+Aa-
    Zalo

    Đột nhập công trường “tàn sát” rừng phòng hộ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khu rừng phòng hộ Sông Lò nằm trên địa bàn 2 huyện Quan Sơn và Lang Chánh bị “xẻ thịt”, rất nhiều các cây gỗ lớn bị đốn hạ. Kiểm lâm,cơ quan chức năng biết nhưng “bất lực".

    Thời gian gần đây, khu rừng phòng hộ Sông Lò nằm trên địa bàn hai huyện Quan Sơn và Lang Chánh (Thanh Hóa) bị “xẻ thịt”, rất nhiều các cây gỗ lớn bị đốn hạ. Kiểm lâm, cơ quan chức năng có biết nhưng… “bất lực”.

    Hàng loạt cây gỗ to bị hạ

    Theo phản ánh của người dân xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, rừng phòng hộ Sông Lò đang bị lâm tặc đốn hạ rất nhiều những cây gỗ có đường kính lớn một cách ngang nhiên.

    Từ những thông tin trên, chúng tôi đã có mặt tại bản Nà Đang. Theo chân một người dân tên T., phải đi mất cả giờ đồng hồ mới vào được tận nơi nhóm lâm tặc đang ngày đêm “xẻ thịt” khu rừng.

    Đột nhập công trường “tàn sát” rừng phòng hộ

    Hàng chục thân gỗ nằm ngổn ngang tại bản Nà Đang

    Đột nhập công trường “tàn sát” rừng phòng hộ

    Những cây gỗ đã được hạ xuống

    Anh T. bảo: Cứ theo tôi, dọc đường đi này các anh cũng dễ dàng chụp được ảnh những cây gỗ to nằm la liệt bên đường.

    Quả đúng như lời T. nói, chỉ mới đi được khoảng nửa tiếng đồng hồ đường rừng, chúng tôi đã được “mục sở thị” hàng loạt những khối gỗ to như: Sến, Táu, Vàng cương, Mỡ… có những gốc cây to tới hai người ôm không hết.

    Trước khi chúng tôi vào bên trong khu rừng, anh T. dặn dò rất kỹ: “Nếu bọn lâm tặc mà hỏi thì bảo anh em ở dưới suôi lên tìm phong lan rừng. Trước khi đi, phải mua vài bao thuốc lá, gặp bọn chúng lấy thuốc ra mời”.

    Vào sâu bên trong khu vực Lán Cháy (tên người dân địa phương hay gọi), tận mắt chứng kiến nhiều cây gỗ to vừa bị đốn hạ còn nguyên nhựa sống. Những cây gỗ to, dài được bọn lâm tặc cắt thành khúc ngắn để dễ dàng vận chuyển.

    Không chỉ ở khu vực Lán Cháy, khu vực như: Mè Giàng, dốc Ông Viện… cũng bị lâm tặc đốn hạ, cắt thành từng hộp rồi sau đó dùng xe máy chở chạy theo đường mòn ra ngoài rừng.

    Theo anh T., lâm tặc thường hoạt động ban ngày. Đến đêm, chúng thường đi thành một nhóm khoảng 4 - 6 người vào bên trong rừng vận chuyển gỗ ra ngoài. Sở dĩ bọn chúng phải đi từng nhóm như vậy là để đề phòng lực lượng chức năng kiểm tra, bọn chúng còn có người uy hiếp lại.

    Theo ghi nhận của chúng tôi, tại những địa điểm trên nhiều gốc cây cổ thụ bị đốn hạ chỉ còn trơ trọi gốc. Những thân gỗ đã bị đốn hạ nằm ngổn ngang chờ người đến vận chuyển. Càng vào sâu bên trong, càng nhiều cây bị đốn hạ như một “công trường” khai thác gỗ.

    Lâm tặc chặt gỗ và vận chuyển công khai đến nỗi ngay tại trung tâm bản Nà Đang, chúng tôi dễ dàng thấy những khúc gỗ tròn (gỗ để sử dụng làm trụ nhà) bày tràn lan ra cả đường.

    Anh T. bảo, họ làm gỗ tròn như cột nhà là để “che” mắt cơ quan chức năng. Khi có lực lượng đến kiểm tra thì họ bảo lấy về làm nhà.

    Kiểm lâm tiếp tay?

    Để làm rõ việc lâm tặc phá rừng một cách công khai như vậy, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Vĩnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh thừa nhận có tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở Nà Đang (Lâm Phú).

    Ông Vĩnh cho biết thêm, từ cuối năm 2013 đầu năm 2014, Hạt đã tăng cường lực lượng kiểm lâm giám sát địa bàn, nhưng không ngăn được do địa bàn rộng, lực lượng mỏng.

    Đột nhập công trường “tàn sát” rừng phòng hộ

    Các hộp gỗ đã được cưa vuông vắn

    Đột nhập công trường “tàn sát” rừng phòng hộ

    Gốc gỗ vừa cưa xong đang còn nhựa tươi.

    Cuối năm 2013, một số địa điểm lâm tặc khai thác hàng chục mét khối gỗ ở khu vực của một con khe trên đường vào bản Nà Đang nhưng Hạt không thể vận chuyển số gỗ trên ra được?. Thuê người dân địa phương họ cũng không dám làm, vì sợ lâm tặc trả thù.

    “Chúng tôi chỉ cố gắng hạn chế việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép đến mức thấp nhất!. Hạt đã có báo cáo với chủ tịch UBND huyện để chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng trên”, ông Vĩnh nói.

    Trao đổi với PV, ông Lê Tiến Lam, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết, hiện UBND xã Lâm Phú đã báo cáo về tình trạng khai thác lâm sản trái phép.

    “Huyện đã chỉ đạo các ngành phải nắm rõ thông tin về việc khai thác gỗ trên, đồng thời giao cho kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Lò ngăn chặn kịp thời. Nếu sự việc vượt quá thẩm quyền, huyện sẽ báo cáo cho cơ quan cấp trên kịp thời phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng tại Lâm Phú”, ông Lam cho biết thêm.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-nhap-cong-truong-tan-sat-rung-phong-ho-a29665.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan