(ĐSPL) - Từng làm bảo vệ ngân hàng, biết rõ đường đi lối lại của cơ quan, Phát đã trèo lên nóc nhà rồi đu dây thừng qua lỗ thông gió để đột nhập vào trộm cắp.
Theo báo Khánh Hòa, sáng 21/11, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND tỉnh Khánh Hòa quyết định chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh giữ nguyên mức án 9 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản đối với Ngô Lê Tấn Phát (sinh năm 1991, trú Diên Lộc, Diên Khánh, Khánh Hòa).
Bị cáo Phát tại tòa - Ảnh: báo Công an TP. HCM. |
Như báo Công an TP. HCM thông tin, Phát nguyên là bảo vệ của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (tại chi nhánh xã Diên Phước, huyện Diên Khánh) nên biết rõ vị trí và lối ra vào của ngân hàng (tháng 1/2015, Phát nghỉ việc tại ngân hàng).
Ngày 1/4, Phát đột nhập vào ngân hàng chi nhánh xã Diên Phước để trộm cắp tài sản nhưng chưa thực hiện được thì bị phát hiện đưa về trụ sở UBND xã Diên Phước làm việc. Tại đây, Phát khai nhận đã thực hiện vụ trộm máy tính xách tay ngày 1/5/2015 của ngân hàng này.
Theo đó, khoảng 23h ngày 30/4/2015, Phát đem theo một cuộn dây thừng từ nhà trọ ở Nha Trang đón xe thồ của một người đàn ông không rõ lai lịch đến ngân hàng để trộm cắp tài sản. Đến 0h30’ ngày 1-5-2015 đến nơi, thấy không có người trông coi, Phát leo lên ô thông gió trên nóc của ngân hàng rồi cột dây thừng vào móc sắt ô thông gió, từ đó đu dây thừng vào ngân hàng.
Phát vào phòng giám đốc lấy 1 máy tính xách tay (trị giá 7,8 triệu đồng) rồi ra ban công tầng lầu đu dây thừng xuống đất, sau đó đón xe của người đi đường về lại Nha Trang, gặp anh Bùi Đỗ Khắc Sỹ cầm máy tính được 3 triệu đồng. Khoảng 10 ngày sau, Phát chuộc lại máy tính xách tay trên và bán cho một thanh niên không rõ lai lịch với giá 3,5 triệu đồng.
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản (Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009): 1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng. Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo |
PHƯƠNG ANH (Tổng hợp)
Xem thêm video tại đây:
[mecloud]Y5DLq5txpw[/mecloud]