(ĐSPL) - Để thu được lợi nhuận cao, cơ sở sản xuất cà phê bột đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng để cho ra những mẻ cà phê kém chất lượng, được làm bằng công nghệ từ bắp, đậu nành, hóa chất, hương liệu…
Cơ quan chức năng cho rằng rất khó quản lý chất lượng cà phê bột do thiếu kinh phí để kiểm tra, xét nghiệm, phần khác do chủ cơ sở tìm cách đối phó…
Chế biến cà phê theo ý thượng đế
Thông qua lời giới thiệu của bà chủ quán bán nước giải khát, chúng tôi tìm gặp Nh., chủ cơ sở sản xuất cà phê bột giá rẻ ở TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Sau một hồi dẫn khách đi tham quan cơ sở rang xay, chế biến rộng khoảng 40m2, được dựng bằng tôn, dưới nền chất đầy cà phê. Nh. khoe cà phê của anh ta không đâu rẻ bằng và được phân phối khắp các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Đà Nẵng…
Ảnh minh họa. |
Để khách tin, Nh. lấy ra 3 mẫu cà bột đựng trong 3 chiếc bao bì y hệt nhau. 3 mẫu cà phê tương ứng loại A giá 55.000 đồng/kg, loại B giá 43.000 đồng/kg, loại C giá 35.000 đồng/kg. Mức giá này đã được Nh. chốt hạ, không thêm không bớt một đồng bất kể khách hàng đặt nhiều hay ít.
Với mỗi loại cà phê, Nh. chào mời, hàm lượng cafein bên trong hoàn toàn khác nhau, vì thế, tỷ lệ pha trộn giữa cà phê và chất độn thay thế như bắp, đậu nành là khác nhau. Cà phê càng rẻ thì tỷ lệ cafein càng thấp, tỷ lệ cà phê được sử dụng để chế biến càng ít.
Theo Nh., 3 mẫu cà phê trên đều làm từ nguyên liệu là đậu nành và cà phê chứ không có bắp. Cụ thể, loại A, tỷ lệ cà phê - đậu nành lần lượt là 50 – 50, loai B: 30 – 70, loại C toàn là đậu nành. Để chế biến cho giống hương vị cà phê, Nh. bật mí là phải sử dụng các hóa chất, nguyên liệu… như chất béo, chất tạo sánh, hương dừa, chất tạo màu, caramel…
Chúng tôi hỏi cách phân biệt 3 mẫu cà phê mà Nh. vừa chào hàng, Nh. bật mí là loại càng rẻ tiền thì cà phê càng sánh, còn loại cà phê nhiều thì lỏng, ít sánh hơn. Cà phê sánh do sử dụng nhiều hương liệu để tẩm và Nh. có thể thay đổi độ đắng, sánh cà phê theo ý khách. Nh. tiết lộ hóa chất, nguyên liệu chế biến cà phê được anh này nhập từ TP.HCM.
Sau khi xem 3 mẫu cà phê, chúng tôi chê cà phê bột còn đắt, muốn được mua cà phê rẻ hơn nữa. Nh. ngẫm nghĩ một hồi rồi bảo nếu rẻ nữa thì chỉ có làm cà phê từ bắp độn đậu nành (giá bắp thấp hơn đậu nành), hoặc làm toàn bắp. Nh. cho biết nếu dùng nhiều bắp để chế biến cà phê sẽ làm cho cà phê chua, sánh, sệt rất dở, khách hàng chê, không dám uống, dẫn đến mất khách, mất thương hiệu. Vì vậy, cơ sở của Nh. chưa làm hai mẫu cà phê này. Thế nhưng trước đơn đặt hàng “hấp dẫn” của chúng tôi, Nh. đồng ý, đồng thời chốt giá loại 50 bắp – 50 đậu nành giá 29.000 đồng/kg, loại toàn bắp giá 18.000 đồng/kg, cộng với điều kiện đi kèm: bao bì đựng cà phê do khách hàng tự lo.
Chúng tôi tiếp tục tìm đến một cơ sở sản xuất cà phê bột ở huyện Cư M’gar, Đắk Lắk. Tiếp chúng tôi, Tr. tự nhận mình là nhân viên của cơ sở, mời chào loại cà phệ bột giá 55.000 đồng/kg. Lúc ra về, Tr. tư vấn chúng tôi cứ đem mẫu cà phê về bán cho khách dùng thử, nếu khách thích thay đổi vị đắng, sánh thì quay lại đây để trao đổi thêm…
Khó quản vì không có thiết bị
Tại Đắk Lắk, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát hiện, bắt quả tang nhiều cơ sở sản xuất cà phê kém chất lượng, đáng chú ý hơn có đơn vị đã 2 lần bị phạt vì hành vi trên. Mới đây nhất, vào tháng 1/2015, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường. Công an tỉnh Đắk Lắk kiểm tra cơ sở sản xuất cà phê bột của ông Nguyễn Đình Quang (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) khi cơ sở này đang cho ra lò những mẫu cà phê bột.
Ông chủ cơ sở này thừa nhận cơ sở của ông chế biến cà phê theo công thức 10 cà phê + 90 bắp, đậu nành, hóa chất, phụ gia… Mỗi ngày cho ra lò khoảng 100kg, được đựng trong các bao tải để mang đi bỏ mối cho các cơ sở bán cà phê, nước giải khát ở Đắk Nông. Chủ cơ sở thừa nhận với công thức pha chế như trên thì không đảm bảo chất lượng. Công an tỉnh đã lấy vật phẩm gửi đi kiểm nghiệm.
Xem thêm video: Kinh hoàng với lò chế biến cà phê siêu bẩn ở Buôn Mê Thuột.
Trong năm 2014, Chi cục quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Đắk Lắk kiểm tra, phát hiện 5 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính hơn 61 triệu đồng. Trong đó, có 2 cơ sở sản xuất cà phê bột kém chất lượng. Cơ sở của ông Nguyễn Đình Quang (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) nói trên cũng có tên.
Ông Trần Quốc Toàn, Chi cục phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản Đăk Lắk, cho biết: Hàng năm chi cục đều đi kiểm tra định kỳ các cơ sở chế biến cà phê bột trên địa bàn. Việc kiểm tra, phát hiện sai phạm là rất khó vì có trường hợp cơ sở tìm cách để đối phó với lực lượng chức năng, ngoài ra, nghiệp vụ chưa được chuyên sâu, thiếu kinh phí lấy mẫu, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ để phân tích mẫu đã gây khó khăn cho việc kiểm tra. Thời gian tới, chi cục sẽ thường xuyên phối hợp với các các ngành, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất cà phê bột. Trường hợp phát hiện sản xuất cà phê kém chất lượng sẽ xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Đào Chí, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, cho biết, hàng hóa lưu thông trên thị trường, đơn vị chỉ kiểm tra hàng hóa về nhãn mác, giá bán, hạn sử dụng, còn chất lượng thì rất khó vì thiếu máy móc để kiểm tra. Từ trước đến nay, đơn vị chưa phát hiện cơ sở nào vi phạm nhãn mác, hạn sử dụng. Ngoài ra, ông Chí cũng cho biết, việc cà phê bột kém chất lượng xuất hiện trên thị trường, làm ảnh hưởng tới thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột còn có nguyên do là mức xử phạt các cơ sở vi phạm chưa đủ nặng.
Theo ông Trần Văn Tiết, Chi cục phó Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Sở Y tế Đắk Lắk, sản phẩm cà phê bột muốn lưu thông trên thị trường thì phải được đơn vị cấp giấy xác nhận công bố phù hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Để được cấp giấy này, các cơ sở sản xuất phải tự công bố hàm lượng cafein, độ ẩm…, sau đó phải đi xét nghiệm để chứng minh sản phẩm đúng với những tiêu chí công bố đó. Sau khi các cơ sở công bố, đơn vị có quyền đi kiểm tra hậu công bố nhằm xem họ có chấp hành đúng chỉ tiêu công bố hay không: “Phía chi cục chưa kiểm tra hậu công bố các sản phẩm cà phê do không đủ kinh phí để lấy mẫu, xét nghiệm…”, ông Tiết nói và thừa nhận đã có cơ sở sản xuất cà phê bột trên địa bàn tỉnh bị ngành chức năng xử phạt do sản xuất cà phê không đảm bảo chất lượng như công bố.
Cũng theo ông Tiết, đơn vị có kế hoạch vào cuối tháng 3 sẽ tiền hành kiểm tra hậu công bố các sản phẩm của ngành nông nghiệp trong đó có cà phê, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt.
Nguy hại khó lường!
Việc chế biến cà phê bột bằng cách sử dụng nhiều chất độn như bắp, đậu nành để thay thế sẽ giúp chủ cơ sở thu được lợi nhuận cao (giá bắp, đậu nành thấp hơn giá cà phê). Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk, cảnh báo: “Ngũ cốc rang xay sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, còn mức độ ảnh hưởng tùy thuộc vào nhiệt độ rang. Việc sử dụng các loại phụ gia, hóa chất không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc trong chế biến cà phê bột cũng tiềm ẩn những mỗi nguy hại khó lường”. Bà Lan khuyến cáo, để tự bảo vệ sức khỏe mình, người tiêu dùng nên chọn dùng những loại sản phẩm cà phê bột có thương hiệu để sử dụng.
Nói về việc cà phê “bẩn” kém chất lượng trôi nổi trên thị trường, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, gọi đó là “những con sâu làm rầu nồi canh”, vì lợi nhuận mà cho ra lò những mẫu cà phê kém chất lượng, làm ảnh hưởng đến thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng.
Ông Minh cho biết: “Sắp tới, hội có kế hoạch sẽ thành lập hội những nhà rang xay cà phê. Khi ấy những cơ sở sản xuất cà phê bột nào đủ điều kiện thì sẽ được gia nhập, được gắn logo cà phê Buôn Ma Thuột, những cơ sở không đủ điều kiện đề ra thì không được phép dán logo này lên bao bì”.