bản “cầu cứu” gửi lãnh đạo thành phố, các sở ngành liên quan. Sau khi nghiên cứu các văn bản thì nguyên nhân chính chậm giải quyết các kiến nghị của đơn vị thi công suốt 10 năm qua là do các Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT thiếu trách nhiệm, chưa kịp thời tham mưu cho UBND Thành phố, thực hiện các yêu cầu của Thành phố đối với dự án trọng điểm của Thủ đô. UBND TP Hà Nội chưa chỉ đạo cụ thể, dứt điểm, có chế tài đối với liên ngành (Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NN&PTNT) trong việc xây dựng định mức, đơn giá như các tỉnh khác theo quyết định của bộ chuyên ngành  để Thành phố duyệt làm căn cứ cho tư vấn thiết kế, chủ đầu tư áp dụng nên kéo theo dự án bị đình trệ nhiều năm, có nguy cơ gây thất thoát tiền của Nhà nước, nhân dân vùng lưu vực sông phải chịu ô nhiễm nặng và làm khổ Doanh nghiệp.

    Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc…

    Tại buổi làm việc với Huyện uỷ Ba Vì ngày 20/4/2020, đồng chí Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đã yêu cầu tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án trọng điểm của Thành phố (dự án sông Tích, đường Yên Bài – Tản Lĩnh…), quyết liệt chỉ đạo để đảm bảo giải ngân đầu tư công theo kế hoạch. Tuy nhiên, dự án cải tạo sông Tích vẫn dậm chân tại chỗ.

    PV

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/du-an-7000-ty-dinh-tre-lanh-dao-thanh-pho-chi-dao-giam-doc-so-phot-lo-a362752.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan