15/03/2022 vừa qua được coi là ngày “khai sinh lại” ngành du lịch Việt Nam với việc mở lại đường bay quốc tế cùng hàng loạt chính sách khôi phục và nới lỏng điều kiện nhập cảnh cho du khách quốc tế. Trong giai đoạn nghỉ lễ 30/04 và 01/05/2022, các tỉnh thành vốn có tiềm lực về du lịch đã có sự chuyển mình mạnh mẽ. Lượt khách lưu trú tại nhiều địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Nha Trang, Phú Quốc… tăng từ 65% đến 85% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, việc trở thành chủ nhà của Đại hội thể thao Đông Nam Á Seagames 31, thu hút đông đảo khách quốc tế đến với Việt Nam, được xem là “cú hích” đúng lúc, tạo hiệu ứng lan tỏa cho sự sẵn sàng trở lại của du lịch nước nhà. Với những tín hiệu tích cực và điều kiện thuận lợi, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch cùng nhiều chính sách hấp dẫn, thu hút.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: “Mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2022 là đón được 65 triệu lượt khách, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỉ đồng. Đây là con số đầy tham vọng, tuy nhiên tôi đánh giá là tương đối khả thi nếu Chính phủ, Lãnh đạo ngành du lịch, các địa phương và các doanh nghiệp đồng lòng quyết tâm khôi phục thế mạnh du lịch Việt Nam quay lại thời kỳ đỉnh cao vốn có”.
Điều kiện cần đã có. Điều kiện đủ là sự đồng thuận từ doanh nghiệp lữ hành đến các doanh nghiệp “vệ tinh” chuyên cung ứng dịch vụ như lưu trú, vận chuyển, ăn uống…, mà phần lớn là doanh nghiệp siêu nhỏ tại các địa phương. Tuy nhiên, dòng vốn vẫn là một bài toán cần lời giải.
Thực tế cho thấy, các cơ sở quy mô nhỏ, hộ kinh doanh cá thể cung ứng dịch vụ cho ngành du lịch vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại sau hơn 2 năm gần như “đóng băng” do dịch Covid-19. Có nhiều yếu tố khiến họ chần chừ như: thiếu nhân sự, chi phí hoạt động tăng và quan trọng nhất là thiếu vốn để xây dựng kế hoạch kinh doanh.
Anh Trần Quốc Long – chủ một nhà hàng kinh doanh hải sản tại Đà Nẵng chia sẻ: “Hiện tại, khi công việc kinh doanh đã có thể quay trở lại thì dòng tiền để có thể đặt cọc, chi trả chi phí mặt bằng; vận hành; nhập các nguồn nguyên liệu đầu vào… thực sự khiến tôi đau đầu. Vì thế, hiện tại tôi cần nhất nguồn tín dụng ưu đãi để có thể sớm bắt tay vào việc kinh doanh trở lại”.
Cũng gặp khó khăn về vốn, chị Nguyễn Kim Anh (Đà Lạt) lại đang băn khoăn việc lựa chọn ngân hàng nào có thể hỗ trợ cấp vốn với thời gian nhanh nhất. “Tôi có kế hoạch sửa lại homestay để đón khách vào mùa hè này. Kế hoạch, phương án kinh doanh tôi đã chuẩn bị sẵn và đang tham khảo chính sách của 1 số ngân hàng. Hạn mức tín dụng hay lãi suất ưu đãi là ưu tiên hàng đầu, song tôi cũng cân nhắc đến yếu tố thủ tục hồ sơ, giải ngân nhanh để có thể sớm triển khai kế hoạch của mình”.
Thấu hiểu khó khăn của khách hàng, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi. Như mới đây, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) triển khai gói tín dụng “An tâm vững bước” với nhiều ưu điểm vượt trội, sẵn sàng đồng hành cùng khách hàng tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Theo đó, PVcomBank cấp hạn mức lên tới 10 tỉ đồng trong thời hạn 10 năm với lãi suất cạnh tranh chỉ từ 5% đến 7,99%/năm. Ngoài ra, với việc rút ngắn các quy trình thủ tục, phê duyệt hồ sơ chỉ trong 24 giờ, gói tín dụng này được xem là giải pháp tài chính kịp thời, giúp các doanh nghiệp và hộ kinh doanh có cơ hội sớm tiếp cận nguồn vốn để chuẩn bị cho các kế hoạch kinh doanh, mở rộng thị trường, khách hàng.
Dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Goolge cho thấy, lượng tìm kiếm quốc tế về điểm đến Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50 - 75%, cao thứ 4 toàn cầu và không ngừng tăng lên kể từ khi Việt Nam mở cửa du lịch vào 15/03 vừa qua. Điều đó cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ từ “ngành công nghiệp không khói” của Việt Nam. Cộng với sự tiếp sức về vốn từ các ngân hàng, trong đó có PVcomBank, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể sẽ có động lực để trở lại cùng ngành du lịch trong thời gian sớm nhất.
Thu Hà