Bé đã được gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện với ngón tay cái bị kẹt vào ổ khóa xoay của nhà.
Ngày 6/12, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM thông tin, các bác sĩ vừa sơ cấp cứu thành công cho bé trai H.M.K.(sinh năm 2017, ở Đồng Nai) được người nhà hối hả đưa vào bệnh viện trong tình cảnh vô cùng đau đớn vì ngón tay cái bị kẹt cứng vào ổ khóa xoay.
Các bác sĩ đã mở chốt khóa an toàn của ổ khóa lấy ngón tay bé K. ra. May mắn, ngón tay bệnh nhi chỉ đứt một lớp da mỏng, không gãy xương. Sau khi bác sĩ khâu vết thương và chăm sóc ổn định, bé đã được xuất viện.
Ngón tay bé trai bị kẹt chặt vào ổ khóa. Ảnh: Vietnamnet. |
Về nguyên nhân xảy ra sự việc đáng tiếc này, các bác sĩ hỏi chuyện người nhà nhưng không ai rõ nguyên nhân vì sao bệnh nhi bị chiếc ổ khóa "ngoạm" chặt tay như vậy. Gia đình chỉ biết trước đó bé chơi một mình trong nhà rồi sau đó khóc thét lên. Nghe tiếng khóc, mọi người chạy đến hiện trường thì hoảng hồn thấy sự việc nên vội vàng tìm cách lấy ngón tay con ra.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nhân, khoa bỏng - chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết, khi gặp trường hợp tương tự, người lớn nên bình tĩnh, trấn an trẻ để bé không hoảng loạn, vẫy vùng khiến vết thương nặng hơn. Sau đó, người nhà ấn chốt an toàn của ổ khóa, từng bộ phận sẽ tách rời.
Khoa Bỏng - Chỉnh hình, bệnh viện nhi đồng 2, TP.HCM từng tiếp nhận nhiều trường hợp tai nạn tương tự. Ảnh: Afamily. |
Theo bác sĩ Nhân, ở giai đoạn 1-3 tuổi, bé hay tò mò và thích khám phá mọi thứ xung quanh, bắt chước các hành động của người lớn. Có những trẻ hiếu động, cho đồ vật vào miệng, nghịch các thiết bị dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Những vật dụng tưởng chừng ít nguy hiểm như ổ khóa cũng có nguy cơ gây tổn thương.
Để đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn giúp con học hỏi xung quanh, phụ huynh hãy tạo cho con môi trường khám phá an toàn, bằng cách luôn kiểm tra trong nhà và đặt những vật có khả năng gây nguy hiểm ngoài tầm với của con.
Bích Thảo(T/h)