Tại xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, thuộc khu vực biên giới Việt - Lào đang diễn ra tình trạng khai thác trái phép quặng thạch anh. Một nhóm đối tượng đã đưa máy móc vào khu vực thuộc vùng đất lâm nghiệp Nhà nước giao cho người dân quản lý, trồng rừng sản xuất để khai thác thạch anh. Điều đáng nói sự việc diễn ra hơn một năm nay nhưng chính quyền địa phương không hề có biện pháp xử lý hay ngăn chặn.
Hiện trường khai thác đá thạch anh. |
Núp bóng việc cải tạo vườn đồi để “rút ruột” thạch anh
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết, đơn vị đã có văn bản hỏa tốc số 852/UBND-TNMT gửi Công an huyện Thanh Chương, đồn Biên phòng Ngọc Lâm và UBND xã Thanh Sơn để chỉ đạo xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Trước đó, vào ngày 4/6, tổ công tác sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An bất ngờ kiểm tra khu vực bản Nhạn Cán, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một nhóm người điều khiển 2 chiếc máy xúc đang hối hả đào bới lấy quặng trên triền núi.
Tại hiện trường có rất nhiều quặng đá đủ kích thước (có những khối lên đến vài m3 ) được thu gom, ngổn ngang chờ phương tiện vận xuất. Qua kiểm tra, tổ công tác xác định đây là đá thạch anh, một loại quặng có giá trị kinh tế rất cao. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm, đồng thời tổ chức tạm giữ phương tiện khai thác trái phép. Tuy nhiên, một người trong nhóm này tự nhận là tổ trưởng lại khai rằng họ không phải khai thác đá mà đang thực hiện cải tạo vườn cho một hộ dân xã Thanh Sơn.
Trước nhiều nghi vấn trong vụ việc trên, PV báo ĐS&PL đã vượt gần 100km đến với vùng biên giới xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương. Vị trí có tình trạng khai thác quặng trái phép cách trụ sở UBND xã Thanh Sơn khoảng 6km. Đây là khu vực đất lâm nghiệp Nhà nước giao cho người dân các xã Kim Đa, Hữu Dương, huyện Tương Dương khi họ tái định cư về.
Con đường tới hiện trường không khó tìm nhưng vô cùng khó đi với nhiều ổ voi, ổ gà do những chiếc xe quá tải thường xuyên lưu thông. Từ đầu bản Nhạn Cán hướng về vùng núi, hiện lên rất rõ các một khoảng trống màu nâu vàng, thể hiện có sự đào xới đất rừng. Tại đây, núi rừng bị đào bới tan hoang, hàng nghìn tấn đá nằm rải rác khắp nơi, thậm chí đất đá san ủi vùi lấp nhiều đoạn khe suối bên sườn đồi.
Được biết, khu đất này là của gia đình bà Lô Thị Minh, bản Nhạn Cán, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương được chính quyền địa phương giao khoán trồng rừng. Tuy nhiên, từ giữa tháng 4/2018 đến nay, khu đất này được một nhóm người thỏa thuận với gia đình bà Minh để cải tạo vườn đồi nhưng thực chất là khai thác trái phép đá thạch anh.
“Nhóm người khai thác ở TP.Vinh lên đây, họ nói là đất trồng rừng của gia đình tôi toàn đá sỏi nên cây cối khó trồng. Cho họ đào lấy đá thì họ sẽ san ủi bằng phẳng, đồng thời sẽ đền bù tiền những cây keo bị chặt do đào lấy đá. Thấy họ nói đúng nên gia đình tôi đồng ý cho họ đào lấy đá. Chúng tôi làm giấy tờ xin xã cho phép cải tạo vườn đồi”, bà Lô Thị Minh cho hay.
Sau khi thỏa thuận với gia đình bà Minh, nhóm người này huy động máy móc, phương tiện vào khu vực rừng trồng để khai thác đá thạch anh. Đáng nói, mặc dù nhóm “quặng tặc” khai thác suốt một thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hề biết, khi phát hiện thì không xử lý dứt điểm nên rất nhiều khoáng sản đá thạch anh bị khai thác và vận chuyển ra khỏi địa bàn.
Theo người dân địa phương, trước đây hàng ngày có khoảng 4-5 chuyến xe tải hạng nặng chở đá thạch anh đi từ trong khu vực khai thác ra ngoài. Hậu quả khiến đường sá bị hư hỏng, bụi bặm và ô nhiễm. Mọi người đã có phản ánh với chính quyền nhưng không thấy cơ quan chức năng có động tĩnh gì.
Ai chịu trách nhiệm?
Trong biên bản, tổ công tác sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định đây là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép với quy mô lớn. Kiểm tra loại quặng đá này, tổ công tác xác định đây là đá thạch anh, một loại quặng có giá trị kinh tế rất cao. Bởi tính chất hoạt động khai thác trái phép có tổ chức, quy mô lớn, hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra nhiều ngày nên tổ công tác đã yêu cầu chính quyền xã Thanh Sơn và huyện Thanh Chương đến hiện trường để cùng lập biên bản vi phạm, đồng thời tổ chức tạm giữ phương tiện khai thác trái phép.
“Đây là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trước mắt, yêu cầu xã Thanh Sơn thực hiện tạm giữ phương tiện máy móc khai thác trái phép, đình chỉ và cho người bảo vệ khu vực có khai thác khoáng sản trái phép để không tái diễn tình trạng này...”, tổ công tác của sở Tài nguyên và Môi trường nêu yêu cầu.
Liên quan đến vụ việc, ông Lô Văn Mão, Trưởng Công an xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương thừa nhận, khu vực khai thác là đất lâm nghiệp Nhà nước giao cho nhân dân sử dụng và tình trạng khai thác trái phép quặng đá có từ cách đây hơn 1 năm. “Chỉ những khi trời mưa thì họ mới dừng khai thác, còn không thì hoạt động liên tục. Chính quyền xã đã tổ chức vào kiểm tra xác định nhóm khai thác quặng không có bất cứ giấy tờ gì chứng tỏ được Nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, khi được hỏi thì họ bảo chỉ cải tại vườn đồi giúp người dân”, ông Mão nói.
Ban công an xã đã kiến nghị Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn báo cáo tình trạng trên lên UBND huyện Thanh Chương, thế nhưng sau đó không có phản hồi. “Khi đó, họ tự thỏa thuận nên UBND xã không biết. Sau đó, chính quyền xã có vào kiểm tra, xử lý vài lần nên họ dừng khai thác 1-2 tháng. Đến tháng 3/2019, họ quay lại khai thác tiếp, khai thác đến ngày 4/6 thì cơ quan chức năng vào cuộc lập bản”, lãnh đạo xã Thanh Sơn cho biết.
Nói về việc này, ông Nguyễn Văn Quế, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương thông tin, trong các cuộc họp giao ban hàng tháng đều quán triệt rõ về tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, nhưng không thấy ai báo cáo về vụ việc ở xã Thanh Sơn.
“Chúng tôi đã có công văn đề nghị Công an huyện Thanh Chương vào cuộc điều tra, làm rõ vụ việc. Đồng thời yêu cầu UBND xã Thanh Sơn tạm giữ các phương tiện khai thác, vận chuyển trái phép chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật”, ông Quế nói.
Phía UBND huyện cũng đã yêu cầu xã Thanh Sơn họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong vụ việc, bởi để xảy ra tình trạng khai thác trong thời gian dài mà chậm xử lý, xử lý không dứt điểm, không báo cáo sự việc. Với đồn Biên phòng Ngọc Lâm, UBND huyện cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra người và phương tiện hoạt động trong khu vực biên giới, nếu phát hiện có vi phạm thì xử lý theo quy định của pháp luật.
Anh Ngọc
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số tháng 24