Xưởng may sản xuất quần áo nhái mang đủ loại các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Buberry, Nike, Adidas, Tommy...
Xem video:
Ngày 2/11, chúng tôi đã có mặt tại khu vực chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội) ngay sau khi nhận được tin báo Đội quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện một cơ sở sản xuất hàng may mặc chuyên giả các nhãn mác, thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng như trong nước.
Xưởng may mặc thuộc xóm 9, Ninh Hiệp nằm sâu trong một khu sinh thái. Tại đây, quần áo được sản xuất và nhái mang đủ loại các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Buberry, Nike, Adidas, Tommy...
Ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Nga, xóm 9, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: Hàng này người ta đặt thì làm, cũng không biết là mang đi đâu, hàng thành sản phẩm thì cũng chỉ bán cho bà con.
Xác định làm nhái sản phẩm nổi tiếng để thu lợi nên xưởng này hoạt động rất tinh vi: chỉ sản xuất vào ngày thứ 7, chủ nhật và vào đêm. Phải mất rất nhiều thời gian, lực lượng quản lý thị trường mới có thể tiếp cận để bắt quả tang hành vi làm hàng giả. Tại thời điểm lực lượng quản lý thị trường bất ngờ ập vào, phát hiện có trên 1.000 sản phẩm và hàng triệu nhãn mác bị làm giả.
Theo ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 14, Cục Quản lý Thị trường TP.Hà Nội cho biết: "Hầu hết các nhãn mác thương hiệu nổi tiếng thuộc diện được bảo hộ ở Việt Nam đều đang bị làm giả. Chúng tôi sẽ cố gắng điều tra, xử lý dứt điểm. Nếu có thể, chúng tôi sẽ áp dụng xử lý hình sự theo đúng quy định của pháp luật".
Chủ cơ sở sản xuất cho biết: "Một thành phẩm mất tổng chi phí chỉ khoảng 30 ngàn đồng. Nhưng trên thực tế, bán ra ngoài thị trường có giá lên đến vài trăm ngàn đồng. Ở những cửa hàng lớn, giá có thể cao hơn do sản phẩm mang mác hàng hiệu." Như vậy, nhiều người tiêu dùng chắc chắn đã phải bỏ số tiền không tương xứng để mua những sản phẩm giả.
Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của nhãn mác và vải, ông Nguyễn Văn Dũng, Đại diện cơ sở sản xuất của bà Nguyễn Thị Nga, xóm 9, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội nói: Tem thì em mua bên Bắc Ninh, còn vải thì em nhập từ công ty về.
Trong loạt bài phản ánh về tình hình buôn lậu, gian lận và hàng giả tại Lạng Sơn, chúng tôi đã ghi nhận được hình ảnh rất nhiều bọc hàng vận chuyển lậu, gian lận thương mại từ biên giới có ghi địa chỉ nhiều người nhận tại chợ Ninh Hiệp.
Cũng ở khu nhà kho của xưởng sản xuất hàng nhái thương hiệu nổi tiếng nói trên, hiện vẫn còn nhiều kiện vải còn nguyên tem Trung Quốc. Mối liên hệ giữa những kiện vải được nhập từ Trung Quốc tại xưởng vải ở Ninh Hiệp và những hình ảnh ghi lại nhiều kiện vải ở biên giới có ghi địa chỉ nhận là Ninh Hiệp rốt cuộc là như thế nào thì xin nhường lại cho cơ quan chức năng trả lời.