+Aa-
    Zalo

    Đồng Euro ngang giá USD ảnh hưởng đến ổn định kinh tế toàn cầu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Một số nhà phân tích cho rằng đồng Euro gần ngang giá với đồng USD có thể là điều không mấy tốt đẹp với sự ổn định kinh tế toàn cầu.

    Lần đầu tiên sau 20 năm, đồng Euro gần ngang giá so với đồng USD. Theo CCTV, có thời điểm ghi nhận vào chiều 12/7, tỷ giá đồng euro so với đô la Mỹ từng giảm xuống 1:1, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2002. Tính từ đầu năm đến nay, đồng Euro đã giảm gần 15% so với đồng USD.

    Khi đồng Euro được giới thiệu vào năm 1999, 1 Euro trị giá 1,18 USD. Đồng tiền chung của EU giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 0,8228 USD vào ngày 26/10/2000.

    Sau đó, đồng Euro bắt đầu trải qua thời kỳ phục hồi, vào ngày 15/7/2002, tỷ giá hối đoái của 2 đồng tiền này gần 1:1. Đến cuối năm 2002, đồng euro đạt 1,04 USD và sau đó tiếp tục gia tăng.

    Vào ngày 22/4 và ngày 15/7/2008, đồng Euro 2 lần đạt đỉnh mới, ở mức 1,6 USD. Sau khủng hoảng tài chính, đồng Euro bước vào thời kỳ chấn động mạnh nhưng trong nhận thức của mọi người, đồng Euro vẫn duy trì được sức mạnh của mình so với đồng USD.

    Theo phân tích, kể từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, các nước trong khu vực đồng Euro đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, nguồn cung không đủ dẫn đến giá năng lượng, thực phẩm và các mặt hàng khác tăng vọt. Cuộc khủng hoảng năng lượng đã kéo theo sự suy giảm kinh tế, khiến các nhà đầu tư quay sang đồng USD để đảm bảo an toàn.

    Bên cạnh đó, khi đối mặt với lạm phát, các phản ứng khác nhau của Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng đã dẫn đến việc thu hẹp khoảng cách giữa hai đồng tiền.

    Một số nhà phân tích tin rằng đồng Euro gần ngang giá với đồng USD là "một tin tốt cho những người Mỹ có kế hoạch đi du lịch châu Âu nhưng có thể là điều không mấy tốt đẹp với sự ổn định kinh tế toàn cầu".

    dong euro lao xuong gan bang usd anh huong den on dinh kinh te toan cau 02
    Đồng Euro lao dốc xuống ngang giá USD có thể ảnh hướng đến sự ổn định kinh tế toàn cầu. Ảnh minh họa

    Khủng hoảng năng lượng làm tăng lạm phát khu vục đồng tiền chung châu Âu

    Theo báo cáo, vào năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU và gần 40% tổng lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ của khối này.

    Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đã cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga. Trong khi đó, Nga cũng hạn chế cung cấp khí đốt cho một số nước EU, gần đây nhất đã cắt giảm 60% lưu lượng của đường ống Nord Stream đến Đức.

    Ngày 11/7/2022, Nord Stream 1, đường ống nhập khẩu khí đốt tự nhiên quan trọng ở châu Âu, đã bắt đầu bảo trì hàng năm kéo dài 10 ngày.

    Tuy nhiên, các nước châu Âu lo ngại rằng Nga có thể kéo dài thời gian bảo trì do xung đột giữa Nga và Ukraine, qua đó làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái nguồn cung năng lượng và có thể đẩy nhanh sự suy thoái của nền kinh tế khu vực đồng Euro.

    Việc giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên Nga đã khiến các nước châu Âu phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt nguồn cung, đẩy giá năng lượng, thực phẩm và các mặt hàng khác ở khu vực này tăng vọt.

    Theo báo cáo, lạm phát ở Tây Ban Nha đã tăng 7,6% trong tháng 2 lên 9,8% trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 5/1985. Lạm phát hàng năm ở Đức đã vượt dự báo lên 7,6% vào tháng 3, mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980. Lạm phát khu vực đồng Euro đạt 8,6% trong tháng 6, mức cao nhất kể từ năm 1997.

    Cuộc khủng hoảng năng lượng đi kèm với suy thoái kinh tế khiến các nhà đầu tư hoài nghi về khả năng thắt chặt chính sách để giảm lạm phát của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Họ dần chuyển sang các tài sản trú ẩn an toàn truyền thống và đồng USD đã mạnh lên nhờ những lo ngại rủi ro.

    Chưa hết, cũng đối mặt với lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất ba lần liên tiếp kể từ tháng 3. Sau khi tỷ lệ lạm phát của Mỹ đạt 8,6% vào tháng 5, FED đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào tháng 6 để ổn định giá cả của Mỹ. Cùng tháng, ECB quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2011.

    Một số nhà phân tích cho rằng các biện pháp của ECB vẫn chưa đủ. Phân tích chỉ ra rằng tốc độ và mức độ tăng lãi suất khác nhau của ECB và FED đã dẫn đến tình trạng đồng USD mạnh và đồng Euro yếu, khiến khoảng cách giữa hai đồng tiền đã thu hẹp.

    George Saravelos, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu tại Deutsche Bank, nhận định, nếu nền kinh tế châu Âu và Mỹ tiếp tục suy giảm trong quý 3 năm nay, đồng thời FED vẫn tiếp tục tăng lãi suất, tỷ giá Euro / USD có khả năng giảm xuống 0,95-0,97, đây có thể không phải là tin tốt cho sự ổn định kinh tế toàn cầu.

    Thương mại xuất nhập khẩu châu Âu bị ảnh hưởng

    Theo Sohu, đường cong tỷ giá hối đoái Euro-USD chưa bao giờ gần như vậy trong gần 20 năm qua, một dấu hiệu không chỉ cho thấy sự suy yếu của đồng euro trong bối cảnh rủi ro đi xuống và bất ổn, mà còn về các vấn đề lưu thông của đồng đô la có thể báo trước một cuộc suy thoái toàn cầu.

    Sự gần tương đương giữa đồng Euro vs USD sẽ ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu, bao gồm cả năng lượng. Điều này có thể đẩy làm tăng chi phí của các nhà sản xuất trong khu vực đồng Euro khi mua hàng hóa bằng đồng USD, đặc biệt là dầu.

    Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của khu vực đồng Euro sang Mỹ sẽ rẻ hơn. Theo số liệu của Eurostat, xuất khẩu chiếm khoảng 45-50% GDP của khu vực đồng euro, trong khi nhập khẩu chiếm khoảng 40-45%. Do đó, sự gần tương đương giữa đồng Euro và đồng USD chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến thương mại xuất khẩu của châu Âu.

    Hoa Vũ (Theo Sohu)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dong-euro-ngang-gia-usd-anh-huong-den-on-dinh-kinh-te-toan-cau-a544448.html
    Sự kiện: Thế giới 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan