(ĐSPL) - Theo các chuyên gia, ước đoán đồng bảng Anh sẽ giảm thêm 10\% so với đồng USD trong những tháng tới giữa lúc suy thoái kinh tế và kỳ vọng về chính sách tiền tệ gia tăng.
Đồng bảng Anh rớt giá kỷ lục sau hơn 30 năm
Tin tức trên báo Lao động, đồng bảng Anh tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu phiên ở châu Á ngày 27/6, sau mức giảm kỷ lục sau hơn 30 năm trong ngày 24/6 tuần trước.
Giá trị của đồng bảng giao dịch ở mức 1,3365 USD, tức sụt giảm 3\% kể từ thời điểm đóng cửa ngày 24/6. So với euro, đồng bảng được giao dịch ở mức 1,2147 euro, tức giảm 1,4\%. Trước đó, vào ngày 24/6, bảng Anh giảm xuống ở mức thấp kỷ lục còn 1 bảng/1,32 USD.
Trước tình hình hình này, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne dự kiến có phát biểu để xoa dịu thị trường trước khi giao dịch tại Anh trong ngày 27/6 (giờ địa phương) bắt đầu.
Ông Jeremy Cook, Kinh tế trưởng công ty trao đổi ngoại hối World First, ước đoán đồng bảng Anh sẽ giảm thêm 10\% so với đồng USD trong những tháng tới giữa lúc suy thoái kinh tế và kỳ vọng về chính sách tiền tệ gia tăng.
Dẫu vậy, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đêm 26/6 (giờ địa phương) nhấn mạnh rằng thị trường được “kiểm soát”. Chỉ riêng ngày 24/6, các thị trường chứng khoán thế giới mất hơn 2.000 tỉ USD giá trị.
Hiện một số nền kinh tế lớn nhất châu Á đã bày tỏ sự lo ngại cho sự ổn định kinh tế thế giới sau kết quả của cuộc trưng cầu dân ý cho thấy Anh sẽ rời khỏi EU (Brexit).
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ nhận định việc Anh rời khỏi EU sẽ “tạo ra một bóng đen phủ lên kinh tế toàn cầu”, “ảnh hưởng và hậu quả” sẽ xuất hiện trong vòng 5-10 năm tới. Tuy nhiên, ông Lâu nói thêm rằng phản ứng từ các thị trường chứng khoán, trong đó có sự giảm mạnh hôm 24/6, có thể là quá trớn.
Đồng bảng Anh tiếp tục giảm trong phiên giao dịch đầu phiên ở châu Á ngày 27/6, sau mức giảm kỷ lục sau hơn 30 năm trong ngày 24/6 tuần trước. (Ảnh minh họa). |
Theo ông Hoàng Nghi Bình - thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Brexit có thể đánh dấu một bước “đảo ngược của toàn cầu hóa”, diễn biến “rất xấu” đối với thế giới.
Cùng lúc, một quan chức Hàn Quốc tỏ ra quan ngại, còn một nhân vật cao cấp trong đảng cầm quyền Nhật Bản cho rằng Tokyo nên chuẩn bị để ứng phó với biến động.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso cho biết Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ đạo ông lên kế hoạch ổn định thị trường tiền tệ nếu cần thiết. Sau Brexit, các nhà đầu tư chuyển sang "tị nạn" ở đồng yen, khiến đồng tiền này tăng giá, gây ra lo ngại rằng xuất khẩu của Nhật Bản sẽ kém cạnh tranh. Hôm 24-6, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật giảm gần 8\%, nay lại mất thêm 1,3\% trong phiên giao dịch sáng 27-6.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến gặp Ngoại trưởng Anh Philip Hammond trong cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi cuộc trưng cầu dân ý hôm 23-6.
Thị trường Việt Nam: Lo lắng thái quá
Thông tin trên báo Đầu tư Chứng khoán, với những quan ngại liên quan đến thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND ngày thứ Sáu (24/6) tăng khoảng 30 điểm, từ mức đóng cửa 22.310 đồng/USD ngày 23/4 lên mức 22.340 đồng/USD cuối giờ giao dịch sáng. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều lãnh đạo ngân hàng, nguyên nhân chính là do nhu cầu trong kế hoạch của một số tổ chức lớn và đóng cửa thị trường tỷ giá ổn định ở quanh mức 22.340 đồng/USD.
Báo cáo của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV phân tích, tác động xấu của Brexit lên thị trường ngoại hối trong nước đến từ việc chỉ số USD DXY trên thế giới tăng giá, gây áp lực lên các ngoại tệ khác và VND. Trong khi đó, lãi suất VND đang xuống thấp, khiến chi phí nắm giữ USD giảm, nên nhiều tổ chức mong muốn nắm giữ ngoại tệ để đề phòng biến động trên thị trường thế giới, gây áp lực tăng tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đã nhận ra nguy cơ này, nên trong ngày 24/6 đã phát hành tín phiếu với số lượng khoảng 5.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 1,75\%/năm, mục đích là tăng lãi suất VND, qua đó tăng chi phí nắm giữ USD và hạn chế hành vi đầu cơ.
“Song nhìn chung, tác động của Brexit lên thị trường ngoại hối và tiền tệ trong nước đến thời điểm này là khá hạn chế”, Báo cáo của BIDV nhận định.
Ông Quang phân tích, đỉnh điểm trong sáng thứ Sáu, có thời điểm GBP mất giá khoảng 10\%, nhưng chỉ trong 2 tiếng sau khi kết quả Brexit được công bố, GBP đã phục hồi lại được 2\% cho thấy, việc mất giá 10\% hay 8\% không phản ánh thực tế sức khỏe của đồng tiền này nói riêng và kinh tế Anh nói chung, mà nhiều hơn là của giới đầu cơ hay vấn đề tâm lý.
“Câu chuyện nước Anh rời khỏi EU không thể diễn ra trong nay mai, bởi từ khi quyết định đến khi chính thức rút khỏi EU, quá trình thực hiện cũng phải kéo dài tối thiểu 1-2 năm và trong khoảng thời gian này, kinh tế toàn cầu hoàn toàn có thể có các giải pháp, trong đó ngân hàng trung ương các nước sẽ có đầy đủ công cụ để hỗ trợ về thanh khoản. Đối với thị trường tài chính Việt Nam, không có biến động quá nhiều, riêng TTCK có vẻ hơi lo lắng, còn câu chuyện về lãi suất và tỷ giá đều không có vấn đề gì”, ông Quang nhận định.
Ông Chidu Narayanan cho rằng, đối với các ngoại tệ nói chung, sự ra đi của Anh có thể là nguy cơ đáng kể về mặt tâm lý và tỷ giá hối đoái của châu Á, trừ Nhật Bản, tất nhiên sẽ có một số áp lực mất giá nhất định. Đối với đồng Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng, sẽ có chút ít biến động, nhưng ổn định hơn so với các đồng tiền châu Á khác.
Tuy nhiên, vị chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cũng đưa ra gợi ý thú vị: “Những điều tôi quan tâm nhiều hơn trong lúc này, đó là nhu cầu nói chung từ phương Tây và nếu Mỹ đang trong giai đoạn mới nhất của chu kỳ tăng trưởng, đó cũng là mối quan tâm của Việt Nam, thay vì chỉ quan tâm đơn thuần đến Brexit”.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin