+Aa-
    Zalo

    Đốt cỏ tạo khói gây tai nạn liên hoàn trên cao tốc: Trách nhiệm thuộc về ai?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ tai nạn giao thông liên hoàn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai vào chiều 3/4 khiến 10 xe bị hư hỏng, 4 người bị thương.

    Vụ tai nạn giao thông liên hoàn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai vào chiều 3/4 khiến 10 xe bị hư hỏng, 4 người bị thương.

    Đốt cỏ tạo khói gây tai nạn?

    Ngày 4/4, trao đổi với báo chí, đại diện đơn vị quản lý đường cao tốc - bà Nguyễn Thị Hoài Phương (Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Đường cao tốc Việt Nam - VECE) cho biết nguyên nhân cụ thể dẫn đến vụ tai nạn vẫn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.

    Tuy nhiên, theo bà Phương, về phía công ty thì nhận định ban đầu là do hạn chế tầm nhìn tài xế vì ảnh hưởng của khói khi người dân đốt đồng bên phải tuyến cao tốc, cháy lan vào trong hành lang an toàn.

    “Khi phát hiện khói, chúng tôi cử người đến ngay hiện trường để dập lửa. Khi đó khói bốc lên rất cao, tài xế không nhìn thấy nên tai nạn xảy ra” - bà Phương nói.

    6 ô tô tông nhau liên hoàn tại điểm xuất hiện khói mù mịt trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: Sài Gòn giải phóng

    Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai thì cho rằng, nguyên nhân sơ bộ ban đầu được xác định là do các xe BKS: 72B - 017.28, 60C - 382.49, 50LD - 067.12 và 51F - 919.99 không giữ khoảng cách an toàn gây tai nạn giao thông.

    Cụ thể, lúc 15h5 ngày 3/4, xe khách BKS 51B - 107.34 do ông Lê Thanh Bằng (38 tuổi, ngụ huyện Long Mỹ, Hậu Giang) điều khiển lưu thông theo hướng TP.HCM về Dầu Giây trên làn đường số 1, khi đến Km20 + 200m, đoạn thuộc xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai thì gặp điểm khói mù nên đã giảm tốc độ. Lúc này, xe đầu kéo BKS 51C - 151.38 kéo theo rơ moóc BKS 51R - 170.70 do Đào Duy Tuấn (38 tuổi, ngụ Thái Bình) điều khiển lưu thông từ phía sau, chuyển từ làn số 1 qua làn số 2 và xảy ra va chạm với xe khách BKS 72B - 017.28 lưu thông cùng chiều phía sau.

    Cũng vào thời điểm trên, xe BKS 60C - 382.49 do Đỗ Đức Huỳnh (34 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) điều khiển và ô tô BKS 50LD - 067.12 do Nguyễn Phú Cường (45 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) điều khiển phía sau không xử lý kịp nên xảy ra va chạm với xe khách BKS 51B - 107.34 và dừng lại. Đồng thời, ô tô BKS 51F - 919.99 do Phạm Văn Đạo (52 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM), điều khiển trên làn đường số 2 va chạm tiếp vào xe đầu kéo BKS 51C - 151.38 kéo theo rơ moóc BKS 51R - 170.70.

    Ai chịu trách nhiệm?

    Liên quan về vấn đề pháp lý, trao đổi trên tờ Tri thức trực tuyến, luật sư Nguyễn Minh Cảnh (nguyên Thẩm phán TAND TP.HCM) cho biết cần phải căn cứ vào kết quả điều tra để xác định cụ thể, xem xét xử lý trách nhiệm. Trong trường hợp này, luật sư cho rằng có thể do lỗi hỗn hợp từ nhiều phía.

    Người dân có lỗi khi đốt cỏ tạo ra khói mù mịt bên ngoài hành lang đường cao tốc. Nếu những người này do người khác thuê đốt thì người chủ thuê đó sẽ phải chịu một phần trách nhiệm. Ngoài ra, phải kể đến lỗi của tài xế. Trong tình huống này, tài xế có thể đã không giữ khoảng cách khi lưu thông, đồng thời khi thấy khói mù đường nhưng vẫn không có cách xử lý kịp thời như dừng xe, ra hiệu cho các xe khác ở phía sau.

    Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng quy lỗi cho những người đốt cỏ là vấn đề không đơn giản. Cả luật sư Đức và luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đều cùng quan điểm là khó có thể quy trách nhiệm cho người đốt cỏ dù là họ đốt sát đường cao tốc. Vì việc người dân đốt cỏ khô, rơm rạ trên đồng gây khói mù, hiện nay qua rà soát các văn bản pháp luật, không thấy có quy định nào xử phạt.

    Tai nạn đã khiến 10 xe ô tô hư hỏng nặng - Ảnh: Đại Đoàn Kết

    Đối với đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc, trách nhiệm của họ được quy định tại Thông tư 90/2014/TT-BGTVT. Theo đó, đơn vị quản lý, khai thác đường cao tốc "thực hiện việc tuần tra trên đường cao tốc theo quy định; thực hiện, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng và đảm bảo ATGT trên đường cao tốc".

    Đối với trách nhiệm của nhân viên tuần đường cũng có quy định: "Phát hiện kịp thời tình trạng bất thường, sự cố của công trình đường cao tốc ảnh hưởng đến ATGT, các vi phạm quy định về ATGT các tai nạn, sự cố giao thông phải báo cáo kịp thời".

    Trao đổi với Tri thức trực tuyến, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECE) cho biết VECE đã thông báo các sự cố trên hệ thống biển báo VMS cũng như trên VOV Giao thông, đồng thời nhân viên tuần tra và xử lý sự cố thực hiện cảnh báo tại hiện trường trong quá trình xử lý sự cố.

    Luật sư Đức cho rằng theo thông tin trả lời báo chí như trên thì để xác định đơn vị khai thác đường cao tốc có lỗi hay không cần phải chờ kết quả điều tra, xác minh của cơ quan công an. Nếu kết quả xác định đơn vị này chậm thông tin dẫn đến xảy ra tai nạn thì phải bồi thường thiệt hại cho các chủ phương tiện bị thiệt hại.

    Trao đổi trên Pháp luật TP.HCM, luật sư Lê Văn Hoan (Đoàn Luật sư TP.HCM), Điều 12 Luật Giao thông đường bộ và Điều 11 Thông tư 91/2015 của Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, nếu tốc độ trên 60 km/giờ thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 35 m, 80 km/giờ là 55 m, 100 km/giờ là 70 m và 120 km/giờ là 100 m. Ngoài ra, khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn khoảng cách an toàn ghi trên biển báo hoặc quy định trên.

    Trong vụ việc này cần phải làm rõ và xác định các yếu tố lỗi để làm cơ sở xem xét trách nhiệm dân sự của các bên. Cụ thể, đối với tài xế, theo Điều 5 Luật Giao thông đường bộ họ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) nếu: Có biển cảnh báo nguy hiểm hoặc có chướng ngại vật trên đường; nếu trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi.

    Thực tế khói làm hạn chế tầm nhìn không phải xuất hiện một cách đột ngột, từ xa tài xế vẫn có thể quan sát thấy nên phải làm rõ việc này.

    Trao đổi với Người Lao Động về việc làm sao để ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ, nương rẫy đe dọa an toàn của cao tốc trên cả nước, ông Đỗ Chí Chung - Chánh văn phòng Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho rằng trách nhiệm là của chính quyền địa phương.

    "Chúng tôi chỉ có thể quản lý trên cao tốc, còn ngoài phạm vi cao tốc là do địa phương quản lý" - ông Chung cho hay. Theo Chánh văn phòng VEC, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền cho người dân dọc hai bên cao tốc, ý thức PCCC khi đến mùa thu hoạch cũng như trong mùa khô.

    "VEC sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để tuyên truyền, tổ chức đốt rạ có kiểm soát theo nhu cầu của người dân. Đồng thời, phát quang dọn cỏ và cảnh báo khói ảnh hưởng tầm quan sát của người tham gia giao thông qua các biển báo VMS và các kênh VOV Giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam" - ông Chung cho biết.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dot-co-tao-khoi-gay-tai-nan-lien-hoan-tren-cao-toc-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a224810.html
    Sự kiện:
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan