+Aa-
    Zalo

    Dọn dẹp cây chết, gãy đổ bị coi là “phá rừng”?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Dư luận Đà Nẵng xôn xao về vụ việc khai thác gỗ trái phép tại rừng Sơn Trà. Các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý.

    (ĐSPL) - Vừa qua, dư luận Đà Nẵng xôn xao về vụ việc khai thác gỗ trái phép tại rừng Sơn Trà, Đà Nẵng. Các cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý thậm chí đã có những ý kiến cho rằng cần xử lý hình sự hành vi này. Mới đây, người liên quan đến vụ việc này lại gửi Đơn thư kêu cứu đến nhiều cơ quan báo chí với nội dung ngược lại. Và đâu là sự thật?

     Chiến sĩ Hải quân phủ xanh đất trống, đồi trọc

    Theo phản ánh của Thượng tá Phạm Hùng Mạnh, Trung đoàn 83 – Công binh Hải quân, đại diện cho nhóm 12 hộ gia đình, nhận giao khoán 63ha đất rừng Bắc Sơn Trà, thuộc phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng: Năm 1992, khi đó Thượng tá Phạm Hùng Mạnh còn là trợ lý quân nhu của Trung đoàn 83 được giao nhiệm vụ cùng một số anh em đi tìm nguồn nước sinh hoạt cho đơn vị mỗi khi hành quân dã ngoại qua đây. Phát hiện khu vực này có dòng suối mát chảy qua, Thượng tá Mạnh đã cùng anh em trong đơn vị chặn suối lại lấy nước và dựng lán trại làm nơi dừng chân nghỉ ngơi cho đơn vị. Khi đó, khu rừng này rất hoang sơ, cây cối thưa thớt, cỏ lau sậy um tùm, do người dân đã ra đây khai thác gỗ, củi và đốt cây rừng lấy than.

    Năm 1996 - 1997, Trung đoàn 83 chuyển quân vào Cam Ranh để xây dựng công trình đảo, không còn hành quân dã ngoại khu vực này nữa, và để lại nơi này một số lán trại, vườn rau, cây ăn trái… Sau đó, Ban bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Sơn Trà vào kiểm tra và có vận động nhóm hộ của Thượng tá Hùng tiến hành làm thủ tục nhận giao đất để trồng rừng theo Nghị định 01 của Chính phủ, để sau này nhà nước có chính sách ưu tiên và quyền lợi các hộ được bảo vệ. Sau khi được nhận giao khoán, nhóm 12 hộ cán bộ sỹ quan, Trung đoàn 83 Hải quân bắt đầu công cuộc trồng cây rừng, cây ăn trái, trông coi, chăm sóc và bảo tồn những cây rừng sót lại.



    Thân cây gỗ tạp với lõi bị sâu ăn ruỗng.

    “Đây là điểm đợi cơ của tàu chiến đấu nên chúng tôi xác định trồng và bảo vệ cho rừng xanh tốt tại khu vực này. Ngày đó, chưa có đường bộ ra đây, phương tiện duy nhất là tàu, thuyền đánh cá. Để thành những cánh rừng như ngày hôm nay công sức và tiền bạc của các hộ phải bỏ ra là rất lớn, đó là tâm huyết, nghị lực và cả trách nhiệm của nhóm hộ gia đình sĩ quan Trung đoàn 83” ông Mạnh chia sẻ.

    Ngày tháng qua đi, vườn rừng xanh tốt, 20 năm nay năm nào cũng có các đoàn của Hạt kiểm lâm Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn, Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng vào kiểm tra nhưng chưa hề phát hiện ra phá rừng tại đây bao giờ.

    Theo báo cáo ngày 30/8/2010 của Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng thì có thể thấy Đơn kêu cứu của Thượng tá Phạm Hùng Mạnh là có cơ sở. Theo đó, Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng xác nhận nguồn gốc đất do ông Mạnh quản lý là giao khoán theo Nghị định 01/CP ngày 04/01/1995 của Chính phủ ban hành quy định về giao khoán sử dụng đất vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Năm 1997 - 1998 ông Phạm Hùng Mạnh có nhận khoán trồng rừng 33 ha tại Tiểu khu 55 cũ (nay là tiểu khu 63, bán đảo Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Thủ tục giao khoán 15 ha và 18 ha để trồng rừng và phát triển kinh tế vườn do Ban quản lý Khu BTTN Sơn Trà, TP Đà Nẵng giao năm 1997, 1998 … Các tài liệu khác đều thể hiện các hộ dân nhận khoán đất trồng rừng tại khu vực trong đó có hộ ông Phạm Hùng Mạnh đều chăm sóc, bảo vệ tốt rừng suốt 20 năm qua.

    Bị nghi là “lâm tặc” do dọn dẹp cây đổ?!

    Cũng theo Thượng tá Mạnh, câu chuyện phá rừng bắt đầu bằng thông tin trên một số tờ báo nói rằng người dân phát hiện có người vận chuyển gỗ từ bãi Bắc (vị trí khu vực vườn rừng gia đình Thượng tá Hùng được giao). Trước thông tin trên báo chí, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng đã chỉ đạo Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại tiểu khu 63, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà (khu vực rừng của gia đình Thượng tá Mạnh quản lý, bảo vệ).

    Kết quả kiểm tra phát hiện, có 25 cây có đường kính gốc từ 15 cm đến 143 cm, trong đó 12 cây bị bật gốc, ngã đổ tự nhiên không rõ nguyên nhân; 13 cây bị đổ do có sự tác động của con người cưa, cắt, với khối lượng gỗ đo đếm được khoảng 39 m3. Các cây này thuộc nhóm III, V, VI, VII gồm các loại: chò đen, nhội, dẻ trắng, sồi trắng, lim xẹt và lòng mang lá lớn; có 2 cây nằm trong khu vực rừng đặc dụng. Tại hiện trường, phần lớn các gốc cây đã có chồi non cao từ 20cm đến 50cm, chứng tỏ cây đã bị cắt hạ lâu ngày và trải qua một, hai mùa sinh trưởng. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện hơn 3 khối gỗ thành phẩm tại kho của Cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Trường Mai - đơn vị ký hợp đồng liên doanh khai thác du lịch với ông Phạm Hùng Mạnh trên đất rừng giao khoán. Theo đại diện của cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch Trường Mai thì số gỗ thành phẩm là phản, bàn, ghế nói trên đơn vị này mua về sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ nhưng tại thời điểm kiểm tra đơn vị chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ.

    Theo báo cáo của đoàn kiểm tra thì đây là vi phạm nghiêm trọng, khối lượng gỗ vượt quá khung xử lý hành chính nên Chi cục kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã báo cáo Thành phố xin ý kiến.

    Trao đổi với Thượng tá Phạm Hùng Mạnh được biết, theo hợp đồng giao khoán giữa Ban BTTN Sơn Trà với nhóm 12 hộ, hợp đồng ghi rõ là giao đất, chứ không phải giao rừng. 20 năm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng nhưng Thượng tá Mạnh không có biện pháp nào để làm cho cây rừng chống chọi với thiên nhiên, bão gió khắc nghiệt nơi đây. Rất nhiều cây đổ, gãy do mưa bão, nhất là cơn bão số 11 năm 2013, nhiều cây đổ chắn ngang lối đi; nhiều cây bị mối ăn rỗng dẫn đến chết đứng. Để tạo môi trường cảnh quan sinh thái, tránh nguy hiểm cho du khách đến đây tham quan, dã ngoại nên tôi đã cho thu dọn cho nó sạch sẽ, gọn gàng và cũng là để phòng chống nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra.

    “Tất cả các cây tôi cho thu dọn đều còn nằm nguyên ở đó, chưa có một khúc gỗ nào, thậm trí là một mẩu gỗ nhỏ nào được vận chuyển ra khỏi rừng. Hơn nữa, cây gỗ ở rừng này đều là gỗ tạp, cây ngắn, không có giá trị kinh tế cao, nếu có vận chuyển ra bên ngoài để bán cũng rất khó và chắc chắn là rất rẻ. Vì vậy, tôi chưa bao giờ có ý định bán mua số gỗ này. Hàng năm, các anh ở Hạt kiểm lâm và Chi cục kiểm lâm nhiều vào đây kiểm tra đều nhìn thấy những cây gỗ đổ, gỗ chết này, năm sau lại nhiều hơn năm trước. Lần nào kiểm tra, các anh ấy cũng dặn dò phải cẩn thận trong công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng. Cuối năm 2015, các anh ấy vào kiểm tra thấy tôi cho thu dọn, cắt các cây đổ, cây chết, các anh ấy có nhắc nhở việc thu dọn chưa đúng quy trình. Vì vậy, tôi để nguyên đó không tiếp tục thu dọn nữa” - Thượng tá Mạnh khẳng định.

    Căn cứ theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại tiểu khu 63, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà thì “tổng số cây đã khai thác là 16 cây, đường kính gốc từ 15 cm đến 143 cm; trong đó có một cây bị bật gốc, ngã tự nhiên không rõ nguyên nhân và một cây có đường kính gốc chính 140 cm gồm hai thân trong đó một thân đường kính 75 cm bị gãy ngã tự nhiên không rõ nguyên nhân. Chủng loại gỗ thuộc gỗ thông thường (gỗ tạp) nhóm V, VI, VII gồm các loại: chò đen, nhội, dẻ trắng, sồi trắng, lim xẹt và lòng mang lá lớn.” Như vậy tình bày của ông Mạnh về việc cáo cây bị gãy, đổ là gỗ tạp, ít giá trị kinh tế là hoàn toàn khớp với chứng cứ các cơ quan chức năng thu thập tại hiện trường.


    Hầu hết các cây bị cho là khai thác đều là gỗ tạp, bị rỗng ruột, không có giá trị sử dụng.

    “Trải qua 37 năm công tác trong quân đội, phục vụ chủ yếu tại quần đảo Trường Sa, tôi luôn ý thức được giá trị, thiêng liêng của mảnh đất đầu sóng ngọn gió này. Mảnh đất này tôi đã gắn bó suốt hơn 20 năm qua, gia đình tôi dồn nhiều của cải, công sức để trồng rừng, bảo vệ rừng được như ngày hôm nay thì làm sao tôi lại có thể đi phá rừng được. Dưới tán rừng này, gia đình tôi đầu tư đã trồng hơn 30 ha cây sâm cau đang đợi ngày thu hoạch; Mấy năm vừa rồi tôi đã trồng hơn 3000 cây sưa đỏ, hiện đang phát triển rất tốt. Còn hàng nghìn cây bầu gió tôi trồng hơn chục năm nay nhưng có lẽ do khí hậu thổ nhưỡng ở khu vực này không hợp nên phát triển chậm và không có tinh dầu. Ngoài ra tôi còn trồng rất nhiều keo và nhiều loại cây ăn trái?”, Thượng tá Mạnh chia sẻ.

    “Tôi rất buồn và hoang mang khi một số người nói rằng tôi phá rừng. Tôi hi vọng các cơ quan chức năng sớm xác minh làm rõ sự việc tôi phá rừng hay không, hay chỉ là việc tôi cho thu dọn cây đổ, cây khô, cây chết”, Thượng tá Phạm Hùng Mạnh hi vọng.

    NHÓM PVĐT
    Nguồn: Người đưa tin
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/don-dep-cay-chet-gay-do-bi-coi-la-pha-rung-a141890.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan