(ĐSPL) - Khoảng 14h chiều 22/2/2015 (tức ngày mồng 4 Tết), chợ Kinh Môn (thị trấn Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) bỗng bốc cháy dữ dội. Lửa đã thiêu rụi nhiều gian hàng trong chợ, gây ra cảnh hỗn độn, hoảng loạn cho các tiểu thương.
Hiện trường vụ cháy. |
Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (Công an tỉnh Hải Dương) đã điều 50 chiến sỹ cùng 5 xe chuyên dụng chữa cháy đến dập lửa. Ngoài ra, xí nghiệp Kho vận xăng dầu A34 và công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch cũng điều thêm hai xe cứu hỏa đến trợ giúp dập lửa. Đến 17h cùng ngày, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, rất may là không có thiệt hại về người.
Theo người dân và các tiểu thương ở đây cho biết, chiều hôm đó, có một tiểu thương kinh doanh trong chợ làm lễ hóa vàng, đốt vàng mã lửa cháy đùng đùng, bén sang thùng xốp để bên cạnh, rồi lan nhanh ra các gian hàng quần áo xung quanh. Đám cháy kinh hoàng đã thiêu rụi nhiều ki ốt trong chợ, ước tính thiệt hại ban đầu lên đến cả tỉ đồng. Nhiều chủ ki ốt bị cháy kêu gào thảm thiết vì mất của, không ít kẻ gian lợi dụng lúc nhốn nháo, trộm của, hôi đồ có giá trị.
Được biết, Công an tỉnh Hải Dương đang điều tra, làm sáng tỏ nguyên nhân vụ cháy. Thông tin ban đầu cho thấy, lửa bùng phát từ các ki ốt kinh doanh vàng mã, quần áo, sau đó cháy lan ra các khu vực xung quanh.
Theo thống kê, có khoảng 100/240 ki ốt trong chợ Kinh Môn đã bị cháy rụi. Đây được xem là vụ cháy đầu tiên trong năm mới Ất Mùi.
Kẻ làm cháy chợ phải bồi thường thiệt hại
Ngay trong những ngày đầu năm mới, vụ cháy chợ Kinh Môn quả là một cú sốc lớn đối với các tiểu thương có ki ốt bị cháy. Cơ quan điều tra đang xác minh, làm rõ ai là người gây ra hỏa hoạn.
Thực tiễn cho thấy, rất nhiều người gây ra hoả hoạn không chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy mà còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại về tài sản.
Đây là một dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định trong Bộ luật Dân sự. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại thể hiện đầy đủ trong Điều 604.
Theo đó, người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.
Điều 605 Bộ luật Dân sự nêu rõ thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.
Để được bồi thường theo đúng quy định pháp luật, người bị thiệt hại về tài sản cần làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại lên Toà án địa phương. Toà án sẽ thụ lý vụ án và đưa vụ kiện dân sự ra xét xử. Vụ cháy chợ này gây ra thiệt hại rất lớn về tài sản cho nhiều người.
Do vậy, ai nộp đơn khởi kiện trước sẽ rất có lợi, vì theo suy nghĩ chủ quan của tôi, phía bị đơn khó có thể cùng một lúc bồi thường thiệt hại cho tất cả mọi người.