+Aa-
    Zalo

    Đột phá hạ tầng nhìn từ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dự án cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đang trong giai đoạn triển khai quyết liệt để đưa toàn tuyến vào sử dụng vào cuối năm 2015.

    (ĐSPL) - Dự án cao tốc Hà Nội- Hải Phòng đang trong giai đoạn triển khai quyết liệt để đưa toàn tuyến vào sử dụng vào cuối năm 2015.

    Ngày 18/12, kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Hà Nội- Hải Phòng, một trong những dự án đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, Trưởng ban Kinh tế TƯ Vương Đình Huệ cho hay ông thấy vui khi chủ trương của Đảng về đột phá hạ tầng, đang trở thành hiện thực trên từng cung đường.

    Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ (thứ 3 từ phải sang) kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Hà Nội-  Hải Phòng.

    Vào tháng 3/2007, Thường trực Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì cùng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam huy động vốn và triển khai đầu tư xây dựng dự án đường ôtô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo hình thức BOT. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn triển khai rất quyết liệt để hoàn thành đoạn tuyến qua thành phố Hải Phòng vào cuối năm 2014 và đưa toàn tuyến vào sử dụng vào cuối năm 2015.

    Đến nay VDB đã huy động đáp ứng được nhu cầu cho dự án, cụ thể: đã huy động từ trong nước 12.000 tỷ đồng; từ các tổ chức tài chính nước ngoài 570 triệu USD và đang đàm phán để vay 1.030 triệu USD. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng các bộ Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch – Đầu tư thẩm định Tổng mức đầu tư của Dự án. Kết quả thẩm định tổng mức đầu tư của Dự án năm 2014 là: 45.522 tỷ đồng.

    “Lợi thế nhất của dự án này là đảm bảo được nguồn vốn, trong đó, huy động chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài”, quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý VDB, ông Nguyễn Quang Dũng cho biết và khẳng định: “Triển khai thực hiện dự án hạ tầng giao thông và các dự án hạ tầng đồng bộ với quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao là một thách thức và là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng bằng trách nhiệm cao nhất với quốc gia, chúng tôi đảm bảo dự án này sẽ về đích đúng thời hạn”

    Trưởng ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, đầu tư đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng lại cấp bách nên việc Chính phủ giao cho các ngân hàng huy động vốn, các công ty cùng góp vốn đầu tư xây dựng tuyến đường là phù hợp với chủ trương xã hội hoá đầu tư.

    Dự án cao tốc Hà Nội- Hải Phòng cũng là dự án BOT lớn nhất từ trước đến nay mà Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường thể hiện niềm tự hào về công việc thành công nhất mà ngành giao thông làm được trong mấy năm nay, chính là huy động các nguồn lực khác ngoài ngân sách nhà nước và dự án này là một ví dụ nổi bật cho việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Không cần phải sử dụng quá nhiều tiền ngân sách mới có thể tạo đươc đột phá.

    Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải, là Dự án đường cao tốc được áp dụng một số tiêu chuẩn quốc tế, được đầu tư theo hình thức BOT, đây cũng là một trong những dự án đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, với mức đầu tư cho mỗi km đường cũng là lớn nhất từ trước đấy.

    Do vai trò quan trọng của tuyến đường Hà Nội – Hải Phòng, là tuyến vận tải chính, đáp ứng hầu hết lưu lượng giao thông đường bộ đến cảng Hải Phòng, có lưu lượng vận chuyển hàng hóa vào loại lớn nhất cả nước với mật độ giao thông lớn, phương tiện vận tải có trọng tải lớn chiếm tỷ lệ cao.

    Vì vậy, đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được thiết kế là đường cao tốc loại A, tổng chiều dài tuyến 105,5km,  vận tốc thiết kế 120km/h, 6 làn xe chính, 2 làn dừng khẩn cấp, thu phí theo hình thức khép kín, 2 bên có hệ thống đường gom, 2 dải cây xanh, có 10 nút giao kết nối với các địa phương.

    Cũng theo ông Nguyễn Quang Dũng, đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cho thấy chủ đầu tư và các nhà thầu đã thiết lập hệ thống quản lý chất lượng công trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Dự án và phù hợp quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng…

    Cho đến nay, chưa phát hiện sự việc nào nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Dự án đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra năm 2011; thanh tra Bộ Xây dựng tổ chức thanh tra năm 2013; Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán giai đoạn 1 cho dự án trong năm 2014; sau khi dự án hoàn thành sẽ tiếp tục triển khai kiểm toán giai đoạn 2 vào năm 2016.

    Phải thay đổi tư duy về hạ tầng

    Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng là một trong những dự án thí điểm mà dư luận vẫn gọi là “bán đường”. Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã được Thường trực Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án và được phép góp vốn của VIDIFI với Nhóm nhà đầu tư nước ngoài để thành lập Công ty cổ phần quản lý Dự án.

    Ngày 27/10/2014, VIDIFI và đại diện Nhóm các nhà đầu tư đã ký hợp đồng nguyên tắc tại Ấn Độ dưới sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao giữa hai nước. Trước mắt tỷ lệ vốn góp trong công ty cổ phần của VIDIFI là 51\% và Nhóm các nhà đầu tư góp 49\%. Nhà đầu tư mong muốn nâng tỷ lệ góp vốn lên 70\%.

    Về chuyện “bán đường”, trong dư luận thời gian đã nổi lên nhiều lo ngại. Song, như phân tích của Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng, nếu không thay đổi tư duy, chỉ trông vào ngân sách nhà nước hay trái phiếu Chính phủ, thì sẽ thất bại. Phải thay đổi cách làm, thay đổi tư duy về đầu tư hạ tầng để đạt được mục tiêu đầu tư xây dựng 2.000 km đường cao tốc. Nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều và rất quan tâm đến dự án của Việt

    Nam
    .
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-pha-ha-tang-nhin-tu-cao-toc-ha-noi-hai-phong-a75039.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan